Khôi phục giá trị phố nghề

06:45 | 13/10/2020

|
Hà Nội vốn là đất “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”. Trải qua các giai đoạn phát triển, từ nhiều làng nghề, Hà Nội đã hình thành nên phố nghề, gắn với tên “Hàng” ngày nay. Khôi phục giá trị phố nghề không chỉ là giữ gìn giá trị truyền thống mà còn là một sản phẩm đặc sắc của phố cổ Hà Nội.

Từ làng nghề đến phố nghề xưa...

Thời nhà Lý, Thăng Long có 61 phường, chia làm ba khu vực: Sản xuất nông nghiệp, làng nghề và buôn bán. Gọi là làng nghề nhưng chỉ là nghề phụ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.

Ngoài các làng nghề nội sinh, mảnh đất này còn có nhiều nghề ngoại sinh, ví như nghề đậu bạc ở Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai), dệt thao ở Triều Khúc (nay thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), nghề làm giấy dó ở Yên Thái (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ)...

Theo thời gian, dân số kinh đô đông đúc hơn dẫn đến nhu cầu tiêu dùng cũng lớn hơn, nếu không có cơ sở sản xuất sẽ thiếu hàng hóa cho dân kinh thành. Với các làng nghề ở ngoại ô và các vùng miền, họ hiểu rằng nếu cứ quanh quẩn ở quê thì sản xuất mãi nhỏ lẻ, chỉ ra Thăng Long mới có cơ hội phát triển. Thế kỷ XVII, XVIII, dân các làng nghề ào ra Thăng Long. Họ mua đất gần nhau để thuận tiện cho việc mua nguyên liệu, bán hàng và cũng là để bảo vệ nhau nên mới hình thành các phường nghề. Hàng Đào chuyên nhuộm điều; Hàng Bạc chuyên đậu bạc, vàng; Hàng Bài chuyên sản xuất bài lá…, từ đó mới xuất hiện câu thành ngữ “Buôn có bạn, bán có phường”.

khoi-phuc-gia-tri-pho-nghe
Cửa hàng của ông Nguyễn Phương Hùng, người thợ cuối cùng ở phố Lò Rèn (quận Hoàn Kiếm).

Họ vừa là chủ, vừa là thợ, cũng là người bán hàng. Căn nhà của họ chia ba phần, trong cùng làm xưởng sản xuất, phần giữa để ở, bên ngoài bán hàng, vì thế mới sinh ra phố nghề (phố là chữ Nôm, có nghĩa là cửa hàng). Nhờ phố nghề tấp nập, thương mại nhộn nhịp nên Thăng Long trở thành đô thị giàu có nhất nước với tầng lớp trung lưu đông đúc. Để giữ "nồi cơm", các gia đình ở phố nghề thường truyền nghề theo kiểu cha truyền con nối, không dạy cho người bên ngoài.

Do đòi hỏi của người tiêu dùng và theo thời gian, nhiều sản phẩm chất lượng tốt, tính thẩm mỹ cao ra đời đã được các nhà buôn nước ngoài đặt hàng. Xưa, những mặt hàng được người nước ngoài ưa chuộng có: Lụa, the, đồ khảm trai, đồ mỹ nghệ sơn mài...

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội, quy hoạch lại Hà Nội theo kiểu phương Tây nên phố mới xuất hiện. Họ lại nhập khẩu nhiều mặt hàng, vì thế không ít sản phẩm truyền thống không thể cạnh tranh hoặc không còn phù hợp với xã hội mới, dẫn đến chỉ còn tên phố mà nghề thì không còn. Phố Hàng Thêu không còn thợ thêu, phố Hàng Bài không còn ai làm bài lá, phố Hà Trung không còn người may yên ngựa… Phố nghề "chết" nhưng làng nghề vẫn còn, và từ đây sinh ra mối quan hệ cộng sinh, các làng nghề sản xuất theo đơn đặt hàng của chủ cửa hàng ở phố.

... Và ngày nay

Hiện, nhiều tên phố “Hàng” vẫn còn nhưng chỉ còn vài phố giữ được nghề xưa, như: Hàng Bạc, phố thuốc đông y Lãn Ông, phố Hàng Thiếc. Các nghề tiện gỗ, khắc dấu, làm mặt nạ trung thu bồi giấy… chỉ còn vài người theo nghề. Ông Nguyễn Phương Hùng, người thợ cuối cùng ở phố Lò Rèn chia sẻ, giờ máy móc đã thay thế lao động thủ công và cho năng suất cao hơn, nhưng vì muốn giữ nghề truyền thống của gia đình nên ông tiếp tục đốt lò. Lòng yêu nghề lớn hơn mục đích kinh tế của ông thật đáng quý.

Còn trên phố Hàng Bạc, vẫn còn người thợ thủ công hiếm hoi. Ông Nguyễn Chí Thành, 71 tuổi, ngày ngày tạo tác ra những món trang sức thủ công tinh xảo. Là thế hệ thứ tư của một gia đình chuyên nghề chế tác vàng bạc có gốc gác từ làng Định Công, ông Thành luôn trăn trở với việc gìn giữ nghề tổ cha ông. Đáng quý là hiện con, cháu ông Thành vẫn tiếp nối nghề.

Thực tế, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các phố nghề. Phố thuốc đông y Lãn Ông hay phố Tạ Hiện được chỉnh trang, bảo tồn về kiến trúc, nhằm thu hút du khách. Mới đây, việc Hà Nội bắt đầu mở lối, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là khu trung tâm quận Hoàn Kiếm, sẽ mở ra nhiều cơ hội khôi phục, phát huy giá trị các phố nghề và nghề truyền thống.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau, là điều kiện quan trọng để quận Hoàn Kiếm thí điểm phát triển kinh tế đêm. Trong đó, quận dự kiến sẽ quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng tuyến phố trong khu phố cổ. Đây rõ ràng là cú hích để các phố nghề có cơ hội tìm lại giá trị.

Dù đó là điều không dễ dàng song rất đáng để hướng tới. Bởi khôi phục phố nghề không chỉ là giữ gìn giá trị truyền thống mà còn là cách khai thác một sản phẩm đặc sắc của phố cổ Hà Nội.

Theo Báo Hànộimới