Khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số

08:37 | 01/04/2023

394 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngành sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, tuy nhiên lĩnh vực này đang chịu áp thuế chồng thuế, nhất là khi kinh doanh trên những nền tảng trực tuyến.

Ngày 31/3, Liên minh Sáng tạo Nội dung số - DCCA (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) và Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp tổ chức hội nghị “Khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với ngành sáng tạo nội dung số”.

Khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số
Toàn cảnh hội nghị

Đây là diễn đàn mở để kết nối các nhà sáng tạo nội dung, các chuyên gia về thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan truyền thông để có góc nhìn tổng quan, phân tích các khía cạnh liên quan đến thuế trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số, kiếm tiền trên các nền tảng miễn phí (gọi tắt là MMO - Make Money Online) để đảm bảo tạo điều kiện cho những người làm MMO hiểu rõ ràng, minh bạch về thuế và đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và Hiệp định về chống đánh thuế 2 lần mà Việt Nam đã ký với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ số, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) Triệu Minh Long cho biết, trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tập trung triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp nội dung số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Chương trình bao gồm chuỗi các hoạt động, các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số ở nước ngoài, ký kết các Hiệp định về đối tác số với các nước.

Khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) Triệu Minh Long chia sẻ tại hội nghị

Vụ trưởng Triệu Minh Long chia sẻ, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã thành công khai thác thị trường thế giới, điển hình là hai tập đoàn Viettel và FPT. Các doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng mạng lưới, cung cấp giải pháp, dịch vụ số ở thị trường nhiều nước, từ 15, 20 năm nay. Trong năm 2022, Viettel và FPT đã có được doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt lần lượt là 3 tỷ và 1 tỷ USD.

Chương trình hỗ trợ của Bộ TT&TT, cùng với thành công, kinh nghiệm và chia sẻ của các doanh nghiệp đi trước như Viettel và FPT, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, sẽ không còn phải “đơn thương độc mã”, sẽ chủ động và tự tin hơn khi đi ra nước ngoài.

Để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả hơn, Bộ TT&TT đã thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, một số Hiệp hội chuyên ngành và doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài.

Khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng chia sẻ tại hội thảo

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng cho rằng, sáng tạo nội dung số là một trong những cấu phần quan trọng của công nghệ số, là một trong những ngành không thể thiếu trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số Việt Nam xây dựng được vị thế cho riêng mình trên thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành vẫn chưa được như kỳ vọng vì vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, đặc biệt trong hoạt động quản lý nội dung và thuế. Mặc dù sáng tạo nội dung số được xác định như một hoạt động kinh doanh thông thường, nhưng chưa có các quy định cũng như ưu đãi cho ngành nghề, thậm chí còn bị tình trạng thuế chồng thuế khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Việt Tiệp - Chuyên viên cao cấp về kế toán thuế (đại diện cho DCCA) cung cấp một bức tranh tổng quan về các loại thuế đang được áp dụng đối với đối với các cá nhân, tổ chức tham gia sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên nền tảng quốc tế. Đồng thời DCCA đưa ra các đề xuất đối với chính sách thuế dành cho lĩnh vực MMO.

Đại diện DCCA Nguyễn Việt Tiệp đã phân tích một trường hợp cụ thể đối với các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Hoa Kỳ.

Cụ thể, các nhà sáng tạo nội dung ở ngoài Hoa Kỳ, nếu đăng ký thuế tại nước này, sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Hoa Kỳ. Lượt xem từ quốc gia khác sẽ không bị khấu trừ thuế. Còn nếu không đăng ký thuế tại Hoa Kỳ, nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Hoa Kỳ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu.

Khi dòng tiền về Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7%, bao gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân. Còn tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30%, gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Từ năm 1992, Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 60 văn bản đang được áp dụng. Với Hoa Kỳ, Việt Nam đã ký hiệp định vào 7/7/2015 nhưng do phía Hoa Kỳ chưa phê chuẩn nên Hiệp định chưa có hiệu lực.

Khai thác thị trường quốc tế và chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số
Đại diện cho DCCA Nguyễn Việt Tiệp trình bày tham luận tại hội nghị.

DCCA cũng kiến nghị, nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số với các chính sách ưu đãi về: Thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực… tương tự như ưu đãi đối với thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao. Cụ thể, sản phẩm thuộc ngành phần mềm và công nghệ cao đang được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác.

Cũng tại hội nghị, các vấn đề về chính sách thuế đối với các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng miễn phí (YouTube, Facebook, TikTok, Apple Store, CH Play) đã được thảo luận sôi nổi với các kiến nghị cụ thể về áp dụng mức thuế để đảm bảo tránh bị đánh thuế 2 lần.

N.H

DCCI Summit 2023: Tăng tốc cho hành trình sốDCCI Summit 2023: Tăng tốc cho hành trình số
Việt Nam – Nhật Bản còn nhiều tiềm năng hợp tác trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi sốViệt Nam – Nhật Bản còn nhiều tiềm năng hợp tác trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số
Văn hóa doanh nghiệp – “chìa khóa” thúc đẩy chuyển đổi số tại EVNHANOIVăn hóa doanh nghiệp – “chìa khóa” thúc đẩy chuyển đổi số tại EVNHANOI
Ứng dụng công nghệ AI - Chìa khóa phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vữngỨng dụng công nghệ AI - Chìa khóa phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững