Hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ trong phim chiến tranh Việt Nam

09:56 | 22/12/2011

2,970 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rất nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam đã khắc họa thành công và sâu sắc hình ảnh “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang ” của người phụ nữ Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Nữ nhà văn người Belarus, Svetlana Aleksievits đã viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ”. Câu nói như một mệnh đề đầy cảm xúc. Phụ nữ sinh ra với thiên chức làm mẹ, làm vợ, để yêu thương và được yêu thương. Nhưng trên dải đất thiêng liêng hình chữ S thường xuyên phải đối mặt với những kẻ giặc ngoại xâm này, người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đã sát cánh với nam giới để đánh đuổi quân thù và họ đã để lại những tấm gương bất diệt. Rất nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam đã khắc họa thành công và sâu sắc hình ảnh “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang ” của người phụ nữ Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Hình tượng đầu tiên về người phụ nữ Nam Bộ có lẽ là “Chị Tư Hậu”. Bộ phim được chuyển thể từ kịch bản văn học là truyện ngắn “Một chuyện chép ở bệnh viện” của nhà văn Bùi Đức Ái.

Qua diễn xuất của nghệ sĩ Trà Giang, đã làm toát lên ý chí mãnh liệt của một người phụ nữ nông thôn Nam Bộ bình dị. Cuộc đời với những nổi đau tưởng như không thể vượt qua: bị cưỡng hiếp, chồng hy sinh, nhà cửa bị đốt cháy, đứa con duy nhất cũng bị địch bắt. Nhưng chị vẫn vượt lên những nỗi đau để đi theo cách mạng. Và cuối cùng số phận nghiệt ngã cũng phải lùi bước trước chị, chị được ra Bắc chữa bệnh và đoàn tụ bên đứa con đã trưởng thành. Với thệ hệ khán giả đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, chắc chắn sẽ mãi còn đọng lại hình ảnh chị Tư Hậu với cặp mắt thăm thẳm nhức nhối lòng người.

Diễn viên Trà Giang trong vai chị Tư Hậu đã để lại ẩn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Cảm hứng miêu tả về những người phụ nữ nông thôn Nam Bộ kiên cường được nối tiếp một cách xuất sắc trong hai bộ phim kinh điển “Mùa gió chướng” và “Cánh đồng hoang “ cùng của đạo diễn Hồng Sến.

Đó có thể là người vợ hiền dịu, nhẫn nại nhưng cũng vô cùng can đảm của người du kích Ba Đô (Cánh đồng hoang), là cô giao liên xinh đẹp Bé Ba, người nữ chỉ huy du kích gan dạ Sáu Liên (Mùa gió chướng). Mẫu số chung của họ là khi họ là người yêu, người vợ, người mẹ đều có nét đằm thắm, dịu dàng rất riêng của người phụ nữ Nam Bộ, của những miền gạo trắng nước trong, của những dạ thưa ngọt ngào, dám yêu mạnh mẽ và thủy chung, nhưng cũng vô cùng anh dũng, quyết liệt trong cuộc chiến đấu với kẻ thù.

“Cánh đồng hoang” là sự cô đọng cao độ về khung cảnh, về hành động, tình cảm. Nơi con người phải đối mặt với với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa nỗi sợ hãi và lòng dũng cảm, cũng là nơi những tình cảm chân thực nở hoa. Giữa trời và đất, giữa tiếng gầm rú của bầy trực thăng quần đảo tìm kiếm Việt Cộng, là khung cảnh gia đình ấm áp của Ba Đô. Ở nơi đó có một người cha, người chồng dũng cảm, một người vợ đảm đang lo toan cho cuộc sống thường nhật bình dị của một gia đình. Họ trồng lúa, bắt trăn, bắt cá, chăm sóc đứa con nhỏ, và vẫn có một đời sống vợ chồng mặn nồng mặc bom đạn bủa vây.

Nếu như người đàn ông có mặt trên chiến trường như một lẽ tất nhiên để bảo vệ đất nước thì sự có mặt của người vợ bên cạnh là một nét đặc trưng rất phụ nữ Việt Nam. Đó có lẽ là một trong những cội nguồn của sức mạnh Việt Nam để làm nên thắng lợi của cuộc chiến.

Khi Ba Đô hy sinh, người vợ không gục ngã. Chị vẫn bình tĩnh nhắm bắn cháy được chiếc trực thăng để trả thù cho chồng. Một trong những hình ảnh cuối phim dường như là môt sự ẩn dụ sâu sắc, khi viên phi công Mỹ bị bắn rơi thì tấm ảnh chụp vợ con anh ta rơi ra từ ngực. Phía sau mỗi người lính đều là những gia đình chờ đợi. Nhưng nếu như đối với người lính cộng sản, những người mà họ yêu thương luôn ở sát bên cạnh họ và sẵn sàng tiếp bước thì có lẽ đối với viên phi công Mỹ, hình ảnh gia đình chỉ làm cho anh ta thấy rõ sự phi nghĩa của cuộc chiến mà mình tham gia.

Bộ phim “Mùa gió chướng” lại mang đậm dấu ấn sử thi. Trong một khung cảnh trải rộng, trong dòng chảy cuồn cuộn của cách mạng, những người con ưu tú của đồng bằng Nam Bộ đã sát cánh bên nhau để đánh đuổi ngoại xâm. Hình ảnh người phụ nữ được mô tả ở nhiều góc cạnh hơn. Đó là cô giao liên Bé Ba say đắm nồng nàn trong tình yêu. Trường đoạn mô tả gặp gỡ và nảy nở tình yêu giữa cô và người chiến sỹ giải phóng được cử từ Trung ương Cục rất lãng mạn. Thiên nhiên hoành tráng trong mùa nước nổi, đôi trai gái đùa giỡn tình tự trong đầm sen tạo nên một điểm nhấn bình yên hiếm hoi trong cuộc chiến. Đó là người nữ chỉ huy du kích Sáu Linh luôn mưu trí dũng cảm trong các cuộc chống càn, nhưng cũng hết sức dịu dàng chung thủy trong tình yêu. Chính cô đã chỉ huy lực lượng để giải phóng dân làng khỏi sự kìm kẹp của kẻ thù dành thắng lợi cuối cùng.

Ở một khía cạnh khác, người phụ nữ dù xuất hiện rất ít nhưng vẫn để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Đó là hình ảnh chị Út Tịch trong bộ phim “Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Được lấy nguyên mẫu từ một nhân vật nổi tiếng trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Thi, bộ phim như một bài ca dung dị về tình mẫu tử, về những người mẹ trực tiếp cầm súng trên chiến trường.

Trong ngôi nhà đơn sơ nằm cạnh dòng Hậu Giang lộng gió là những đứa con chờ mẹ trở về. Dấu ấn cuộc chiến in rõ trong những khát khao của trẻ thơ. Là nỗi nhớ mong thường trực chờ mẹ về, là ước mơ được đi học thật ở trường có tấm bảng đen chứ không phải cái mẹt rách có chữ A như chị nó chơi trò đi học. Người mẹ không xuất hiện vì chị còn bận cầm súng đánh giặc để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho các con. Khán giả xem và hiểu hơn về khí phách anh hùng của những thế hệ phụ nữ tiếp nối truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu từ ngày xưa.

Hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ còn được khắc họa ở những góc độ khác trong các bộ phim vang bóng một thời như “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”. Thông minh, sắc sảo nhưng cũng hết sức tài hoa, tinh tế. Đó là những Thùy Dung, Ngọc Mai, Huyền Trang… Ở họ, ta vừa thấy toát lên những nét chung của phụ nữ Nam Bộ, vừa có những nét rất riêng của phụ nữ trí thức thành phố. Cuộc chiến đấu của họ có thể không vang lên thường xuyên tiếng súng, không phân định chiến tuyến một cách rõ rệt nhưng không kém phần gay go, ác liệt. Đối mặt với những bộ óc sừng sỏ của kẻ thù, những cuộc đấu trí căng thẳng, họ vẫn bình tĩnh vượt lên để chiến thắng, họ cống hiến và hy sinh thầm lặng cho ngày khải hoàn ca của đất nước.

Thanh Lê

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...