Hiệu quả giảm tải từ bệnh viện vệ tinh

16:05 | 11/08/2015

1,136 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh (2013 – 2015), những kết quả đạt được đã cho thấy đây là một mô hình hữu hiệu cho công tác giảm tải bệnh viện và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Vì hiệu quả của đề án, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Tính đến tháng 7/2015, Bộ Y tế đã thiết lập được 15 bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện vệ tinh tại 36 tỉnh và thành phố trên cả nước. Nhờ sự đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của Bộ Y tế, các bệnh viện vệ tinh đã từng bước nâng cao năng lực, thực hiện được nhiều kỹ thuật cao, có khả năng điều trị được những ca bệnh khó, góp phần giúp cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo ở tuyến dưới được điều trị kịp thời, tại chỗ, giảm số phải chuyển lên tuyến trên. Qua đó, tiết kiệm chi phí điều trị cho bệnh nhân và giảm tải cho ngành y tế.

Trong hai năm thực hiện đề án, đã có gần 400 lớp đào tạo được tổ chức cho hơn 7.000 lượt cán bộ bệnh viện vệ tinh, chuyển giao gần 800 kỹ thuật cho hơn 2.300 cán bộ kỹ thuật. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các chuyên khoa quá tải trầm trọng hiện nay như: Ung bướu, sản khoa, ngoại chấn thương, nhi, tim mạch.

Hiệu quả giảm tải từ bệnh viện vệ tinh

Bệnh viện Đa khoa Khánh Hoà thực hiện ca phẫu thuật tim với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy

Thông qua chương trình, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đầu tư cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Nhờ đó, cơ sở vật chất của các bệnh viện vệ tinh cũng được nâng lên rõ rệt.

Cụ thể, nhờ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã có thể triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, xử lý nhiều ca chấn thương nghiêm trọng trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và nâng cao năng lực điều trị ở các chuyên khoa khác như: ung bướu, tim mạch... Vừa qua, bệnh viện này đã thực hiện thành công được một ca ghép thận và tiếp tục chuẩn bị cho những ca ghép mới tiếp theo. Tỷ lệ chuyển tuyến đối với bệnh nhân tim mạch từ 40% giảm xuống còn dưới 1%...

Ở phía Nam, có thể kể đến Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ đã được Bệnh viện Ung Bướu TP HCM chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị mới như: ung thư phụ khoa, ung thư đường tiêu hoá, ung thư sinh dục nam, kỹ thuật xạ trị các bệnh lý ngoài bệnh ung thư… Theo bác sỹ Lê Quốc Chánh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ, nhờ sự được đào tạo, chỉ dẫn từ các chuyên gia, bác sỹ có kinh nghiệm của tuyến trên, chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ ở bệnh viện nhanh chóng được nâng lên, bệnh viện đã có thể điều trị chuyên sâu hơn cho bệnh nhân ung bướu, giảm chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu TP HCM.

PGS.TS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá, qua thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên tuyến trên ở các chuyên khoa có làm vệ tinh giảm rõ rệt hoặc không còn chuyển tuyến. Như Bệnh viện đa khoa Thống nhất Đồng Nai không còn chuyển lên đối với phẫu thuật thần kinh; Bệnh viên đa khoa Đồng Nai không còn chuyển lên đối với phẫu thuật tim; Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hoà hầu như chỉ còn chuyển lên đối với những ca nặng, phức tạp.

Theo tổng hợp của Bộ Y tế, các bệnh viện vệ tinh đã góp phần giảm tải rõ rệt cho tuyến trên như: 63% bệnh viện tuyến trung ương đã giảm dần công suất sử dụng giường bệnh; các bệnh viện vệ tinh đều từng bước giảm tỷ lệ chuyển bệnh lên tuyến trên. Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình giảm chuyển tuyến chuyên ngành ngoại khoa từ 13% xuống còn 4%; Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình giảm chuyển tuyến chuyên ngành ung bướu từ 36 % (năm 2013) xuống còn 26% năm (2014)…

Có thể thấy, bên cạnh việc giảm tải cho các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành tuyến trên, hiệu quả lớn nhất từ Đề án Bệnh viện vệ tinh là giúp cho người dân có thể hưởng được các dịch vụ y tế chất lượng, kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không cần phải lên tuyến trên. Với hiệu quả thiết thực đạt được, từ 2016 – 2020, Đề án này sẽ được mở rộng ra 63 tỉnh, thành phố, trong đó có cả các bệnh viện công lập và tư nhân.

Lê Mai

Năng lượng Mới