Kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn bất chấp lãi suất tăng

09:11 | 03/10/2022

9,748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngân hàng Nhà nước đã chính thức tăng lãi suất điều hành. Điều này về lý thuyết sẽ có tác động không tích cực lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) trong dài hạn kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn nếu xem xét về các yếu tố vĩ mô và định giá.

FED sẽ còn tăng lãi suất trong năm 2023, nhưng điểm tích cực là tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại

Ngày 21/9/2022, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ liên bang (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% (75 điểm cơ bản) lần thứ 3 liên tiếp và là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay, từ mức 0% lên mức hơn 3%.

Các dự báo mới nhất của FED cho thấy lãi suất chính sách của họ sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm 2022, trước khi đạt đỉnh 4,6% vào năm 2023 để kiểm soát lạm phát. Thông điệp của FED cho thấy một điểm tích cực là tốc độ tăng lãi suất của FED sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm 2022 và cho cả năm 2023: Mức tăng trong trong 3 tháng cuối năm 2022 được kì vọng sẽ ở mức 1,25 điểm phần trăm (125 điểm cơ bản); Mức tăng lãi suất trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ còn tăng thêm 0,2 điểm phần trăm (20 điểm cơ bản) thấp hơn nhiều mức tăng từ 0% lên 4,4% trong năm 2022.

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới sau giai đoạn tăng mạnh đầu năm 2022 cũng đã hạ nhiệt trong quý 3. Áp lực từ giá cả hàng hóa thế giới lên lạm phát của Mỹ sẽ giảm dần cũng là một cơ sở để FED làm chậm lại quá trình tăng lãi suất.

Kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn bất chấp lãi suất tăng

Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao trước áp lực tăng lãi suất toàn cầu

Lãi suất tăng khiến thị trường chứng khoán suy giảm. Việc FED tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên rất nhiều. Ngân hàng trung ương nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới cũng đã phải có động thái tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và bảo vệ đồng nội tệ. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Từ ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5% và trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%. Lần đầu tiên sau 2 năm, kể từ khi Covid-19 diễn ra, NHNN có quyết định tăng lãi suất trước sức ép lớn từ bối cảnh vĩ mô thế giới. Lãi suất tăng chắc chắn không phải là yếu tố thuận lợi cho xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán. Điều này đã được chứng minh trong năm 2022 khi FED liên tục tăng lãi suất và các chỉ số chứng khoán toàn cầu rơi vào chu kỳ điều chỉnh.

VN-Index giảm chậm lại và bắt đầu tạo đáy khi lãi suất điều hành tăng

Lãi suất tăng sẽ khiến thị trường chứng khoán suy giảm. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu lịch sử về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và VN-Index, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận thấy điều khá thú vị: VN-Index thường giảm điểm mạnh, sau đó lãi suất mới tăng. Và khi lãi suất tăng là giai đoạn VN-Index bắt đầu bước vào vùng đáy, nghĩa là tốc độ giảm VN-Index sẽ chậm lại và dần tạo đáy trong quá trình lãi suất đi lên.

Kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn bất chấp lãi suất tăng
Vùng giá nào là hợp lý và cân bằng cho VN-Index trong quá trình điều chỉnh?

Năm 2019, VN-Index dao động trong vùng giá 900 – 1.000 điểm. Năm 2020, khi Covid-19 xảy ra, động thái bơm tiền, hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế diễn ra trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. “Thời kỳ tiền rẻ” khiến thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc, vượt mọi dự báo. Đến năm 2022, khi Covid-19 đã gần như không còn là mối quan ngại lớn, chính sách tiền tệ thắt chặt bắt đầu với hành động tăng lãi suất của FED. “Thời kỳ tiền rẻ” kết thúc, thị trường chứng khoán giảm điểm rất nhanh và mạnh. Trong giai đoạn dòng tiền bị thắt chặt, thị trường chứng khoán sẽ không thể có xu hướng tăng trưởng. Nhưng thị trường chứng khoán giảm tới vùng giá nào là phù hợp với bối cảnh năm 2022?

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, nằm trong những quốc gia có kinh tế hồi phục tốt nhất thế giới hậu Covid-19. GDP tăng trưởng ấn tượng (tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021), lạm phát vẫn được kiểm soát dưới 4%, xuất siêu đạt 6,52 tỷ sau 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất phục hồi sau Covid-19. Nền kinh tế phát triển ổn định chắc chắn là chỗ dựa vững chắc cho thị trường chứng khoán.

Tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tốt và được đảm bảo, xuyên suốt cả giai đoạn Covid-19. Đây là điểm sáng quan trọng giúp định giá thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức hấp dẫn, đặc biệt là sau quá trình điều chỉnh vừa diễn ra. Điều này được thể hiện qua chỉ số P/E của VN-Index.

Kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn bất chấp lãi suất tăng
Kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn bất chấp lãi suất tăng

Quan sát Biểu đồ 3, PSI cho biết trong 10 năm qua, chỉ có 2 lần P/E của Việt Nam giảm xuống dưới mức 12 lần, là năm 2015-2016 và năm 2020. Năm 2020 sự sụt giảm là do yếu tố bất thường đến từ Covid. Trong khi đó, khi P/E của VN-Index năm 2015-2016 giảm xuống dưới 12 sẽ tạo đáy và hồi phục sau đó.

Tại Biểu đồ 4, P/E của Việt Nam đang ở mức 12,6 lần (số liệu ngày 26/9/2022), không còn cách quá xa mức 12 lần. Điều này giúp PSI nhận định VN-Index sẽ không giảm quá mạnh nữa và bắt đầu đi vào xu thế tạo đáy tại vùng giá cuối tháng 9/2022 hiện nay. Ngoài ra, P/E của VN-Index đang hấp dẫn hơn so với các quốc giá trong khu vực Đông Nam Á.

Qua đó, có thể nhận định rằng, khi các lãi suất điều hành tăng, VN-Index sẽ không giảm quá mạnh nữa và bắt đầu đi vào vùng đáy; Kinh tế Việt Nam phát triển ổn định là điểm tựa vững chắc cho thị trường chứng khoán; Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đủ hấp dẫn, thông qua chỉ số P/E so sánh với các quốc gia trong khu vực và so với mốc 12 lần trong 10 năm qua.

Dựa trên số liệu lịch sử, những phân tích về biến động của VN-Index và các yếu tố kinh tế vĩ mô tác động, PSI cho rằng VN-Index sẽ không quay trở lại vùng giá 900 – 1.000 điểm như năm 2019. VN-Index sẽ điều chỉnh và tạo đáy theo xu thế chung của chứng khoán toàn cầu. Nhưng vùng giá cân bằng hợp lý của VN-Index cho chu kỳ điều chỉnh này là 1.100 – 1.200 điểm.

P.V

Chứng khoán tuần mới: Tia sáng cuối đường hầm với kỳ vọng nhịp hồi 2 tháng Chứng khoán tuần mới: Tia sáng cuối đường hầm với kỳ vọng nhịp hồi 2 tháng
Chứng khoán còn giảm bao nhiêu, ánh sáng cuối đường hầm đã có chưa? Chứng khoán còn giảm bao nhiêu, ánh sáng cuối đường hầm đã có chưa?
Chứng khoán 30/9: Đâu là điểm dừng của pha bán tháo? Chứng khoán 30/9: Đâu là điểm dừng của pha bán tháo?
Chứng khoán ngày 29/9: Nên mua cổ phiếu gì sau cơn bán tháo? Chứng khoán ngày 29/9: Nên mua cổ phiếu gì sau cơn bán tháo?