Hồi phục và khởi sắc
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 do Báo Đầu tư tổ chức tại TP HCM chiều 24-11-2020, các chuyên gia nhận định, các thương vụ M&A đáng chú ý của giai đoạn 2019-2020 chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp (DN) tư nhân của Việt Nam như Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk..., tập trung vào bất động sản, tài chính - ngân hàng, bán lẻ, logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng.
![]() |
Thị trường bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng đang thu hút vốn ngoại đầu tư tại Việt Nam |
Giai đoạn 2019-2020, giá trị M&A do DN Việt Nam đóng vai trò bên mua chiếm 1/3 tổng giá trị M&A được thực hiện. Tuy vậy, thị trường M&A vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi nhà đầu tư ngoại, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Đơn cử, chỉ trong 9 tháng năm 2020 có đến 19 giao dịch giữa nhà đầu tư Nhật Bản và DN Việt Nam được công bố. Còn các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục có những thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, lĩnh vực M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động, thu hút nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu DN... M&A còn là con đường ngắn nhất để các công ty nước ngoài có thể thâm nhập, mở rộng thị trường Việt Nam với hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí.
Báo cáo của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 7 tháng năm 2020, Cục Tài chính DN đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 DN, trong đó có 1 DN thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục DN thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 (91 DN).
Trong 9 tháng năm 2020 đã thoái vốn Nhà nước được 899 tỉ đồng, thu về 1.845 tỉ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn Nhà nước từ năm 2016 đến tháng 9-2020 đạt 25.669 tỉ đồng, thu về 172.917 tỉ đồng; trong đó 83% giá trị thoái vốn được ghi nhận năm 2017 với thương vụ bán vốn tại Sabeco và Vinamilk. Theo một số chuyên gia, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2019 và 9 tháng năm 2020 tiếp tục trầm lắng, chưa thực hiện được theo kế hoạch. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 và trạng thái bình thường mới có tác động đến hoạt động M&A trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, khiến DN điều chỉnh chiến lược, gia tăng tái cấu trúc, nhu cầu thoái vốn Nhà nước, bán DN nhiều hơn, nhưng việc thẩm định chi tiết và ra quyết định cũng khó khăn hơn.
![]() |
Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài |
Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỉ USD trong hơn một thập kỷ qua. Theo dự báo của Euromonitor International, hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc 5 tỉ USD/năm.
Theo dự báo của Euromonitor International, hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc 5 tỉ USD/năm. |
Còn trong khảo sát mới đây của MAF (Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam) và CMAC (Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán, sáp nhập), có những dự báo khác nhau về giá trị thị trường M&A tại Việt Nam năm 2021. Cụ thể, có 42% đơn vị tham gia khảo sát dự đoán giá trị thị trường ở mức 3-4 tỉ USD; 26% dự đoán ở mức 4-5 tỉ USD; 24% dự đoán chỉ ở mức 3 tỉ USD; chỉ có 8% tin tưởng giá trị thị trường M&A sẽ vượt mốc 5 tỉ USD. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp... vẫn là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021. Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong những năm tới. Đối tác đầu tư ngoại từ châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore dự báo tiếp tục chiếm ưu thế. DN tư nhân sẽ là động lực cho sự hồi phục của thị trường M&A trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho hay, điểm mới hỗ trợ cho hoạt động M&A nói riêng và đầu tư nói chung gồm 3 luật quan trọng thường xuyên tác động trực tiếp, gồm Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. 3 luật này được soạn thảo theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có M&A. Lần đầu tiên danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc “chọn - bỏ”. Đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách này...
“Những yếu tố quan trọng đó đang mở ra cơ hội mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động M&A sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, ông Hiếu nói.
Một số chuyên gia cho rằng, việc thúc đẩy và phát triển M&A có thể giúp DN tăng cường năng lực quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động; nhanh chóng tiếp cận được công nghệ, mô hình và phương thức kinh doanh mới trên thế giới, hướng đến xây dựng ngày càng nhiều thương hiệu Việt có tiềm lực mạnh, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Riêng giới đầu tư và DN tại Việt Nam vẫn tin tưởng vào sức bật của thị trường M&A Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19. Dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỉ USD, bằng 48,6% so với năm 2019. Nhưng thị trường M&A có thể sẽ phục hồi về quy mô 4,5-5 tỉ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn nhờ các thương vụ mới cũng như nhiều thương vụ thoái vốn Nhà nước lớn thực hiện sau năm 2021
Phương Nam
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng