Khế là trái có khía

08:00 | 17/04/2016

|
Tặng Nguyễn Thuý Anh, giảng viên tại University of Michigan, Ann Arbor.  

Để tìm về từ nguyên của từ khế (tên một loài thực vật), có lẽ ta cũng nên khảo sát một số ngôn ngữ khác xem có gì có thể gợi ý cho hướng đi tìm của mình không.

Tên quả khế trong các ngôn ngữ Roman (Pháp: carambole; Ý: carambola; Tây Ban Nha: carambolo) đều bắt nguồn từ tiếng Bồ Đào Nha carambola, được ngôn ngữ này mượn từ tiếng Marathi karambal, mà có nguồn cho là có quan hệ từ nguyên với danh từ karmaphala của tiếng Sanskrit, có nghĩa là “khế” (trái cây). Nhưng danh từ Sanskrit chính thức có nghĩa là khế thì Dictionnaire sanskrit-français của N. Stchoupak, L. Nitti và L. Renou thì lại ghi là karmaraṅga và cho nghĩa rõ ràng bằng tên khoa học của cây khế là Averrhoa Carambola. Một vài thứ tiếng Slave quen thuộc, như tiếng Nga, tiếng Czech (Tiệp), cũng mượn từ cái mẫu “carambola”. Xem ra, chẳng có chi tiết nào có thể chỉ đường dẫn lối cho ta cả.

Nhưng có vẻ như các ngôn ngữ Germanic thì có đấy. Trong tiếng Anh, ngoài tên carambola, quả khế còn được gọi là starfruit, nghĩa là “quả (hình) ngôi sao” và cùng một cái mẫu tạo từ này, tiếng Đức là Sternfrucht, tiếng Đan Mạch là stjernefrugt, tiếng Thụy Điển là stjärnfrukt, tiếng Hà Lan là stervrucht. Dĩ nhiên là nếu để nguyên cả quả thì khó có thể thấy được hình ngôi sao một cách thuyết phục, trừ phi ta cắt nó ra thành lát. Chính hình những cánh sao đã khiến chúng tôi liên

Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng - Vietlex, 2007) giảng khía là “đường rãnh nhỏ rạch trên bề mặt một vật”. Đây là một lời giảng sai. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của lại giảng kiểu nước đôi: “Đàng rỏng, đàng nổi lên mà làm ra đàng rỏng (Thường nói về vật bầu mình như trái khế).” Thì cũng không rõ. “Rỏng” là rỏng mà “nổi” là nổi, chứ không thể vừa rỏng vừa nổi. Ta có thể tìm thấy lời giảng rõ, hoặc đúng hơn, ở những quyển khác. Dictionarium Anamitico-Latinum của J. L. Taberd (Serampore, 1838) giảng “khía” là “margines et costæ rerum” (rìa và cạnh của đồ vật). Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel đối dịch là “arête, côte, saillie” (cạnh, sườn, chỗ lồi). Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) đã giảng rành mạch: “Khía: (động từ) khứa, rạch thành đường lõm (…) // (danh từ) đường lồi lên. Lá có khía. Trái khế có năm khía. Bánh xe khía”. Các quyển từ điển kia sai vì đã lấy nghĩa của động từ khía mà giảng thành “rỏng” hoặc “đường rãnh nhỏ…” cho danh từ khía.

Chính sự liên tưởng đến danh từ “khía” của tiếng Việt đã đưa chúng tôi đến một sự liên tưởng khác: tên của quả khế trong tiếng Hán. Bên cạnh cái tên thông dụng là dương đào [楊桃] (cũng viết 洋桃), khế còn được gọi là ngũ liễm tử [五斂子], nghĩa là “quả năm múi”. Sách Nam phương thảo mộc trạng (dẫn theo Từ hải) chép: “Ngũ liễm tử đại như mộc qua, hoàng sắc; thượng hữu ngũ lăng, Nam nhân hô lăng vi liễm, cố dĩ vi danh (…)”, nghĩa là “quả khế lớn bằng quả mộc qua, màu vàng; quả có năm cạnh, người phương Nam gọi cạnh (lăng) là liễm, do đó mà lấy làm tên (…)”. Từ đây, ta có thể dùng một từ đồng nghĩa của cạnh là khía - đã đi chung với cạnh thành danh ngữ đẳng lập khía cạnh - mà nói rằng khế là quả có năm khía, như thí dụ đã cho trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức: Trái khế có năm khía. Hán tự có chữ 契 (hoặc 栔), mà âm Hán Việt là khế, có nghĩa là khắc… khía.

Với những gì đã phân tích trên đây, ta có thể khẳng định rằng khía là một điệp thức (doublet) của khế, y hệt như vìa trong phương ngữ Nam Bộ là điệp thức của về trong ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ toàn dân. Mối quan hệ IA ↔ Ê ở đây cũng giống hệt như “bề” (trong “bề mặt”) ↔ “bìa” (trong “bìa sách, “bìa vở”, v.v...), đều do “bì” [皮] mà ra. “bì” có nghĩa gốc là da, rồi nghĩa phái sinh là mặt ngoài, bên ngoài.

Cứ như trên thì ta có cơ sở để khẳng định rằng “khế” là thứ quả có năm khía và rằng đây là một từ Hán Việt mà Hán tự là [契], [契], có nghĩa gốc là khắc, khía, khắc cho thành khía. Sự chuyển biến ngữ âm - từ vựng - ngữ pháp từ động từ “khế” sang danh từ “khía” cũng chẳng khác gì sự chuyển biến từ động từ “khắc” [刻] sang danh từ “khấc” ( = cái khía đã được khắc).

Năng lượng Mới 514