Huy động tổng lực ứng phó với siêu bão Haiyan

17:20 | 09/11/2013

665 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công tác phòng chống siêu bão Haiyan đang diễn ra hết sức khẩn trương tại các tỉnh miền Trung

Tại Thừa Thiên Huế

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, hầu hết các vùng ven sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu và các vùng ven biển Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, miền núi... đều có nguy cơ ảnh hưởng bão, lũ. Thống kê toàn tỉnh có khoảng 29.507 hộ với trên 113 ngàn nhân khẩu cần phải sơ tán đến nơi an toàn; riêng khu vực vùng biển có trên 11,2 ngàn hộ với trên 50 ngàn nhân khẩu cần sơ tán trước khi bão đổ bộ vào. Phấn đấu, công tác sơ tán dân sẽ hoàn thành trước 7 giờ tối 9-11 theo chỉ đạo của tỉnh.

Đưa người dân đến nơi trú ẩn an toàn

Sau khi mấy  cơn bão đi qua, mới nhất là bão số 11, 12, mặc dù đã có những biện pháp ứng phó từ trước nhưng người dân các địa phương cũng không chủ quan trong công tác ứng phó bão số 14 này. Người dân thị trấn Thuận An, Phú Thuận và các xã ven biển huyện Phú Vang đang tập trung triển khai giằng chống nhà cửa, sơ tán nhân dân.

Tại huyện Phú Lộc, ông Bạch Văn Khai, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, ngay từ chiều 8/11 và sáng 9/11, lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra ở các khu vực xung yếu và chỉ đạo công tác giằng chống nhà cửa, sơ tán người dân. Chiều cùng ngày, phần lớn các nhà lợp tôn, nhà tạm được các lực lượng, nhân dân giằng chống hoàn thành. Công tác sơ tán dân cũng được huyện khẩn trương triển khai, ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ sơ tán trước, các đối tượng còn lại hoàn thành trước 7 giờ tối nay.

Theo kế hoạch, toàn huyện Phú Lộc sẽ sơ tán 2.485 hộ với 10.699 nhân khẩu, chủ yếu là các xã vùng ven biển thuộc khu 3, như Vinh Hiền, Vinh Hải, Vinh Giang... Các địa phương cũng đã chỉ đạo nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm đảm bảo nhu cầu đời sống khoảng một tuần.

Lực lượng vũ trang giúp đỡ người dân giằng chống nhà cửa

Tại thị xã Hương Trà, các địa phương ven biển cũng đang khẩn trương giằng chống nhà cửa và sơ tán nhân dân. Theo kế hoạch, toàn thị xã Hương Trà sẽ sơ tán 671 hộ với 2.899 nhân khẩu đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào. Tại xã vùng biển Hải Dương, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã nói: “Lo nhất đối với chính quyền địa phương trong cơn bão này là các hộ sống ven biển. Chính quyền địa phương huy động các lực lượng, chuẩn bị nơi ở an toàn và đang tập trung di dời dân đến trú ẩn. Đối với 56 hộ sống trong vùng sạt lở được sơ tán ngay trong sáng 9/11, các hộ trong diện di dời còn lại của xã sẽ hoàn thành trong đêm 9/11. Cán bộ xã phối hợp với các thôn, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân giằng chống nhà cửa an toàn. Đến trưa 9/11, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn hoàn thành việc giằng chống nhà. Các loại lương thực, nhu yếu phẩm cũng được bà con dự trữ, đảm bảo phục vụ mùa bão, lũ kéo dài...".

Tại xã Phú Thanh (huyện Phú Vang), địa phương nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An có khả năng chịu ảnh hưởng lớn khi bão Hai Yan đổ bộ vào. Ông Hồ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho biết, lo lắng nhất đối với chính quyền địa phương trong mùa bão, lũ là ý thức chấp hành của người dân tái định cư Quy Lai (trước đây vạn đò) còn thấp. Điều đáng mừng, đến chiều 9/11, hơn 40 hộ gia đình trong thôn đã hoàn thành việc giằng chống nhà cửa. Bà con ở đây cũng đã chất lúa, gạo, lương thực lên xuồng, lên “tra” để tránh lũ. Mọi thứ cũng được người dân chuẩn bị, sẵn sàng di dời theo lệnh của địa phương. Với các hộ cố tình chây ỳ sẽ bị cưỡng chế, quyết tâm không để thiệt hại về người. Toàn xã có trên 100 hộ phải sơ tán đến các nhà kiên cố, nhà cao tầng, trường học, trụ sở UBND xã.

Tại các địa phương, trong từng gia đình, phụ nữ đóng vai trò thực hiện công tác hậu cần, bình quân mỗi hộ dự trữ ít nhất 50 kg gạo, hai thùng mì ăn liền và 20 lít nước. Bà con chuẩn bị radio, thay pin mới; đèn bin và pin mới; dự trữ đầy đủ các loại nhu yếu phẩm, áo quần, chăn ấm, thuốc men và chất đốt phục vụ nhu cầu đời sống và sinh hoạt trong bão.

Đà Nẵng

Đến chiều nay (9/11), công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 14 (Haiyan) trên địa bàn Đà Nẵng đã gần như hoàn tất. Người dân cùng các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Người dân Đà Nẵng nhanh chóng sơ tán đến khu vực an toàn

Trên toàn thành phố, tất cả nhà cửa dù kiên cố hay không kiên cố đều được người dân gấp rút chằng chống. Có thể thấy, không khí khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão hiện diện ở khắp nơi và người dân Đà Nẵng cũng như các ngành chức năng không một chút chủ quan bởi cơn bão dự kiến sắp đổ bộ có thể mang theo sức tàn phá ghê gớm.

Cả các khách sạn, tòa nhà cao tầng cũng không ngoại lệ. Tại những cửa hàng xăng dầu, người dân đổ xô mang can, chai nhựa đi mua xăng về dự trữ. Ở một số chợ, tiểu thương đã gói ghém đồ đạc cẩn thận, tạm nghỉ phiên chợ chiều 9-11.

Tại âu thuyền Thọ Quang, tất cả các tàu thuyền đã được tập kết và neo đậu an toàn trong khu vực.

Dọc các bùng binh tại các tuyến đường lớn, công nhân của Công ty điện chiếu sáng Đà Nẵng đang gấp rút tháo các bóng đèn trên các trụ điện. Những trụ điện có chiều cao từ 25-30m ở các bùng binh đều được khẩn trương tháo dỡ nhằm hạn chế thiệt hại và nguy hiểm trong bão.

Trong khi đó, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải cũng đã hoàn tất công tác xả nước tại các hồ điều tiết, chuẩn bị máy bơm dự phòng khi điện mất; khơi thông các cống, cửa thu nước để giảm tắc nghẽn dòng chảy. Hiện công tác tháo các thiết bị điện ở các tủ điện ven biển cũng được công nhân khẩn trương làm nhằm hạn chế nước biển dâng gây ngập.

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 14, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã tập trung lực lượng, phương tiện và triển khai các phương án đối phó. Theo đó, toàn Vùng tổ chức trực theo dõi diễn biến của bão 24/24 giờ. Các tàu đang làm nhiệm vụ trên biển kịp thời bắn pháo hiệu thông báo cho tàu thuyền ngư dân không đi vào khu vực có bão.

Bộ Tư lệnh Vùng đã chỉ đạo Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các khu vực cửa biển Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Trên bờ, Vùng chuẩn bị 8 xuồng cao tốc, 9 xuồng cao su, 9 xe tải, 2 xe cẩu, 4 xe cứu thương, 5 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có tình huống xảy ra

Đến 14 giờ ngày 9/11, công tác phòng chống bão số 14, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và kho tàng, doanh trại của Vùng đã hoàn tất. Đồng thời, các lực lượng của Vùng còn hướng dẫn cho hơn 400 tàu cá với trên 3.000 ngư dân vào các vị trí tránh bão an toàn. Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã cử 100 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 355 tham gia chằng chống nhà cửa cho các gia đình chính sách, các trường THCS, THPT và trường mầm non trên địa bàn xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.

Ngay trong trưa nay, Vùng 3 điều 5 xe ca phối hợp với các lực lượng di dời khẩn cấp 200 hộ dân ven biển thuộc phường Thọ Quang, Mân Thái, quận Sơn Trà đến các cơ quan, đơn vị thuộc Vùng 3 và các nơi trú ẩn an toàn.

Người dân lấy các bao tải cát về gia cố lại mái nhà

Thượng tá Tống Phú, Phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố cho biết, từ sáng 9/11, đơn vị đã huy động gần 400 bộ đội thường trực, 2.000 lực lượng dân quân thường trực tiến hành giúp dân chằng chống nhà cửa, đồng thời di dời người dân ra khỏi những vùng nguy hiểm.

Riêng phương tiện, Bộ chỉ huy Quân sự thành phố huy động 3 xe thiết giáp cùng với các phương tiện ô-tô, ca nô và hàng nghìn áo phao, đèn pin sẵn sàng làm nhiệm vụ

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, sáng 9/11, các đơn vị Công an địa phương sau khi tiến hành chằng chống đơn vị, đã giúp dân ở khu vực đóng quân. Sau đó, chiều 9/11, phối hợp với lực lượng quân đội, biên phòng tiến hành di dời dân theo chỉ đạo của thành phố.

Ngoài ra, Công an thành phố còn thành lập Trung tâm chỉ huy để cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra trong bão lũ. Đồng thời, bố trí các phương tiện để giúp dân khi cần thiết.

Cũng chiều nay, Đồn Biên phòng Hải Vân phối hợp với các lực lượng vũ trang, công an, quân đội tiến hành di dời dân tại khu nhà liền kề Hòa Vân (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), đồng thời đưa hàng trăm người dân khu văn hóa biển Kim Liên vào tránh trú bão tại nhà sinh hoạt động đồng.

Tất cả đang gấp rút hoàn tất chuẩn bị trước một trận bão lớn sắp đổ bộ vào miền Trung.

Tại Quảng Nam

Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải kiểm tra, đôn đốc công tác sơ tán dân tại thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải.

Tại thôn Long Thạnh Tây (Cồn Si, xã Tam Hải), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đã kiểm tra, chỉ đạo sơ tán khẩn cấp hơn 250 hộ dân trong thôn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trước khi bão đổ bộ, đồng thời đôn đốc công tác phòng chống bão số 14 tại khu vực này

Hiện tại các hộ dân đã được tập trung tại nhà tránh trú bão của thôn và đang được sơ tán đến trú bão tại thị trấn Núi Thành. Toàn bộ tàu thuyền được đưa về neo đậu ở các khu vực an toàn, chính quyền địa phương và các lực lượng cũng đã tổ chức giúp di dời dân và chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản. .

Hiện tại, hơn 4.000 dân các xã vùng ven biển Núi Thành đã được sơ tán. Sư đoàn 315, lực lượng Biên phòng, Hải đội 2 cũng khẩn trương cử hơn 150 cán bộ chiến sĩ giúp dân phòng chống bão. Công tác dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thuốc men cũng đã được chuẩn bị chu đáo từ trước. Người dân cũng chủ động tháo dỡ các bảng hiệu, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Hơn 500 cán bộ công nhân viên của nhà máy ô tô Chu Lai Trường Hải đã huy động từ ngày 8.11 để túc trực chằng chống nhà xưởng, kho tàng, bảo vệ tài sản máy móc của nhà máy. Ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc Thaco Trường Hải cho biết công ty đã chuẩn bị khoảng 3.500 bao cát để đảm bảo an toàn nhà xưởng, khu vực cảng, đồng thời triển khai cho công nhân che chắn máy móc phòng chống bão.

Làm việc với lãnh đạo huyện Núi Thành và các đơn vị liên quan, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải yêu cầu trước mắt lãnh đạo địa phương cần khẩn trương thực hiện các biện pháp di dời dân, đặt yếu tố an toàn tính mạng cho người dân lên hàng đầu. Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai phòng chống bão số 14 và tuyên truyền, thông báo để người dân tiếp tục chủ động phòng tránh, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Tại Quảng Ngãi

Sáng 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó với bão tại tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi:  Sáng nay, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi về công tác triển khai phòng chống bão Haiyan với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc. Theo báo cáo nhanh, Tỉnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị các cấp tập trung vào công tác phòng chống bão, lũ.

Ngư dân Bình Sơn khẩn trương di chuyển tàu thuyền tránh bão

Về công tác kêu gọi tàu thuyền, hiện hầu hết tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt trên các vùng biển đã vào nơi tránh trú an toàn, 27 tàu đang di chuyển vào bờ dự kiến cập cảng vào chiều nay. Đáng chú ý là 13 tàu cá đang di chuyển từ vùng biển Hoàng Sa tìm nơi tránh trú.

Theo báo cáo nhanh của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 11 giờ ngày 8/11, tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi trên các vùng biển là gần 200 phương tiện với trên 3.000 lao động, trong đó, ở vùng biển quần đảo quần đảo Hoàng Sa 25 phương tiện với 213 lao động; vùng biển Trường Sa có 109 phương tiện với 2.310 lao động; vùng biển phía Bắc còn 18 phương tiện với 80 lao động, vùng biển phía Nam còn 30 phương tiện và vùng biển Quảng Ngãi còn 10 phương tiện với 77 lao động.

Hiện Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Ngãi đã liên lạc được với tất cả các phương tiện và yêu cầu tìm nơi tránh trú bão. Riêng có 2 phương tiện của ngư dân Lê Hùng và Nguyễn Minh Tuấn ở huyện đảo Lý Sơn đang ở vùng biển quần đảo Trường Sa chưa liên lạc được. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các huyện ven biển tiếp tục duy trì lệnh cấm tất cả các loại tàu, thuyền ra biển hoạt động.

Theo nhận định, siêu bão Haiyan khi đổ bộ vào đất liền sẽ có sức tàn phá lớn, chính vì vậy công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là vùng sạt lở núi, ven sông, ven suối và những vùng hạ lưu dưới các hồ đập cũng được đặt lên hàng đầu. Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN thì hiện số hộ dân của các huyện nằm trong kế hoạch sơ tán khi bão đổ bộ vào là 54.050 hộ, với 216.000 nhân khẩu.

Trong đó, đặc biệt có 5.189 hộ, với 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, hạ du công trình thủy điện ở các huyện thuộc khu vực phía bắc tỉnh gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Lý Sơn cần phải di dời khẩn cấp.

Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào, đó là an toàn cho các hồ chứa nước, công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê thì hiện trên địa bàn tỉnh có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ. Trong đó có 15 hồ chứa nước có dung tích trên 3 triệu m3, còn lại là dưới 3 triệu m3. Tuy nhiên có 98 hồ được xây dựng trước năm 1989, nhiều công trình đang xuống cấp.

Trong các hồ chứa nước thì hồ  Đá Bàn là hồ có nguy cơ nhất, bởi mực nước hiện nay đã vượt tràn. Nếu trong những ngày tới có mưa lớn thì sẽ rất nguy hiểm. Hiện Công ty đã có kế hoạch di dời hơn 50 hộ dân sống ở vùng hạ lưu hồ Đá Bàn

Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung sơ tán, di dời dân với tổng số gần 80.000 hộ dân, trên 400.000 nhân khẩu, một con số lớn nhất từ trước đến nay. Hiện tất cả nhà dân ở vùng ven biển, nhà cấp 4 phải khẩn trương di dời, đặc biệt có xã phải di dời toàn bộ như xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Ngoài những địa điểm an toàn được đưa dân đến như trụ sở uỷ ban, các cơ quan, xí nghiệp, thì hiện nay, các địa phương cũng đã huy động tất cả các khách sạn trên địa bàn.

Đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn triển khai mọi biện pháp ứng phó diễn biến của cơn bão một cách nghiêm túc. Công ty đã bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị để đối phó với bão và phòng chống tràn dầu. Đồng thời chuẩn bị phương án vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong điều kiện bão lớn như giảm công suất, dừng nhà máy và sơ tán lực lượng. Ngoài việc triển khai công tác phòng chống bão, Công ty cũng đã triển khai bố trí phương tiện giúp di dời dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Khi cần thiết sẽ bố trí cho người dân đến trú bão tại nhà máy.

Phó Thủ tướng chỉ đạo phòng chống bão tại NMLD Dung Quất

Trong buổi làm việc sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo công tác phòng chống bão phải thực hiện một cách khẩn trương và quyết liệt. Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào ở vùng nguy hiểm, thậm chí  nếu cần có thể cưỡng chế dân di dời khi cần thiết. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh cần tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Với số tàu thuyền đã vào bờ, cần phải có biện pháp tránh va đập và tuyệt đối không cho người ở trên tàu khi bão vào. Đối với các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tỉnh Quảng Ngãi cần chỉ đạo các lực lượng để hoàn tất công tác sơ tán dân trước 17 giờ ngày 9/11.

Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng Dung Quất. Tại đây, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tháo dỡ và hạ thấp một số phương tiện và thiết bị tại cảng để đảm bảo an toàn tối đa khi bão vào.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã dành thời gian đi kiểm tra công tác di dời dân tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Thăm những hộ dân đã di dời đến Trung tâm văn hóa Vạn Tường, Phó Thủ tướng đã động viên bà con yên tâm ở nơi trú ẩn an toàn, không được về nhà khi bão chưa tan. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân trong thời gian tránh trú bão.

Tại Khánh Hòa:

Thông tin từ UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm cháu Ngô Tùng Nguyên (3 tuổi, trú thôn Đồng Xuân, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) mất tích do lũ cuốn trôi. Theo đó, tối 7/11, do không có ai trông coi, cháu Nguyên ra bờ ruộng gần nhà chơi đã không may bị nước lũ cuốn, mất tích.

Trong khi đó, đến cuối giờ chiều 8/11, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy anh Nguyễn Thành Thắng (17 tuổi, quê thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tạm trú tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh), bị nước cuốn mất tích vào trưa 7/11 khi đang chèo ghe trên sông Cái, đoạn chảy qua huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa).

Như vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 2 người bị lũ cuốn, mất tích.

Tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến thời điểm hiện tại ước tính khoảng 4,2 tỉ đồng.

Tại Huyện đảo Trường Sa, Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: Hơn 12 giờ trưa nay (9/11), trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Len Đao, Sinh Tồn Đông... mưa bắt đầu xối xả, gió giật cấp 9 cấp 10.

Tàu của ngư dân được bộ đội Hải quân hướng dẫn, giúp đỡ neo đậu tại âu tàu đảo Song Tử Tây.

Trên đảo Song Tử Tây, quân và dân hối hả vận chuyển đồ đạc về vị trí an toàn, dưới âu tàu, bộ đội dầm mình trong mưa gió, giúp tàu thuyền của các ngư dân neo đậu, chằng buộc phương tiện.

Tàu đánh cá của ngư dân neo dậu tránh bão tại Song Tử Tây

Hiện âu tàu đảo Song Tử Tây có 64 tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh: Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi... hoạt động đánh bắt hải sản khu vực quần đảo Trường Sa đã vào trú, tránh bão tại đây. Trong đó, tàu BĐ 97060-TS của ông Mai Tiến (Bình Định) đã bị hỏng bánh đà từ ngày 7/11 đã được Thượng úy Nguyễn Văn Tiệp, Đội trưởng và các nhân viên của Đội dịch vụ Hậu cần nghề cán nhân dân thuộc Công ty 128 Hải quân sửa chữa, khắc phục.

Trung tá Nguyễn Đức Dụ, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đông, cho biết: Chúng tôi cảm nhận rõ sự nguy hiểm của siêu bão qua tiếng gió và tiếng sóng xô bờ ầm ầm. Hiện gió ở đây giật khoảng cấp 8, sóng cấp 7. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt, sẵn sàng đối phó các tình huống để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão đi qua.

Đại úy Hà Ngọc Tuấn, Chính trị viên đảo Len Đao cho biết, mặc dù trời mưa mỗi lúc một to, gió lớn nhưng các chiến sĩ của đơn vị vẫn đang đội mưa chằng buộc hệ thống cửa sổ, quạt gió, pin năng lượng mặt trời....

Tại Bình Định:

Do ảnh hưởng của bão,  trong 3 ngày 7 - 8 và 9/11, ở Bình Định cũng đã xảy ra  mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các sông trong tỉnh cũng đã xuất hiện lũ ở mức báo động cấp I - II... Nhiều địa phương trong tỉnh có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt ở nhiều nơ

Tại huyện Tuy Phước, nhiều tuyến đường giao thông ở các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Lộc… bị ngập úng cục bộ, nhiều khu dân cư bị chia cắt, cô lập. Trên 2 tuyến tỉnh lộ huyết mạch thuộc địa bàn huyện Tuy Phước là tỉnh lộ 640 và 636B, nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,7 - 1m, người dân và phương tiện qua lại phải đi bằng đò hoặc xe tải. Gần 500 công nhân lao động ở các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thắng… đang làm việc tại các Khu Công nghiệp Phú Tài và TP Quy Nhơn phải tạm nghỉ việc.

Tại Hoài Nhơn, nhiều tuyến đường liên thôn tại các xã Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Hải… cũng bị nước lũ gây ngập úng. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Tại Hoài Ân, nước lũ đổ về đe dọa đến nhiều khu dân cư ven sông Kim Sơn, sông An Lão tại các xã Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Hữu…

Điều đáng quan ngại hiện nay là còn có nhiều tàu cá và ngư dân đang ở trong vùng nguy hiểm, trong đó nhiều tàu cá Bình Định. Ngoài ra, khu vực từ tỉnh Thanh Hóa đến Bình Định có 114 hồ chứa nước (Bình Định có 15 hồ) có nguy cơ sự cố, không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn hộ dân ở những vùng ven biển, vùng hạ du các công trình thủy lợi đang gặp nguy hiểm.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan.

Tàu cá Bình Định đang neo trú, tránh bão ở âu tàu Song Tử Tây 

Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Định đã liên hệ và hướng dẫn 194 tàu/1.357 ngư dân tìm nơi trú tránh an toàn. Tỉnh cũng đã xây dựng phương án di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; chỉ đạo các địa phương đều phải có phương án, phương tiện di dời dân trước 18 giờ ngày 9/11, khi có lệnh là thực hiện ngay. Khuyến cáo người dân không đi lại trong mưa bão, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền an toàn và tuyệt đối không được để ngư dân ở lại trên tàu thuyền khi xảy ra bão. Tại các hồ chứa nước xung yếu, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cử người túc trực 24/24 giờ. Sở GD-ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học khi có gió lớn. Các sở, ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ thuốc, lương thực, thực phẩm để cung cấp cho nhân dân”.

Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang tập trung triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão. Ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Hoài Nhơn đã liên tục liên lạc, hướng dẫn ngư dân di chuyển tàu cá, tìm nơi tránh trú an toàn; chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai phương án PCLB-TKCN đã được phê duyệt; tiếp tục liên lạc và hướng dẫn tàu thuyền tránh bão và chuẩn bị lực lượng, phương tiện để di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, phân công lực lượng túc trực tại 5 hồ chứa nước xung yếu và chuẩn bị phương án sơ tán các hộ dân sinh sống ở vùng hạ du…”.

Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: “Huyện đã kêu gọi tất cả 1.133 tàu cá, trong đó có 604 tàu hoạt động ở các ngư trường xa tìm nơi tránh trú bão an toàn. UBND huyện cũng đã xây dựng phương án di dời khẩn cấp toàn bộ các hộ dân ở vùng ven biển, vùng trũng thấp có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương, hội-đoàn thể hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa và thu hoạch 1.226 ha lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

 

P.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc