Hợp tác Việt - Nhật trong khai thác than

07:00 | 11/10/2013

1,182 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong suốt thời gian hình thành và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), mối quan hệ hợp tác sâu rộng và có hiệu quả với các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đã tạo điều kiện cho sự tăng trưởng của ngành than Việt Nam. Mối quan hệ này trải dài trên mọi lĩnh vực và có nhiều hứa hẹn trong tương lai.

Hợp tác kỹ thuật và đào tạo

Để đạt được sự tăng trưởng của ngành than Việt Nam như hiện nay, trước hết khoa học công nghệ (KHCN) đã có những bước tiến quan trọng và toàn diện. Trong đó có sự đóng góp đáng kể của sự hợp tác KHCN và đào tạo giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thông qua Tổ chức Phát triển Công nghệ và Năng lượng mới (NEDO), Trung tâm Năng lượng Than Nhật Bản (JCOAL), Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) đã tài trợ và hợp tác với Vinacomin thực hiện “Dự án đào tạo nâng cao năng lực sản xuất than”. Dự án nhằm nâng cao năng lực sản xuất và quản lý an toàn cho các mỏ than Việt Nam bằng cách tổ chức đào tạo tại Nhật Bản và Việt Nam.

Hằng năm, Vinacomin tổ chức nhiều đợt cho cán bộ sang đào tạo tại Nhật Bản theo nội dung chương trình và số lượng được thỏa thuận giữa hai bên. Đồng thời, cử các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam khảo sát, điều tra thực tế tại các mỏ hầm lò; tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ nhằm góp phần nâng cao năng lực xử lý và quản lý sản xuất cho các cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam. Trong vòng 10 năm (2001-2011) với tổng số tu nghiệp sinh được đào tạo tại Nhật Bản là 1.171 người; các cán bộ, công nhân được tham gia đào tạo tại Việt Nam là 6.457 người.

Lễ ký ghi nhớ về việc Vinacomin cung cấp than dài hạn cho SOJITZ (năm 2011)

Dự án đã trang bị cho tu nghiệp sinh Vinacomin có kiến thức tổng hợp gợi mở ra tư duy mới, nâng cao về trình độ khoa học kỹ thuật, hệ thống hóa và kiểm định những sơ đồ công nghệ khai thác đào lò đang được áp dụng trong điều kiện các mỏ của Vinacomin hiện nay. Tu nghiệp sinh sau khi được đào tạo tại Nhật Bản và Việt Nam đã có cách tư duy mới, thay đổi quan niệm về sản xuất và an toàn, các cán bộ và công nhân đã có ý thức hơn về việc bảo vệ mình và đồng nghiệp khi trực tiếp tham gia sản xuất than.

Tháng 12/2011, NEDO và Vinacomin đã ký thỏa thuận thực hiện dự án khảo sát, thăm dò than tại Đồng Rì, Bắc Giang. Dự án nhằm thăm dò, tìm kiếm thêm nguồn than bổ sung cho trữ lượng than hiện có của Vinacomin. Nguồn vốn của dự án do NEDO cấp không hoàn lại. Dự án kéo dài 4 năm được chia làm 2 giai đoạn. Dự án nghiên cứu phủ xanh các bãi thải mỏ tại khu vực Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã được Vinacomin và NEDO phối hợp thực hiện trong 14 tháng và đã kết thúc vào tháng 3-2012 với nội dung chủ yếu nhằm nghiên cứu tình trạng hiện tại và các yếu tố gây khó khăn cho việc phủ xanh các bãi thải mỏ; nghiên cứu cải tạo đất bằng việc sử dụng tro than từ nhà máy nhiệt điện; nghiên cứu việc trồng cây trên các bãi thải; hợp tác chuyển giao kỹ thuật và kiến thức nghiên cứu. Vinacomin đã cùng với NEDO đánh giá kết quả ban đầu của dự án và đã có đề nghị phía Nhật Bản xem xét để tiếp tục triển khai dự án hợp tác trong lĩnh vực môi trường với thời gian dự án dài hơn và quy mô lớn hơn.

Nhật Bản - thị trường xuất khẩu chiến lược

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu than lớn nhất thế giới, nguồn than được nhập hoàn toàn từ nước ngoài, nhu cầu mỗi năm khoảng 170-180 triệu tấn. Hàng năm, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 5-6 triệu tấn than an-tra-xit từ nhiều nguồn khác nhau.

Vinacomin đã có quan hệ bán than cho các đối tác Nhật Bản trên 20 năm. Nhu cầu tiêu thụ hằng năm của các khách hàng Nhật Bản là 1,5-2,5 triệu tấn các loại than chất lượng cao như than cục Hòn Gai số 4, 5, than cám Hòn Gai số 6, 7, 8, 9. Khách hàng Nhật Bản sử dụng than an-tra-xit của Việt Nam chủ yếu cho công nghiệp sản xuất thép, xi măng, điện cực, hóa chất...

Bên cạnh việc xuất khẩu các loại than chất lượng cao sang thị trường Nhật Bản, Vinacomin hiện cũng đang hợp tác với các công ty thương mại của Nhật Bản để tìm kiếm nguồn than nhập khẩu sau 2015 cung cấp cho các dự án điện tại Việt Nam. Vinacomin đã đạt được một số thỏa thuận và biên bản ghi nhớ về cung cấp than dài hạn với các đối tác Marubeni (1-2 triệu tấn), Sumitomo (2-4 triệu tấn), Sojitz (1-3 triệu tấn). Trong tương lai, Nhật Bản vẫn là thị trường truyền thống và chiến lược của ngành than Việt Nam. Những  năm qua, Tập đoàn đã nhập nhiều thiết bị khai thác mỏ và phụ tùng các hãng như Komatsu, Hitachi, Bridgestone, Yokohama, Kawasaki với các mặt hàng: ôtô tự đổ Komatsu, lốp xe Bridgestone, máy xúc lật bánh lốp Kawasaki, máy xúc thủy lực bánh xích Komatsu, xe gạt Komatsu, lốp xe Yokohama…

Tương lai hứa hẹn

Dựa trên những kết quả hết sức tốt đẹp hai bên đã đạt được trong suốt 10 năm thực hiện “Dự án hợp tác đào tạo nâng cao năng lực sản xuất than”, Vinacomin cùng các bên liên quan của Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp để kiến nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tài trợ để kéo dài dự án đào tạo sang các năm tiếp theo nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ, công nhân kỹ thuật của Việt Nam được đào tạo, tìm hiểu chuyên sâu về công nghệ khai thác than, đặc biệt là công nghệ khai thác hầm lò nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển các mỏ than hầm lò của Vinacomin.

Song song với nhiệm vụ nâng cao sản lượng khai thác than nhằm đảm bảo nguồn cung than ổn định cho nền kinh tế, Vinacomin rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Tập đoàn sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Nhật Bản để nghiên cứu, triển khai các dự án môi trường bao gồm phục hồi mỏ, cải tạo và phủ xanh các bãi thải mỏ, xử lý nước thải mỏ, thu hồi và sử dụng khí Mêtan từ hoạt động khai thác mỏ, ổn định bờ mỏ, bãi thải và sụt lún mặt đất do khai thác mỏ gây ra… nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn.  

Tùng - Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps