Hủa Na vào Xuân

07:04 | 23/01/2012

657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mùa Xuân này, những người ăn tết tại công trường Thủy điện Hủa Na sẽ không thể quên hương sắc một vùng đất, mà chính họ đang từng ngày tô điểm thêm những nét đẹp hào hùng.

Trên đoạn sông Chu chảy qua mảnh đất cuối cùng phía tây bắc của tỉnh Nghệ An, sát biên giới Việt – Lào có một công trường lớn nhất tỉnh: Công trường nhà máy thủy điện… Cuộc sống tinh thần, vật chất nơi núi cao, rừng sâu còn thiếu thốn nhưng tập thể cán bộ, nhân viên Ban Quản lý dự án và hơn 4.000 kỹ sư, công nhân xây dựng trên công trình Nhà máy Thủy điện Hủa Na với ngọn lửa nhiệt tình của tuổi trẻ, của truyền thống Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang phấn đấu đưa tổ máy 1, tổ máy 2 phát điện vào quý IV/2012. Hủa Na, nơi mùa Xuân đã sớm mang theo kỳ vọng về sức sống mới trên quê hương Nghệ An.

Tưng bừng khí thế

Sau cơn mưa phùn suốt dọc đường từ Hà Nội vào Nghệ An, trời hửng nắng, gió vẫn thổi mạnh, thứ gió dễ chịu của một ngày đầu xuân đẹp trời. Công trường xây dựng đang hối hả những ngày cuối năm. Cách đây 2 năm (ngày 30/1/2010), tại bản Huôi Muồng, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã long trọng tổ chức Lễ chặn dòng sông Chu, khởi phát xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na với công suất 180MW.

Từng đoàn người và xe trọng tải lớn chở đầy máy móc, thiết bị đêm ngày ùn ùn kéo về Quế Phong. Con đường độc đạo duy nhất vượt qua đỉnh dốc cheo leo hiểm trở đã được mở rộng, xẻ núi, lấp thung sâu, trải nhựa thênh thang, những cây cầu cứng hiện đại mọc lên… rút ngắn khoảng cách và thời gian từ huyện vào công trường.

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hủa Na Phan Trọng Phú chỉ lên bản đồ công trình: “Đây là các mốc tiến độ của dự án. Năm nay là năm cuối thực hiện dự án nên tất cả các công việc đều dồn vào cuối năm, chúng tôi đang gấp rút hoàn thành tất cả các hạng mục đúng tiến độ để ngày 15/6/2012, Thủy điện Hủa Na sẽ tích nước và đến quý IV/2012 sẽ phát điện tổ máy đầu tiên. Hồ tích nước có dung tích khoảng 500 triệu m3, trong đó dành 100 triệu m3 để điều hòa lũ lụt và cung cấp nước nông nghiệp cho nông dân vùng hạ lưu sông Chu. Một số công trình đã hoàn thiện được 90% như: đập nước, cống dẫn nước…”.

Những ngày này, công trường thủy điện đang tập trung hoàn thiện các hạng mục cơ bản. Đứng trên cao nhìn xuống mái đập phía thượng lưu, chỉ thấy bóng người lố nhố, biết là công việc vẫn chạy đều. Xa xa, nhiều ngọn đồi đã biến mất. Thay vào đó, sừng sững chắn ngang tầm mắt là một tổ hợp công trình đồ sộ vắt từ bờ trái sang bờ phải, dài hàng nghìn mét, cao gần 100m, bao gồm đập đá đầm nén bản mặt bêtông, cửa nhận nước, đập tràn với những cầu trục lớn, cần mẫn vẽ lên trời xanh làm cho diện mạo công trình mỗi ngày mỗi khác. Cả công trường suốt ngày đêm nhộp nhịp, hừng hực khí thế.

Dẫn chúng tôi đi trên công trường, trong tiết tấu rộn ràng của máy móc, dưới chân đập tấp nập các chủng loại xe chạy như mắc cửi, mù mịt khói bụi, ông Phan Trọng Phú cho biết thêm: Trước khi công trình được Tập đoàn Dầu khí tiếp quản, công trình chậm 8 tháng, nhưng giờ đây, quá khứ đó đã lùi xa, công trình đang lao nhanh về đích với một niềm tin chắc thắng.

Chúng tôi đi dọc chiều dài con đập, nhưng không thể hình dung hết quy mô đồ sộ và tính phức tạp của công việc này. Nhìn những công nhân lành nghề đang hàn sắt, những tấm áo xanh, vàng ướt đẫm mồ hôi giữa tiết trời se lạnh mới thấu hiểu sự vất vả của những công nhân thủy điện.

Tết Nhâm Thìn đang đến rất gần, nhưng khi hỏi về việc nghỉ tết, ăn tết thế nào, anh Phú cười bảo: “Đối với “lính” thủy điện, không có khái niệm tết”. Có thể hiểu rằng, tất cả là vì chất lượng và tiến độ công trình và chỉ khi nào công trình được khánh thành, thì dịp ấy mới là tết thực sự. Tết này, hầu hết CBNV và anh chị em công nhân vẫn có mặt trên công trường Hủa Na như ngày thường bởi Ban Lãnh đạo công ty đã quán triệt chế độ trực luân phiên và làm việc vào ngày tết. “Nói ví von thì thợ thủy điện đắp đập xong cũng giống như người đã cưỡi lên lưng hổ, phải dùng hết sức mình để đạt mục đích cuối cùng”, anh Phú nói.

Đoàn TNCS HCM Tập đoàn trao quà tết cho đoàn viên thanh niên Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Tình cờ gặp anh Lê Văn Giáp, Đội trưởng Đội Đúc dầm 502 thuộc Công ty Sông Đà 5, anh nói: Tết này chúng tôi phải làm liên tục 24/24 giờ để đảm bảo tiến độ thi công, tuy mệt nhưng đi làm vẫn vui.

Anh Nguyễn Văn Vị – công nhân, quê Thanh Hóa đang hăng say với công việc đo đạc dầm cầu để chuẩn bị kết nối các thanh dầm với nhau cho công trình cầu thi công bắc trên hồ Thủy điện Hủa Na, anh cho biết: “Năm nay là năm thứ 2 tôi ăn tết trên công trường”.

Dù xa nhà nhưng được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần, những công nhân như anh Vị không cảm thấy nhớ nhà, trong anh đầy quyết tâm phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để tết năm 2013 sẽ về quê sum vầy, ăn tết cùng gia đình.

Khó khăn nhất giờ đây là vấn đề di dân tái định cư cho 1.350 hộ dân ở 14 bản thuộc xã Đồng Văn và Thông Thụ đến 14 điểm định cư mới. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chuyển người dân đến nơi ở mới là điều vô cùng nan giải. Bởi từ bao đời nay, người Thái ít khi di cư, quan niệm của họ là “sống đâu, chết đấy”. Thế nên khi được vận động chuyển đến nơi ở mới, nhiều người đã phải đấu tranh suy nghĩ. Phải bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn”, bỏ phần mộ của ông bà tổ tiên không dễ dàng chút nào.

Để có được vùng lòng hồ và khu vực thi công, không kể những vất vả gian truân của giai đoạn khảo sát, dự án đã phải làm việc với lãnh đạo huyện và xã để sắp xếp tái định cư cho nhân dân trong vùng ngập nước, rồi phải đảm bảo giữ gìn sinh thái môi trường theo quy định, rồi tiến hành thi công cơ giới trên một vùng non nước hiểm trở…

Nhiệt huyết thợ trẻ

Một núi công việc như vậy, nhưng với bản lĩnh người Dầu khí, hơn 4.000 kỹ sư, CBCNV tham gia thi công đã không quản mưa nắng, đêm ngày hối hả vào ca với mục tiêu phát điện vào quý IV/2012 đã làm cho cả đại công trường xây dựng cứ bừng bừng khí thế, thi công đúng tiến độ và chất lượng.

Mùa xuân sang năm, Thủy điện Hủa Na sẽ có những dòng điện đầu tiên cho đất nước. Hủa Na hôm nay còn bộn bề công việc, nhưng với khí thế lao động trách nhiệm cao, công trình sẽ mãi là một điểm sáng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Để động viên kịp thời những đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Nhà máy Thủy điện Hủa Na, bao gồm: đoàn viên Ban Quản lý dự án, các đối tác nhà thầu Lilama, Sông Đà cũng như 20 hộ gia đình đặc biệt nghèo thuộc vùng lòng hồ (xã Đồng Văn) có một cái tết ấm áp và nghĩa tình, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương, Ban Thanh niên Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (Bộ Công an) đã đến thăm và trao những phần quà nhỏ nhưng ấm tình người cho các đoàn viên thanh niên và người dân địa phương.

Giám đốc Phan Trọng Phú: "Năm nay Hủa Na phải hoàn thành hai trọng trách lớn là tích nước vào giữa năm và phát điện vào cuối năm"

Tết này, 20 hộ nghèo trong xã Đồng Văn chắc chắn sẽ ấm lòng khi nhận được quà tết của tuổi trẻ Tập đoàn. Gia đình bà Sầm Thị Lâm, Lò Thị Xoan, Quang Bà Khôi và các gia đình khác không có điều kiện về trụ sở xã để tay bắt mặt mừng với đoàn công tác và nhận quà tết gồm túi quà và 500 nghìn đồng, tấm lòng của đoàn viên thanh niên Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương, Ban Thanh niên Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Đoàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Rồi đây, bà con sau khi ăn tết xong sẽ sẵn sàng rời bỏ nơi cư trú để sang khu tái định cư, bàn giao sớm mặt bằng cho công trường, cùng ghé vai gánh vác trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đại diện cho Đoàn công tác, anh Nguyễn Quốc Thịnh, Bí thư Đoàn thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trực tiếp trao những món quà tình nghĩa cho các bạn trẻ và hộ nghèo Đồng Văn.

Anh Nguyễn Trung Hiếu – Phó bí thư Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương biểu dương những phần việc mà Đoàn Thanh niên Công ty CP Thủy điện Hủa Na đã đảm nhận và nhấn mạnh, đoàn viên thanh niên cần tiếp tục triển khai các hoạt động khác trên các công trình trọng điểm Dầu khí, với sức trẻ sẽ đẩy nhanh và hoàn thành sớm các công trình với 4 nhất: Sáng tạo nhất, Thiết thực hiệu quả nhất, An toàn nhất và Tiết kiệm nhất.

Đoàn thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trao quà tết cho đoàn thanh niên xã Đồng Văn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Hủa Na xúc động nói: “Làm thủy điện phải có thanh niên. Tháng “làm ăn” được nhất của công trình thủy điện là mùa Xuân nhưng lại trùng dịp tết, nên phải có khí thế của thanh niên, của đoàn viên thì công trình mới về đích đúng hẹn”.

Năm 2011, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nhiều dự án giao thông, công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải giãn tiến độ thi công thì ở công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na vẫn sôi động, bởi có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng đoàn viên thanh niên Tập đoàn đã hăng hái đăng ký đảm nhận nhiều phần việc, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ Dầu khí.

Quá trình xây dựng của một công trình thuỷ điện có 4 mốc chính: Khởi công, chặn dòng, tích nước và phát điện. Toàn công trình Thủy điện Hủa Na đang tiến về các mốc trọng đại là chặn dòng và tích nước, làm nên kỳ tích của con người chinh phục và khai thác tiềm năng thiên nhiên một cách bền vững. Mùa Xuân này, những người ăn tết tại công trường Thủy điện Hủa Na sẽ không thể quên hương sắc một vùng đất, mà chính họ đang từng ngày tô điểm thêm những nét đẹp hào hùng.

Nhà máy Thủy điện Hủa Na được xây dựng nhằm khai thác tiềm năng sông Chu, dự án nằm trong Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt do Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư với những cổ đông: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Bắc Á… Trong đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam giữ cổ phần chi phối.

Với công suất 180MW và tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, sau khi hoàn thành, Nhà máy Thủy điện Hủa Na sẽ cung cấp lên lưới điện Quốc gia 712,7 triệu kWh/năm. Quý IV/2012, công trình thủy điện đầu tiên có công suất lớn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư sẽ phát điện, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế – xã hội đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa tỉnh Nghệ An; đồng thời cùng với hồ chứa nước Cửa Đạt điều tiết dòng chảy sông Chu, đảm bảo yêu cầu chống lũ cho hạ lưu.

Hương – Chính