Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học

18:45 | 19/01/2022

461 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, được tổ chức ngày 19/1.
Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học
Toàn cảnh Hội nghị

Tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong trường học rất thấp

Báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và công tác tổ chức dạy học tại các địa phương, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Nguyễn Thanh Đề cho biết tính đến tuần đầu tháng 1/2022, cả nước có 9 tỉnh/thành phố tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn; 35 tỉnh thành dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình; 19 địa phương phố còn lại dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Trong đó, 43/63 tỉnh/thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; 46/63 tỉnh/thành cho học sinh tiểu học đến trường chiếm tỉ lệ 57,38%; 53/63 tỉnh/thành cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp, chiếm tỉ lệ 69% học sinh cả nước. Dự kiến đến ngày 7/2 sẽ có thêm 8 tỉnh thành cho học sinh đi học trực tiếp.

Việc xúc tiến tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Hiện nay hơn 6,5 triệu học sinh từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc xin mũi 1, đạt tỷ lệ 90,10%; mũi 2 là 72,24%. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc xin mũi 2 là 82%; mũi 3 là 28,2%.

Ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19. Đến 18/1, chỉ còn gần 4.800 người đang điều trị. Tại TP HCM - địa phương bùng phát dịch mạnh nhất thời gian trước, sau thời gian thí điểm học trực tiếp, chỉ có 130 ca mắc Covid-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%.

Khẳng định nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong trường học là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình - theo kết luận mà Hoa Kỳ có được từ báo cáo tổng quan nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới về mở cửa trường học, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị các địa phương nên mở cửa trường học.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng chỉ ra nhiều tiền đề quan trọng giúp Việt Nam có thể mở rộng cho học sinh đi học trực tiếp. Đó là những kinh nghiệm trong hơn 2 năm phòng chống dịch; các điều kiện về chữa bệnh, phòng bệnh Covid-19 cũng đã tốt hơn; ý thức và năng lực thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, cộng đồng của người dân nâng lên; tỷ lệ phủ vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng của Việt Nam thuộc nhóm 6 nước cao nhất thế giới…

Nhấn mạnh việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “sống chung với Covid”; ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng thế giới, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) Phạm Quang Hưng khuyến nghị đẩy nhanh tiến độ cho học sinh đi học trực tiếp.

Nói rõ hơn về kinh nghiệm quốc tế trong việc mở cửa trường học, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Phạm Quang Hưng cho hay, khi tỷ lệ phủ vắc xin đạt yêu cầu thì các quốc gia đều coi mở cửa trường học là điều tất yếu nhằm đảm bảo an toàn từ tâm lý, thể chất đến chất lượng học tập... cho học sinh.

Phương án tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường

“Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học” là nhấn mạnh được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại nhiều lần trong kết luận hội nghị. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, suốt thời gian qua ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hoạt động dạy học để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh và thực tế việc triển khai tích cực. Trong tình hình mới, cần có sự ứng phó chủ động và quyết liệt hơn.

Khẩn trương, cương quyết, chu đáo đưa học sinh quay trở lại trường học
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá của Bộ GD&ĐT, các địa phương, chuyên gia… có thể thấy, sau một thời gian dài nhiều địa phương do dịch bệnh chuyển sang dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua internet, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.

Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Bộ Y tế cũng đã nêu một số quan điểm hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa học sinh nhanh chóng học trực tiếp trở lại trong thời gian tới. Về quan điểm chỉ đạo, Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các địa phương, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo cụ thể:“Học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm vaccine, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên Đán là phù hợp. Còn với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tránh rơi vào 2 trạng thái cực đoan: hoặc e dè chần chừ thái quá trong mở cửa, hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô…

Về một số việc cần làm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ GD&ĐT theo đó cũng sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.

Trước khi học sinh quay trở lại trường, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh; trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác. Bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó, cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp.

Với hình thức dạy trực tuyến đã được xác lập trong 2 năm qua và tạo ra cú hích thúc đẩy công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, không vì học sinh trở lại học trực tiếp mà lãng phí hình thức dạy học này; ngược lại cần tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo, vì vậy, khi học sinh trở lại, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả.

Thời gian qua, các địa phương, nhà trường triển khai dạy và học dựa theo nội dung chương trình cốt lõi do Bộ GD&ĐT ban hành, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, các Sở GD&ĐT cần lưu ý vẫn tiếp tục thực hiện nội dung chương trình này. Nếu các địa phương, cơ sở giáo dục nào hoàn thành sớm thì quay trở lại củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cũng cần cân nhắc lộ trình kiểm tra đánh giá phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Chính phủ đã chỉ đạo, các chuyên gia đã khuyến cáo, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp trao đổi, mong rằng các địa phương khẩn trương, cương quyết đưa học sinh quay trở lại trường học, kể cả mầm non, tiểu học cũng cần có kế hoạch và kịch bản phù hợp, kịp thời. Những địa phương có kinh nghiệm tốt cần chia sẻ với các địa phương khác. Các địa phương cần có phương án phù hợp với tình hình thực tế và phân cấp trách nhiệm để cùng phối hợp với ngành Giáo dục triển khai đưa học sinh quay trở lại trường hiệu quả, an toàn”.

Phú Văn

Tăng cường bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022Tăng cường bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022
Tháo gỡ khó khăn cho học sinh nghèo học tập trực tuyếnTháo gỡ khó khăn cho học sinh nghèo học tập trực tuyến
Bộ GD&ĐT: Học sinh có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyếnBộ GD&ĐT: Học sinh có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến
Nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường học trực tiếpNhiều địa phương cho học sinh trở lại trường học trực tiếp