Kết quả hoạt động chính của Công ty TNHH MTV Lọc - Hoá dầu Bình Sơn

15:59 | 27/03/2018

1,895 lượt xem
|
Dưới đây là báo cáo kết quả hoạt động chính của công ty TNHH MTV Lọc - Hoá dầu Bình Sơn.

I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA BSR

1. Kết quả thực hiện lũy kế các chỉ tiêu chính sản xuất kinh doanh từ khi Nhà máy vận hành đến năm 2017:

- Sản lượng sản xuất là 50.335 nghìn tấn, sản lượng kinh doanh là 50.200 nghìn tấn: Chiếm tỷ lệ 40% nhu cầu xăng dầu trong cả nước;

- Tổng doanh thu đạt 881,18 nghìn tỷ đồng: Tương đương 40 tỷ USD;

- Nộp Ngân sách Nhà nước 145,52 nghìn tỷ đồng: Tương đương gần 6,5 tỷ USD;

Như vậy, đến hết năm 2017 giá trị nộp ngân sách Nhà nước của BSR (gần 6,5 tỷ USD) đã hơn gấp đôi Tổng mức đầu tư Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất (khoảng 3 tỷ USD), điều này cho thấy hiệu quả của dự án NMLD Dung Quất.

2. Về hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017:

Năm 2017, giá dầu thô và các sản phẩm có dấu hiệu phục hồi trở lại, giá dầu thô trung bình năm 2017 đạt mức 54,27 USD/thùng (giá dầu Dated Brent). Đồng thời, BSR tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao là nhờ vào chiến lược kinh doanh, công tác quản trị tiên tiến và tiết giảm chi phí. Hiệu quả trong công tác sản xuất kinh doanh của BSR năm 2017 được thể hiện qua các chỉ tiêu sau:

- Lợi nhuận trước thuế đạt 8.144 tỷ đồng (tương đương trên 350 triệu USD).

- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 23%, tốt hơn nhiều so với kế hoạch và năm trước (năm 2016 đạt 14%);

- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROS) đạt 9,5%, tốt hơn so với kế hoạch và năm trước (năm 2016 đạt 6,1%).

3. Về công tác an ninh, an toàn, môi trường và phòng chống cháy nổ:

- Tính đến hết năm 2017, BSR đạt trên 15 triệu giờ công an toàn không để xảy ra tai nạn lao động gây mất ngày công. Hệ thống quản lý An toàn Sức khỏe Môi trường (ATSKMT) của BSR tích hợp tiêu chuẩn ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý môi trường, tiêu chuẩn OHSAS 18001: 2007 về hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, tiêu chuẩn OSHA 3132 về hệ thống quản lý an toàn công nghệ và các tiêu chuẩn khác… đã được Tổ chức chứng nhận quốc tế DNV cấp giấy chứng nhận phù hợp lần đầu vào ngày 08/3/2011 và tái chứng nhận lần thứ 3 bởi BSI vào ngày 19/12/2016.

- Công tác an ninh, an toàn và phòng chống cháy nổ được triển khai tốt, chủ động và bám sát kế hoạch, chương trình đã đề ra. Trong năm 2017, Công ty đã cập nhật bổ sung lại 95 kịch bản ứng phó sự cố và năm 2017 đã tổ chức thực hiện 82 lần diễn tập ứng phó sự cố khẩn cấp tại các phân xưởng, tổ chức 68 lượt đào tạo nâng cao kỹ năng ứng cứu sự cố cho lực lượng chữa cháy kiêm nhiệm. Đối với công tác đào tạo về ATSKMT, công ty BSR đã tổ chức 46 khóa đào tạo ATSKMT, với 31.660 giờ công đào tạo, 7.239 lượt CBCNV, trung bình mỗi CBCNV BSR: 20,5 giờ/người; đối với Nhà thầu đạt 24.800 giờ công đào tạo cho 12.500 lượt Nhà thầu.

- Là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, công tác an ninh của BSR luôn được chú trọng trong quá trình vận hành sản xuất. Năm 2017, BSR đã thực hiện thành công công tác đảm bảo an ninh, an toàn Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong giai đoạn Bảo dưỡng tổng thể lần 3; Triển khai quy chế phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo an ninh an toàn các công trình trên đất liền và trên biển của NMLD Dung Quất.

- Công tác Quan trắc môi trường và Quản lý chất thải được thực hiện theo đúng quy định: Nước thải, khí thải được xử lý đạt Quy chuẩn/tiêu chuẩn về môi trường theo quy định trước khi xả thải; Thực hiện thu gom, phân loại, lưu chứa và bàn giao chất thải xử lý đáp ứng các Quy chuẩn về môi trường. Nước thải NMLD Dung Quất đạt tiêu chuẩn cột B QCVN 40:2011/BTNMT (có thể dùng cho tưới tiêu), thấp hơn nhiều so với quy định và cá sống được trong hồ nước thải, cho thấy môi trường tại Nhà máy rất trong lành.

3. Về vận hành, bảo dưỡng Nhà máy:

- Nhà máy hoạt động ổn định, công suất vận hành bình quân là tối ưu, vượt công suất kế hoạch. Nhà máy luôn vận hành an toàn ổn định ở công suất tối ưu 105%÷107% (theo nhu cầu thị trường, Nhà máy có thể vận hành an toàn ở 110% công suất).

- Công tác tối ưu hóa năng lượng đã được chú trọng và triển khai sâu rộng. Thực hiện các đề xuất cải thiện hiệu quả tiết kiệm năng lượng của Shell Global; Phân tích và lên phương án ngăn ngừa tương ứng các vấn đề tuổi thọ và hư hỏng các thiết bị, các vấn đề công nghệ, v.v. có thể xảy ra trong 5-10 năm tới theo kinh nghiệm của các chuyên gia;

- Hướng đến trở thành một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và phẩm giá của người lao động, quản lý nơi làm việc của chúng ta một cách an toàn, có trách nhiệm và giảm thiểu rủi ro, xây dựng và duy trì một môi trường làm việc tích cực, BSR đã xây dựng và áp dụng 1.606 quy trình vận hành, trong đó đã xây dựng được “ Bộ quy tắc ứng xử về an toàn công nghệ” để phổ biến, đào tạo và tổ chức triển khai thực hiện đến toàn bộ nhân sự vận hành sản xuất.

- Công tác Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 đối với hơn 7.000 hạng mục thiết bị chính của Nhà máy trong tháng 6/2017 và tháng 7/2017 đã được hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, rút ngắn được tiến độ và mang lại hiệu quả hơn 300 tỉ đồng, đáp ứng tất cả các chỉ tiêu KPI đề ra: An toàn, Chất lượng, Hiệu quả chi phí. Kết quả này đã và đang góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nhà máy vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả và liên tục trong thời gian đến.

- Công tác kiểm tra, kiểm định thiết bị được triển khai và thực hiện tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước và các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế liên quan thông qua hệ thống RBI (Risk Based Inspection). Đảm bảo kiểm tra, đo đạc và giám sát liên tục tình trạng kỹ thuật thiết bị, thu thập số liệu và phân tích cải tiến trong suốt quá trình vận hành Nhà máy.

- Trong năm 2017, Xưởng Cơ khí của BSR đã được Tổ chức ASME và NB của Mỹ đánh giá thành công và nhận được bộ chứng chỉ U, S và R, xác nhận chính thức năng lực của Xưởng trong việc chế tạo và sửa chữa thiết bị áp lực theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Xưởng bảo dưỡng của BSR cũng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận trở thành Trung tâm hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO-17025. Công tác chế tạo phụ tùng của Xưởng đã làm lợi, tiết kiệm chi phí mua sắm vật tư phụ tùng đến hơn 50 tỉ đồng.

4. Về công tác tối ưu hóa vận hành sản xuất, nghiên cứu khoa học:

BSR đã thực hiện và áp dụng thành công 163 giải pháp sáng kiến, ước tính hiệu quả mang lại khoảng 138 triệu USD.

- Năm 2017, BSR đã tập trung thực hiện thành công 11 giải pháp tối ưu hóa năng lượng, hiệu quả kinh tế mang lại của các giải pháp vận hành đã được thực hiện thành công trong năm 2017 khoảng 3,2 triệu USD/năm và một số lợi ích vô hình khác không tính được bằng tiền. Sự thực hiện thành công công tác tối ưu hoá đã giúp BSR đạt được chỉ số hiệu quả năng lượng EII giảm xuống còn 106,5% (tốt hơn so với năm 2016 - 111,1%).

- Cùng với việc thúc đẩy quá trình tối ưu hóa năng lượng, trong năm 2017, BSR đã đẩy mạnh công tác tối ưu hóa công nghệ, vận hành, trong đó tập trung vào thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm cơ hội nâng cao lợi nhuận chế biến của Nhà máy.

- Năm 2018, BSR tiếp tục tập trung và triển khai 16 cơ hội tối ưu hóa năng lượng bao gồm 11 giải pháp vận hành và 05 giải pháp cải hoán, tính đến thời điểm tháng 3/2018, 12/16 giải pháp đã tổ chức triển khai thực hiện, 04 giải pháp tiếp tục đánh giá tính khả thi trước khi triển khai. Chỉ số sử dụng năng lượng hiệu quả EII ở thời điểm hiện tại khoảng 103% so với 106,5% năm 2017.

Các chỉ số KPI chính của nhà máy tích lũy trong năm 2017 đều được kiểm soát tốt. (MA, OA, OSF: đánh giá về độ tin cậy của NMLD, mức độ sẵn sàng vận hành của Nhà máy đã có cải thiện vượt bậc so với năm 2016). Các chỉ số MA, OA của Nhà máy từ sau khi thực hiện Bảo dưỡng tổng thể lần 3 năm 2017 đã tăng 1% so với giai đoạn trước, hiện các chỉ số MA, OA của Nhà máy tích lũy hiện nay là 95,9% đang xếp vào nhóm thứ hai so với các Nhà máy lọc dầu trên thế giới theo xếp loại của tổ chức Solomon.

5. Về công tác An sinh xã hội:

Ngoài việc nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, BSR đã thực hiện các chương trình ASXH trong tỉnh Quảng Ngãi và các địa bàn vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn trong cả nước. Kinh phí thực hiện các chương trình ASXH từ năm 2010 đến nay trên 260 tỷ đồng (tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là hơn 208,6 tỷ đồng). Công ty đã tập trung tài trợ vào lĩnh vực chủ yếu như xây dựng các Trạm y tế, tài trợ thiết bị y tế, xây dựng các Trường học, thiết bị giáo dục, các chương trình biển đảo, chương trình khắc phục hậu quả thiên tai, khuyến học khuyến tài, nhân đạo từ thiện, các chương trình đền ơn đáp nghĩa ở các vùng xa, vùng sâu trên khắp cả nước.

Các chương trình an sinh xã hội, tài trợ của BSR được thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa đã đề ra, các địa phương đã cùng phối hợp tốt với BSR để triển khai thực hiện chương trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Các chương trình này đã phát huy hiệu quả cao, đem lại nhiều niềm vui và chia sẻ khó khăn với các địa phương/đơn vị, người dân, từng bước nâng cao hơn chất lượng đời sống cho nhân dân các vùng miền trên cả nước.

II. CÔNG TÁC CỔ PHẦN HÓA

Ngày 31/5/2017, Bộ Công thương đã có Quyết định số 1938/QĐ-BCT về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp BSR để cổ phần hóa, theo đó, giá trị doanh nghiệp BSR để cổ phần hóa như sau:

- Giá trị thực tế của doanh nghiệp là: 72.879.914.663.162 đồng, tăng 14.854.654.402.964 đồng so với giá trị sổ sách.

- Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là: 44.934.562.233.107 đồng, tăng 13.929.566.073.112 đồng.

Ngày 08/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hoá BSR, với các nội dung chính như sau:

- Tên gọi, trụ sở chính của Công ty cổ phần:

+ Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn;

+ Loại hình hoạt động: Công ty cổ phần;

+ Tên giao dịch tiếng Việt: Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn;

+ Tên giao dịch quốc tế: BINH SON REFINING AND PETROCHEMICAL JOINT STOCK COMPANY;

+ Tên viết tắt: BSR;

+ Địa chỉ trụ sở chính: 208 Đại lộ Hùng Vương, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam.

- Vốn điều lệ: 31.004.996.160.000 đồng.

- Cơ cấu vốn điều lệ:

+ Cổ phần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ: 43% vốn điều lệ;

+ Cổ phần bán ưu đãi cho CBCNV: 0,21% vốn điều lệ;

+ Cổ phần bán đấu giá công khai: 7,79% vốn điều lệ;

+ Cổ phần bán cho Nhà đầu tư chiến lược: 49% vốn điều lệ.

- Mệnh giá: 10.000 đồng/cổ phần.

- Bán cổ phần ra công chúng:

+ Giá khởi điểm: 14.600 đồng;

+ Phương thức bán: Đấu giá công khai;

+ Thời gian bán cổ phần: Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hoá được phê duyệt theo quy định.

- Ngày 17/1/2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Công ty BSR đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), với giá đấu thành công bình quân 23.043 đồng/cổ phần.

- Ngày 22/02/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội (HNX) đã có Quyết định số 76/QĐ-SGDCKHN về việc chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phần của Công ty TNHH một thành viên Lọc- Hóa dầu Bình Sơn trên hệ thống UPCoM từ ngày 01/3/2018, với mức giá tham chiếu chào sàn là 22.400 đồng/cổ phần, tương ứng với giá trị cổ phần niêm yết khởi điểm đạt 5.417 tỷ đồng.

- Ngày 01/3/2018, cổ phiếu Công ty BSR đã chính thức niêm yết trên sàn giao dịch UPCoM (Hà Nội), với mức giá chào sàn lên tới 31.300 đồng/cổ phần.

Hiện tại, song song với quá trình bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và đăng ký giao dịch trên UPCoM, BSR cũng đã tiến hành thủ tục chào bán 49% số lượng cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước).

III. DỰ ÁN NÂNG CẤP MỞ RỘNG NMLD DUNG QUẤT

Dự án NCMR NMLD Dung Quất được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư tại Thông báo số 457/TB-VPCP ngày 16 tháng 12 năm 2014, Công văn số 2579/TTg-KTN ngày 16 tháng 12 năm 2014 và được Tập đoàn Dầu khí Việt nam phê duyệt tại Quyết định số 9016/QĐ-DKVN ngày 22 tháng 12 năm 2014. Các mục tiêu của dự án:

- Nâng công suất chế biến nhà máy từ 148.000 thùng/ngày (tương đương khoảng 6.5 triệu tấn/năm) lên 192.000 thùng/ngày (tương đương khoảng 8,5 triệu tấn/năm);

- Nâng cao độ linh động lựa chọn nguyên liệu dầu thô, đảm bảo cung cấp nguồn dầu thô ổn định, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động của Nhà máy;

- Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V;

- Đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ;

- Đáp ứng nhu cầu các sản phẩm Lọc - Hóa dầu trong nước;

- Nâng cao hiệu quả đầu tư dự án NMLD Dung Quất;

- Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của cả nước và khu vực Trung Trung Bộ.

Đến nay, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; hoàn thành công tác thiết kế tổng thể FEED, hiện các cơ quan thẩm quyền đang xem xét, thẩm định theo quy định; hoàn thành lựa chọn nhà cung cấp bản quyền công nghệ cho các phân xưởng mới. Theo kế hoạch, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được hoàn thành vào cuối năm 2021.

BSR

  • el-2024