Khai thác tài nguyên khoáng sản: Tạo sự bền vững trong nền kinh tế

11:19 | 07/05/2013

3,222 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chỉ một phần tài nguyên khoáng sản là có thể tái tạo, còn đa phần đều nằm trong danh mục hữu hạn. Bởi vậy, quản lý khai thác sao cho hợp lý và “bắt” tài nguyên khoáng sản phục vụ ngược lại nền kinh tế trong môi trường có nhiều thành phần kinh tế tham gia là điều không hề dễ dàng!

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh có nên tham gia?

Có thể khẳng định, Việt Nam là nước tương đối có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản. Cho đến nay, ngành địa chất đã tìm kiếm, phát hiện được trên 5.000 mỏ và điểm quặng của khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau. Một số khoáng sản đã được phát hiện và khai thác từ rất lâu như vàng, thiếc, chì, kẽm, than đá và các loại vật liệu xây dựng; số khác mới được phát hiện và khai thác như dầu khí, sắt, đồng…

Trên thực tế, chính nhu cầu của cuộc sống đã tạo nên áp lực cho hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản như hiện nay. Có thể kể ra nhu cầu về vật liệu xây dựng, nhu cầu xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, nhu cầu dịch chuyển nền kinh tế, nhu cầu tạo công ăn việc làm hằng năm hay nhu cầu sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp ngoài quốc doanh... Việc chuyển đổi cơ chế kinh tế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường đã xuất hiện nhiều thành phần kinh tế.

Ngoài các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), còn có các thành phần kinh tế khác. Trong số các doanh nghiệp được thành lập mới, tồn tại không ít doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế trên đăng ký ngành nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Một lực lượng không nhỏ là các tổ hợp kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản nhanh chóng hình thành ở hầu hết các tỉnh, huyện, thậm chí cấp xã. Trong khi Nhà nước đã quy định rõ vai trò “chủ mỏ” trên cả nước cho một số Tập đoàn kinh tế?

Khai thác khoáng sản không khoa học sẽ tác động tiêu cực đến môi trường sinh hoạt cộng đồng

Như đã đề cập, việc khai thác và chế biến khoáng sản chưa bao giờ được tiến hành rộng rãi ở các địa phương như hiện nay. Bên cạnh việc đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương đó, các hoạt động này cũng “góp phần” không nhỏ vào việc gây ô nhiễm môi trường sống, tác hại đến sức khỏe của con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiều thời điểm, DNNN đành bó tay đứng nhìn doanh nghiệp ngoài quốc doanh mặc sức tung hoành và ngang nhiên xuất khẩu tài nguyên thô ra nước ngoài với giá rẻ. Họ đâu được trao quyền để xử lý vi phạm?!

Trên thực tế, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản dưới hình thức nào cũng có thể gây tổn thương và trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Dư luận vốn nhiều chiều, các nhà kinh tế nhìn một góc độ, các nhà khoa đứng ở khía cạnh khác, trong khi các nhà quản lý lại tham luận một kiểu. Nói như một lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản thì để học được khai thác, chế biến và làm sao để đừng “đánh rơi” khoáng sản quả là không hề đơn giản. Quy mô công nghiệp có thể nâng cao về năng lực công nghệ, thiết bị, quản lý, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu lợi nhuận, kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản hay chưa mới là vấn đề thật sự... đau đầu.

Thứ nữa, tận thu là tư duy chủ đạo trong chủ trương khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản theo quy mô nhỏ của doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Hình thức khai thác ôtô - máy xúc trên khai trường lộ thiên đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương và tập trung chủ yếu vào các loại khoáng sản như đá, vàng, than. Ngoài ra nhiều tỉnh duyên hải còn hậu thuẫn doanh nghiệp khai thác quặng sắt, antimon, thiếc, chì, kẽm, bôxít, quặng ilmenit, ép DNNN phải chia sẻ miếng bánh. Do vốn đầu tư ít, khai thác bằng phương pháp thủ công hoặc bán cơ giới là chính, nên trong quá trình khai thác, chế biến, doanh nghiệp ngoài quốc doanh làm ảnh hưởng nhất định đến môi trường, cảnh quan.

Khai thác tài nguyên khoáng sản bền vững

Nhà nước đã giao cho các tập đoàn kinh tế quyền là chủ mỏ trên toàn quốc. Tuy nhiên, lâu nay ở từng địa phương vẫn tồn tại cơ chế tự phát, tức là muốn thì địa phương vẫn có thể giao cho một số doanh nghiệp “sân sau” khai thác ké DNNN. Từ vấn đề ranh giới mỏ Nhà nước - tư nhân, căng thẳng lại càng lên cao khi hiện tượng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản xuất hiện. Khoáng “tặc”, “thổ phỉ” kéo theo các hậu quả nghiêm trọng như tàn phá môi trường, làm thất thoát, lãng phí tài nguyên.

Ví dụ trong khai thác vàng, nếu sử dụng cyanur - một loại hóa chất độc hại để thu hồi vàng - thì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề; khai thác chì, kẽm, thiếc, than ở các tỉnh miền núi phía bắc cũng gây ra tình trạng tương tự; khai thác quặng ilmenit dọc bờ biển đã phá hoại các rừng cây chắn sóng, chắn gió, chắn cát ven biển; khai thác cát, sỏi lòng sông gây xói lở bờ, đê, kè, ảnh hưởng các công trình giao thông, gây ô nhiễm nguồn nước; khai thác đá vật liệu xây dựng phá hoại cảnh quan, môi trường, gây ô nhiễm không khí.

Kinh nghiệm từ các DNNN cho thấy, muốn khai thác tài nguyên khoáng sản bền vững, cần phải xác định rõ mức khai thác sản lượng bền vững (mức khai thác vừa đủ để các nguồn tài nguyên có khả năng tái sinh được) và không được phép khai thác quá sản lượng bền vững này. Kế đó phải quản lý tốt các nguồn tài nguyên không phục hồi, sử dụng những kỹ thuật tiên tiến để giảm hao phí tài nguyên, chống nạn phế thải bừa bãi, thay đổi cách hoạt động và tiêu dùng của con người để giảm bớt sự tiêu dùng các nguồn tài nguyên này, có phương pháp tái sinh thích hợp để quay vòng sử dụng các nguồn tài nguyên không phục hồi một cách hiệu quả nhất.

Vấn đề quan trọng không kém, đó là phải tôn trọng khả năng chịu tải của hệ sinh thái: sự tác động của con người đối với trái đất tùy thuộc vào số lượng người, mức độ sử dụng và lãng phí các nguồn tài nguyên và năng lượng. Giới hạn chịu đựng của trái đất hay của một hệ sinh thái gọi là mức chịu đựng tối đa. Mọi hoạt động của con người phải tôn trọng giới hạn đó.

Khai thác ở đây cũng cần được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất là hoạt động khai thác theo đúng khái niệm, tức là tổ chức thu thập tài nguyên. Vấn đề thứ hai quan trọng hơn gấp nhiều nhiều lần, đó là khai thác các mặt giá trị gia tăng của tài nguyên sau... khai thác thô, từ đó bắt tài nguyên quay lại phục vụ nền kinh tế, phục vụ xã hội. Thiết nghĩ đó mới là vấn đề đáng lưu tâm nhất của khai thác tài nguyên khoáng sản.

Tùng Lê