Hãy giúp nghệ nhân “hậu” vinh danh!

06:00 | 27/03/2013

736 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trân trọng, tôn vinh nghệ nhân trên hành trình miệt mài giữ gìn văn hóa cổ truyền, dự thảo nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vừa được xây dựng.

Dự thảo này ra đời rất muộn mằn so với sự ra đi lần lượt của nhiều nghệ nhân tài danh những năm qua. Kể cũng là điều đáng tiếc! Nhưng sẽ còn đáng tiếc nữa nếu mai kia, khi nghị định đi vào cuộc sống, việc xét chọn, vinh danh được triển khai, các nghệ nhân phải chịu tốn kém, nhiêu khê và mòn mỏi về kinh phí, thủ tục, thời gian chờ đợi.

Đãi ngộ cần thiết thực hơn!

Bên cạnh vấn đề ghi nhận tài năng, công lao của các nghệ nhân bằng danh hiệu, điều mà rất nhiều người quan tâm, trong đó có dư luận, báo giới, gia đình các nghệ nhân và nhiều khi cả chính các nghệ nhân nữa, đó là việc đãi ngộ nghệ nhân sẽ được thực hiện như thế nào. Đã có rất nhiều ý kiến phàn nàn xung quanh việc nhiều nghệ nhân lâu nay, được đánh giá cao, được gọi là “báu vật nhân văn sống”, nhưng không có lấy một tấm thẻ bảo hiểm y tế, một cuốn sổ tiết kiệm hay một khoản trợ cấp nho nhỏ theo định kỳ.

Trong dự thảo, vấn đề này đã được nhắc đến với tinh thần: “Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, pháp luật về di sản văn hóa và một số chính sách đãi ngộ được quy định tại nghị định này”. Theo đó, dự thảo đặt ra chủ trương: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ bảo hiểm y tế đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; trợ cấp sinh hoạt hằng tháng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn”.

NSƯT Phó Thị Kim Đức (ngoài cùng bên trái) suốt nhiều năm âm thầm cùng học trò gìn giữ ca trù.

Có lẽ, cần những quy định cụ thể, thiết thực hơn nữa để các nghệ nhân, gia đình và dư luận cũng cảm thấy việc đãi ngộ sau vinh danh là thỏa đáng đối với công lao nhiều năm lưu giữ, truyền nghề của các nghệ nhân. Và trên tinh thần đó, mỗi địa phương cũng rất cần có những phối hợp đãi ngộ, hỗ trợ hợp lý cho nghệ nhân trong sinh hoạt, nhất là những nghệ nhân nghèo khó, neo đơn, già yếu… Được biết, Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng một chương trình đãi ngộ, hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân của tỉnh để tham mưu cho tỉnh.

Theo đó, mỗi nghệ nhân hằng tháng có thể được hưởng một khoản trợ cấp khoảng hơn 1 triệu đồng. Đợt phong tặng nghệ nhân đầu tiên của tỉnh có 41 cụ được vinh danh, nay 6 cụ đã mất. Hy vọng với 35 cụ còn lại và các cụ khác có thể sẽ tiếp tục được vinh danh sau này, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy nhanh tiến độ, đi đến hiện thực hóa chương trình đãi ngộ này. Đây cũng là một ví dụ để tham khảo với những người xây dựng dự thảo nghị định cũng như các tỉnh thành khác trong việc ứng xử với nghệ nhân.

Đặc biệt, ngoài chuyện đời sống, sinh hoạt, sức khỏe… cần lưu tâm đến việc tạo điều kiện cơ chế, vật chất, kỹ thuật cho nghệ nhân trong quá trình làm nghề, truyền bá tri thức và đào tạo thế hệ kế cận. Nghệ nhân được quan tâm về đời sống là rất quý, nhưng sẽ càng ý nghĩa nếu tinh hoa nghề nghiệp của họ, những tri thức, kỹ năng độc đáo mà họ đã lĩnh hội, ứng dụng, sáng tạo qua cả cuộc đời, sẽ được lưu giữ, tiếp tục truyền nối đến những lớp người sau.

Vì thế, nhất là với những nghệ nhân còn khỏe mạnh, minh mẫn, Bộ VH-TT&DL cùng với địa phương cần có kế hoạch khai thác, ghi hình, ghi âm, văn bản hóa những tri thức của họ để phục vụ cho nghiên cứu lâu dài, đồng thời hỗ trợ họ trong việc mở lớp, tổ chức truyền nghề. Và đương nhiên, song song với quá trình này, nghệ nhân cần được hưởng chế độ thù lao, bồi dưỡng xứng đáng. Đây cũng chính là những điều cần bổ sung thêm trong dự thảo nghị định.

Thủ tục cần nhanh gọn!

Việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ đã qua nhiều năm, nhiều lần, nhưng hầu như lần nào cũng có những ý kiến xung quanh vấn đề thủ tục, quy trình xét chọn. Với nhiều nghệ sĩ lão làng, tuổi cao sức yếu, thì việc phải đi lo giấy tờ, lo xác nhận, đi trình nộp… quả là nhiêu khê. Việc xây dựng dự thảo và triển khai nghị định sau này trong thực tế cũng nên rút kinh nghiệm từ cách làm việc với các nghệ sĩ. Rõ ràng, các nghệ nhân thậm chí còn hạn chế hơn nhiều nghệ sĩ về tuổi tác, sức khỏe, hầu như chỉ biết có không gian nông thôn, có bài ca, tiếng đàn, bài thuốc hay những sinh hoạt văn hóa của làng mạc, địa phương mình. Việc xét chọn, phong tặng danh hiệu, nếu gọn gàng, nhanh chóng thì các nghệ nhân được “nhờ”, còn lòng vòng, kéo dài và thiếu sự hướng dẫn, thậm chí nếu không giúp đỡ nghệ nhân trong hoàn chỉnh hồ sơ, thì thực sự sẽ khá phiền toái, mệt mỏi.

Trong dự thảo có yêu cầu đối với hồ sơ của cá nhân bao gồm: “Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu” và “các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm: video clip, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ, bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu khác liên quan”.

Theo đó, bản khai thành tích và đề nghị thì nghệ nhân, gia đình nghệ nhân có thể thực hiện, cùng việc công chứng các tặng thưởng. Nhưng việc ghi hình, chụp ảnh... để chứng minh tri thức, kỹ năng của nghệ nhân thì nhất thiết phải có chuyên gia, cán bộ chuyên môn xuống tận nơi thực hiện và hỗ trợ toàn bộ về kinh phí, kỹ thuật đối với các nghệ nhân trong công việc này. Không thể đưa ra yêu cầu chung chung để rồi nghệ nhân và gia đình phải bỏ tiền ra thuê dịch vụ chụp ảnh, quay hình làm tư liệu cho vào hồ sơ đem nộp. Bản dự thảo cần lưu ý có sự cân nhắc về vấn đề này, cũng như trong tương lai, khi thực hiện tiếp nhận, xét chọn, hội đồng cấp tỉnh, ngành văn hóa địa phương và chính quyền cơ sở có biện pháp hỗ trợ nghệ nhân trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, tư liệu.

Dự thảo cũng yêu cầu: “Sở VH-TT&DL là cơ quan tiếp nhận hồ sơ của đối tượng có hộ khẩu thường trú tại địa phương, Bộ VH-TT&DL là cơ quan tiếp nhận hồ sơ của đối tượng đang sinh sống ở nước ngoài” và “cá nhân có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này, lập 6 bộ hồ sơ gửi tới cơ quan tiếp nhận hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện”. Tại sao không phải là nghệ nhân nộp một bộ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận rồi chính cơ quan đó có trách nhiệm in sao theo số lượng cần thiết? Như vậy sẽ giúp nghệ nhân tiết kiệm được chi phí, nhất là với các nghệ nhân nghèo khó. Nhất là khi các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công việc này và việc “sao y bản chính” tại các cơ quan tiếp nhận hồ sơ như Sở và Bộ VH-TT&DL là hoàn toàn đáng tin cậy!

Trân trọng và tôn vinh những “di sản sống” của văn hóa dân tộc, mong muốn lưu giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp mà những “di sản sống” đang lưu giữ, đó là điều đáng ghi nhận của dự thảo này. Nhưng tinh thần nhân văn, tác phong văn minh thì vẫn chưa được thể hiện rõ trước và sau quá trình xét chọn. Trước khi xét chọn, nghệ nhân cần được giúp đỡ để hoàn tất thủ tục nhanh chóng, thuận tiện và thoải mái về tư tưởng. Sau khi tôn vinh, cần có đãi ngộ xứng đáng về cả điều kiện sống, sinh hoạt, khám chữa bệnh lẫn điều kiện làm nghề, truyền nghề. Như vậy, với mỗi danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được phong tặng, Nhà nước, ngành văn hóa và địa phương cần có trách nhiệm lâu dài và chu đáo, chứ không chỉ... kết thúc lễ trao tặng... là xong!

Hằng Nga

 

 

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...