Hoa nở từ vùng đất đầy ký ức đau thương

09:43 | 25/11/2020

3,824 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ hơn nửa thế kỷ nay, địa danh Hà My (xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) luôn gợi nhớ đến vụ thảm sát kinh hoàng trong chiến tranh. Giờ đây, con cháu thế hệ thứ 3, thứ 4 của những nạn nhân đang miệt mài học tập, mang trong mình những khát vọng đổi thay quê hương có nhiều ký ức đau thương.

“Thành thật xin lỗi Việt Nam” là tên một phong trào tại Hàn Quốc được phát động với mục đích hàn gắn những vết thương chiến tranh mà quân đội nước này đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Người khởi xướng phong trào là Tiến sĩ sử học Ku Su Jeong đồng thời là Phó chủ tịch thường trực Quỹ Hòa bình Hàn - Việt. Bà đã có rất nhiều những chuyến đi dài ngày về các vùng quê Việt Nam từng xảy ra các vụ thảm sát do lính Hàn Quốc gây ra để cùng ăn, cùng ở và ghi chép lại sự đọa đày về thân xác cũng như tinh thần của nạn nhân các vụ thảm sát... Sau đó, bà Ku Su Jeong đã tạo ra một làn sóng tinh thần chưa từng có trong lịch sử Hàn Quốc, khi cho đăng tải những bằng chứng về hàng loạt cuộc thảm sát của quân đội nước này trên Tạp chí Hankyoreh 21 vào năm 1999.

Hoa nở từ vùng đất đầy ký ức đau thương
Hạng mục khu nhà 2 tầng tại Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng cơ sở 2 mới được bàn giao

Những người ủng hộ và tham gia phong trào này nhiều lần đến các địa danh từng xảy ra các cuộc thảm sát để xin lỗi những người may mắn thoát chết, những thân nhân và nhân dân địa phương về tội ác của thế hệ cha anh họ, trong đó có Hà My.

Buổi sáng ngày 24-1-1968, những tiếng súng vang lên, gió từ bãi biển Hà My thổi ào ạt nhưng cũng không át đi được tiếng la hét, tiếng khóc ở phía xóm Tây. Ngày hôm đó, 135 người dân vô tội bị thảm sát bởi Lữ đoàn Rồng Xanh, quân đội Hàn Quốc. Những ngôi mộ của họ nằm rải rác ở khắp ngôi làng. Nhiều gia đình, dòng họ bị xóa sạch tên tuổi sau ngày đó.

Hoa nở từ vùng đất đầy ký ức đau thương
Ông Bùi Xuân Dương (bìa trái), Chánh văn phòng BSR mở biển tên công trình khánh thành

Năm 2018, trong dịp tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Hà My, đã có 41 người Hàn Quốc tới, chia buồn, xin lỗi những nạn nhân và thân nhân của họ. “Chúng tôi thành thật xin lỗi Việt Nam, xin lỗi những người vô tội. Biết lấy gì đây để tạ tội. 50 năm đánh dấu ngày quân đội đất nước chúng tôi sát hại đồng bào Việt Nam, chúng tôi mong thắt lại nút thắt này để chúng ta cùng nhau bước tới những ngày tươi sáng”, đó là lời xin lỗi được Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đọc lên ngày hôm đó.

2. Văn Thanh Tùng là tên một ngôi trường tiểu học tại xã Điện Dương, nơi đang gieo những mầm kiến thức cho con trẻ. Các em là con cháu thế hệ thứ 3, thứ 4 của những nạn nhân trong vụ thảm sát kinh hoàng hơn nửa thế kỷ trước. Ngày 12-11-2020, dãy nhà 2 tầng của Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng cơ sở 2 được khánh thành, bàn giao tại khối phố Hà My Đông A, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Đây là hạng mục do Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tài trợ. Công trình gồm 10 phòng học chức năng, 1 phòng đa năng và các công trình phụ trợ khác được BSR tài trợ, triển khai xây dựng từ ngày 10-4-2020, hoàn thành ngày 10-9-2020. Tổng kinh phí xây dựng công trình là 5,6 tỉ đồng, trong đó BSR tài trợ 5 tỉ đồng, ngân sách thị xã Điện Bàn đối ứng 600 triệu đồng. Trước đó, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đã tài trợ cho trường tiểu học này một khu vui chơi cho học sinh. Khu vui chơi được kiến trúc sư nổi tiếng Hồ Khuê triển khai theo mong muốn của đa số học sinh, được thiết kế bằng các hình ảnh quen thuộc như bạch tuộc biển, tổ ong, đường ray xe lửa...

Có mặt tại lễ khánh thành và bàn giao công trình, ông Bùi Xuân Dương, Chánh Văn phòng BSR, cho biết: “Tôi hy vọng những đóng góp nhỏ bé của BSR tạo ra cơ hội mới cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, mong muốn các thầy cô giáo sử dụng công trình đúng mục đích, hết công năng và luôn nỗ lực hết mình, tâm huyết để tạo ra môi trường dạy và học tốt nhất cho các em học sinh”.

Dẫn khách đi tham quan những phòng học mới với những trang thiết bị hiện đại, có những thứ còn chưa bóc tem, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Hiệu trưởng - cho biết: Tổng số học sinh tại trường là 880 em; trong đó cơ sở 2 là 300 em. Trước khi được tài trợ xây dựng, trường chỉ có 7 phòng học, thiếu các phòng học chức năng. Những môn âm nhạc, mỹ thuật phải học ngay tại lớp, thiếu đồ dùng chuyên dụng, ảnh hưởng nhiều đến sự tiếp thu của học sinh.

Hoa nở từ vùng đất đầy ký ức đau thương
Học sinh Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng trong phòng học mới

“Nhận bàn giao trường mới, thầy cô giáo chúng tôi hết sức vui mình, phụ huynh và các em học sinh cũng phấn khởi. Có những phụ huynh của học sinh lớp 5 xin cho con em mình được học ở phòng học mới trước khi chuyển cấp. Có thêm 10 phòng học và phòng chức năng đã giúp công tác giảng dạy được thuận lợi, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động chủ đề được tổ chức thường xuyên, các giáo viên khai thác rất hiệu quả”, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết thêm.

Hoa nở từ vùng đất đầy ký ức đau thương
Khu vui chơi do Quỹ hòa bình Hàn - Việt tài trợ trong khuôn viên của trường

Nếu nhìn thoáng qua, BSR nói riêng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nói chung và Quỹ Hòa bình Hàn - Việt không có sự liên quan gì đến nhau, thế nhưng, trong quá trình thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội lại có những điểm chung tại Hà My, tại Điện Dương. Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đang cố gắng hàn gắn những vết thương chiến tranh. BSR đang thực hiện nhiệm vụ mà Petrovietnam giao, đó là tài trợ xây dựng các công trình an sinh xã hội, trong đó có trường học tại Hà My, để giúp những bông hoa sớm nở trên vùng đất có nhiều ký ức đau thương này.

Công trình Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng cơ sở 2 gồm 10 phòng học chức năng, 1 phòng đa năng và các công trình phụ trợ khác được BSR tài trợ, triển khai xây dựng từ ngày 10-4-2020, hoàn thành ngày 10-9-2020. Tổng kinh phí xây dựng công trình là 5,6 tỉ đồng, trong đó BSR tài trợ 5 tỉ đồng.

Thanh Hiếu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps