Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn cần sự trợ lực của chính sách tài khóa

19:00 | 14/04/2020

487 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thông qua các gói hỗ trợ nhanh, mạnh nhằm giúp doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 có thanh khoản để trang trải các chi phí.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động ban hành các văn bản và làm việc với các tổ chức tín dụng (TCTD) để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Cụ thể, ngày 12/3/2020 NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho tất cả các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

ho tro doanh nghiep van can su tro luc cua chinh sach tai khoa
Doanh nghiệp vẫn mong ngóng những gói vay lãi suất thấp để vượt qua khó khăn dịch bệnh

Đến ngày 17/3/2020, NHNN giảm đồng bộ các mức lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, như: Giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) từ mức 6,0%/năm xuống mức 5,5%/năm.

Giảm 0,5-1%/năm các mức lãi suất điều hành, tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc để phát tín hiệu mạnh mẽ định hướng điều hành giảm lãi suất của NHNN, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong trường hợp tiếp cận vốn từ NHNN và hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay nền kinh tế.

Đồng thời, tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) ngày 31/3/2020, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay khoảng 2% so với thời điểm trước dịch.

Theo NHNN, đến nay, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng; đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Đồng thời, các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5%-3%/năm. Hiện nay các TCTD đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng, doanh số cho vay đạt 165.208 tỷ đồng.

Về lãi suất, với các giải pháp điều hành của NHNN, các TCTD đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên theo quy định; đồng thời lãi suất huy động các kỳ hạn từ trên 6 tháng được nhiều TCTD chủ động giảm để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.

Mặc dù NHNN đã có nhiều giải pháp quyết liệt, các NHTM cũng đã có những động thái để hỗ trợ doanh nghiệp như hạ lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ, tuy nhiên, trên thị trường hiện vẫn có những doanh nghiệp khó khăn phản ánh chưa tiếp cận được các chương trình cho vay giảm lãi suất của ngân hàng.

Lý do các ngân hàng đưa ra là, không phải doanh nghiệp nào cũng được giảm lãi, cơ cấu lại nợ mà ngân hàng sẽ xét theo từng trường hợp cụ thể. Khách hàng phải kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch, trước đó không có nợ xấu, khoản vay của doanh nghiệp chưa được ưu đãi lãi suất. Nếu đã ưu đãi lãi suất thì ngân hàng sẽ không xét giảm nữa… Chính vì những quy định này nên nhiều doanh nghiệp mặc dù đứng trước nguy cơ phá sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng không thể nào vay được vốn lãi suất thấp để duy trì hoạt động.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, các ngân hàng dù cung cấp gói tín dụng hỗ trợ cũng phải đánh giá và thẩm định khả năng thu hồi nợ. Ngân hàng không thể cho các doanh nghiệp vay vô điều kiện bởi đó là nguồn vốn từ các NHTM bỏ ra. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

Đánh giá cao những nỗ lực để “cứu” doanh nghiệp trong thời gian qua của ngành ngân hàng nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc hạ lãi suất chưa đủ để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Việc giảm lãi suất điều hành chỉ tác động vào thị trường, trong khi đó vấn đề của nền kinh tế không phải chỉ ở nền kinh tế tiền tệ mà còn nằm ở nền kinh tế hàng hóa, mà thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ.

Vì vậy, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, các biện pháp về chính sách tiền tệ chỉ là biện pháp hỗ trợ, cần sự trợ lực của chính sách tài khóa, thông qua các gói hỗ trợ nhanh, mạnh nhằm giúp doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 có thanh khoản để trang trải chi phí, trả tiền cho đối tác, trả lương, trả lãi vay…

M.T

ho tro doanh nghiep van can su tro luc cua chinh sach tai khoaĐề xuất ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động dịch Covid-19 được gia hạn nộp thuế
ho tro doanh nghiep van can su tro luc cua chinh sach tai khoaNgân hàng mở cửa, Gia vị thêm sức sống trong vòng xoáy COVID
ho tro doanh nghiep van can su tro luc cua chinh sach tai khoaRa mắt web hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong giai đoạn dịch Covid-19