50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968- 24/7/2018):

Hồi ức của nữ Anh hùng vượt mưa bom góp sức “khai tử” 1.205 quả bom

14:13 | 24/07/2018

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Sau mỗi trận đánh, tôi rời đỉnh đồi, chạy xuống cắm tiêu bên cạnh mỗi quả bom. Nhiều lúc vừa xuống tới bãi thì địch quay trở lại. Có lúc chúng ném đủ các loại bom nổ ngay, nổ chậm, bom bi, bắn cả đạn 20 ly. Đất đá ở đây rắn lại và sắc như mảnh bom...".

Những ngày này cả đất nước đang hướng về Đồng Lộc, biểu tượng của ý chí ý chí kiên cường, bất khuất của quân dân ta với tấm gương anh dũng hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong đã làm nên những chiến tích lịch sử, góp phần rất lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong số rất nhiều đại biểu về thăm lại chiến trường xưa, dự hội thảo khoa học "50 năm Chiến thắng Đồng Lộc - Giá trị lịch sử và hiện thực", dự đêm tri ân các Anh hùng liệt sĩ, các Mẹ VNAH, thương binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến do Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có nữ Anh hùng LLVTND La Thị Tám. Với khuôn mặt đôn hậu, gần gũi, nụ cười luôn thường trực trên môi, nữ anh hùng cách đây đúng 50 năm đã vượt mưa bom, bão đạn, góp sức “khai tử” 1.205 quả bom các loại của giặc Mỹ luôn gây sự chú ý đặc biệt.

Gặp lại đồng đội, được xem lại những tấm hình, những thước phim chiến trường Ngã ba Đồng Lộc nửa thế kỷ trước, bà như sống lại những ngày lịch sử hào hùng ấy. Cảm xúc về đồng đội, lúc thực hiện nhiệm vụ thông đường cho xe ra tiền tuyến vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bà.

hoi uc cua nu anh hung vuot mua bom gop suc khai tu 1205 qua bom
Nữ Anh hùng LLVTND La Thị Tám tại Hội thảo khoa học "50 năm Chiến thắng Đồng Lộc - Giá trị lịch sử và hiện thực "

Bà xúc động nhớ lại: Vào thời điểm ác liệt nhất, những năm Mỹ ném bon đánh phá miền Bắc 1965 - 1968, Ngã ba Đồng Lộc trở thành một túi bom luôn hứng chịu các loại bom nặng nhất của Mỹ; Quốc lộ 15A là “yết hầu” trên tuyến đường từ Bắc vào Nam. Địch trút xuống mảnh đất này đủ loại bom với tần suất cả ngày lẫn đêm, khiến mảnh đất Đồng Lộc trong nhiều năm liền không một phút giây được ngơi nghỉ tiếng bom đạn.

Thời ấy, những chàng trai, cô gái cùng lứa với bà phơi phới xuân xanh, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc. Bà còn nhớ Tiểu đội nữ A4 của Ngã ba Đồng Lộc lúc đó có 12 chị em, những người lớn tuổi nhất là Võ Thị Tần, Nguyễn Thị Nhỏ, Hồ Thị Cúc chỉ mới 24, người nhỏ tuổi nhất là Võ Thị Hà mới 17 tuổi, tất cả chưa ai lập gia đình.

Bản thân La Thị Tám, một thành viên thuộc C2, đơn vị chủ lực của ngành giao thông vận tải huyện Can Lộc, được điều về Ngã ba Đồng Lộc từ tháng 12/1967 đến tháng 8/1968 được giao nhiệm vụ trinh sát bom. Mỗi ngày nhiều lần cô gái gan dạ ấy đã vượt qua bãi bom lên đỉnh núi Mòi làm nhiệm vụ: lắng nghe máy bay địch thả bom, dùng ống nhòm quan sát để đếm, xác định vị trí rơi của từng quả, rồi tức tốc chạy xuống cắm tiêu báo bom để các lực lượng khác rà phá. Rất nhiều lần địch ném bom xung quanh núi Mòi, bom tạt ngay trước mặt rất nguy hiểm, nhưng bà cũng không rời vị trí, vì đây là nơi quan sát tốt nhất.

Ở trên đỉnh đồi quan sát hàng ngày, giúp La Thị Tám thấy rất rõ tội ác của giặc Mỹ. Lòng căm thù và quyết tâm cao độ càng thôi thúc cô thiếu nữ tinh mắt, tinh tai, nhanh nhẹn, quyết đoán để xác định chính xác nhất vị trí bom rơi, loại bom, quả nào đã nổ, quả nào chưa nổ. Sau mỗi trận đánh, La Thị Tám lại rời đỉnh đồi, chạy xuống vùng Ngã ba để cắm tiêu bên cạnh mỗi quả bom. Nhiều lúc vừa xuống tới bãi thì địch quay trở lại. Có lúc chúng ném đủ các loại bom nổ ngay, nổ chậm, bom bi, bắn cả đạn 20 ly vào ngay nơi La Thị Tám vừa chạy tới. Đất đá ở đây rắn lại, sắc như mảnh bom. Thế mà mỗi ngày, 3 hay 4 lần La Thị Tám đi vòng khu vực ngã ba làm nhiệm vụ.

Lúc đầu chưa quen, nữ thanh niên xung phong mưu trí chỉ dám vào gần cách quả bom 5m. Thấy như thế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cần thiết, nghĩ thà chết một mình nhưng bảo đảm an toàn cho hàng chục người làm nhiệm vụ, La Thị Tám đã mạnh dạn vào sát hơn các quả bom để cắm tiêu. Có đến mấy chục lần bom nổ gần, đất đá vùi lấp cả người, nhưng cô gái kiên cường ấy lại đứng dậy tiếp tục công việc của mình.

"Những ngày cắm tiêu nhiều bom, chạy nhiều lần về nhà say nắng, tôi không ăn được cơm. Nhưng sáng hôm sau nghĩ đến đồng đội và an toàn cho đoàn xe ra tiền tuyến, tôi lại vượt bãi bom lên đồi quan sát cả ngày. Suốt thời gian làm nhiệm vụ trinh sát ở Ngã ba tôi đã vào tận nơi cắm tiêu để công binh “khai tử” 1.205 quả bom các loại của giặc Mỹ” – nữ anh hùng bồi hồi thuật lại.

Bà kể, những tháng ngày làm nhiệm vụ bà và đồng đội lúc đó không ai nghĩ gì về cái chết hay sự vun vén, tư lợi gì cho bản thân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong như bà một lòng nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bà nói rằng, bà là người may mắn hơn các đồng đội của mình khi trong bom đạn đã được sự quan tâm của các phóng viên báo chí. Hình ảnh người con gái còn rất trẻ khoác chiếc áo dù với chiếc ống nhòm luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ, đã lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Văn Bảo; bức ảnh sau đó đã được đăng nhiều lần trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân và cả trên báo Sự thật của Liên Xô (cũ).

hoi uc cua nu anh hung vuot mua bom gop suc khai tu 1205 qua bom
Hình ảnh La Thị Tám khoác chiếc áo dù với chiếc ống nhòm luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ cách đây 50 năm (ảnh: Tư liệu)

Hình ảnh tập thể, là đồng đội của mình, những người con gái Quân khu IV vốn rất kiên cường, bất khuất mà trong đó có nữ anh hùng La Thị Tám vinh dự là người đại diện được nhạc sĩ Doãn Nho khắc họa trong bài hát “Người con gái Sông La”.

“Mùa đông năm 1970, khi được nghe bài hát này, tôi đã bật khóc với cảm xúc không nói nên lời. Vinh quang và công lao thuộc về tập thể nhưng bản thân tôi cũng đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen và Huân chương Chiến công hạng Nhất. Cuối năm 1968, tôi vui mừng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người; ngày 22/12/1969, tôi được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ngoài 20 tuổi. Đây là niềm vinh dự lớn lao và là động lực để suốt cuộc đời tôi luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ dù ở những vị trí công tác khác nhau”- nữ anh hùng LLVTND xúc động nói về chiến công, niềm vui khi được Đảng, Nhà nước, quân đội khắc ghi.

Mong có nhiều nghĩa cử tri ân hơn cho đồng đội

May mắn trở về lành lặn từ chiến trường Đồng Lộc, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do của đất nước, nữ thanh niên gan dạ một thuở tiếp tục cống hiến cho quê hương đất nước. Sau nhiều năm công tác ở Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh, bà về nghỉ hưu tại phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh.

Hàng năm, mỗi độ tết đến, xuân về hay dịp tháng 7, bà đều sắp xếp thời gian về lại Ngã ba Đồng Lộc để thăm lại chiến trường xưa, thăm anh, chị, em và đồng đội thân yêu đã hòa dòng máu đỏ tươi và tấm thân mình để làm nên chiến thắng, cho đất nước thống nhất. Mỗi lần như thế, dù biết rằng, Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành đã có nhiều chủ trương, chính sách, nhiều hoạt động chăm lo các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và những người có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước, nhưng bà vẫn luôn mong muốn ngày càng nhiều hơn các nghĩa cử cao đẹp, hành động tri ân với người có công với cách mạng.

“Tôi thực sự đã may mắn hơn đồng đội tôi rất nhiều. Đồng đội tôi- những người một thời không hề nghĩ cho mình mà chỉ một lòng vì sự nghiệp thống nhất đất nước- có người hằng ngày vẫn phải chịu nỗi đau một phần thân thể không lành lặn, sức khỏe yếu, có người phải sống cuộc sống khó khăn, vất vả. Vì thế tôi mong nhiều hơn nghĩa cử tri ân bằng cả tinh thần lẫn vật chất để họ phần nào vơi đi khó khăn trong cuộc sống” - nữ anh hùng La Thị Tám bày tỏ.

Dân Trí

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps