Hãy cẩn trọng với nước ngọt!

06:52 | 26/11/2013

5,444 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với đủ các loại hương vị từ nhân tạo đến tự nhiên, nước ngọt đang thực sự trở thành thức uống “khoái khẩu”, đặc biệt là với giới trẻ. Cùng với ẩm thực mang tính nghệ thuật thì loại nước uống được cho là hấp dẫn này không bao giờ thiếu trong những cuộc vui, hội đình đám. Tuy nhiên, thỏa mãn vị giác chưa chắc đã đồng nghĩa với bổ dưỡng, thậm chí còn gây tác hại cho sức khỏe - nước ngọt dưới góc nhìn của y khoa là như vậy.

Năng lượng Mới số 276

Uống nhiều thành quen

Xuất xứ từ các nước phương Tây, người ta cho rằng, nước ngọt du nhập chính thức vào nước ta vào thời kỳ kết thúc cơ chế bao cấp và mở ra nền kinh tế thị trường. Vì khi kinh tế phát triển, người dân mới có khả năng tiêu dùng mặt hàng được cho là xa xỉ này. Một trong những hãng nước ngọt đầu tiên có mặt tại Việt Nam chính là Coca Cola, loại nước uống được coi là “vua” của các loại nước ngọt. Sau đó đến Pepsi, đối thủ ngang ngửa với Coca Cola. Thế nhưng, đối với các nhà sản xuất thức uống trong nước, hai hãng nước ngọt lớn nhất thế giới ấy tính đến thời điểm có mặt tại Việt Nam thì được coi là “chính thức”. Còn trước đó, loại nước uống có ga ngoại nhập thực ra đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, có thể coi từ thời người Mỹ đặt chân đến miền Nam Việt Nam để xâm lược. Và cũng từ đây, hình thành công thức sản xuất nước ngọt trong nước.

Nước ngọt là nguyên nhân của nhiều bệnh

Ngọt mà có hại

Hiện nay, thị trường nước ngọt đã phát triển với nhiều chủng loại, phong phú về hương vị… Thế nhưng nước ngọt dưới góc độ dinh dưỡng có chất lượng không, có bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng không? PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh khẳng định với báo giới: Ngay cả đường mía uống vào cũng không tốt cho sức khỏe thì những chất tạo ngọt, hương vị chuyên để sử dụng sản xuất nước ngọt chắc chắn còn gây tác hại lớn hơn bởi các chất tạo ngọt không sinh năng lượng, hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng, ngược lại còn làm cho gan, thận… yếu đi do bị tích độc.

Cụ thể, Tạp chí Dịch tễ học của Mỹ đã công bố một nghiên cứu nêu rõ: Trong nước ngọt có chứa phốt phát, một loại chất đã được xác định là nguyên nhân gây nên sỏi thận. Nếu uống đều đặn mỗi ngày một lon (hoặc chai) hoặc nhiều hơn thế sẽ tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận. Tạp chí của Mỹ cũng cho biết, chính phốt phát và axit photphoric trong nước ngọt với vai trò bảo quản và tạo mùi hương là những chất góp phần gây bệnh tim, nhão cơ, loãng xương… đồng thời thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh… vì nó làm da mất đi màu sáng bóng, căng mịn, gây nổi mụn trên da…

Cùng với gan, thận, tim… nước ngọt còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ phận tiêu hóa do trong nước ngọt có nhiều phụ gia, hóa chất làm tổn thương bề mặt của ruột và dạ dày. Chính axit có trong thành phần nước ngọt còn tạo ra môi trường axit sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, phá vỡ sự cân bằng giữa các axit và kiềm của hệ tiêu hóa.

Các nhà y khoa Đan Mạch sau một nghiên cứu cũng tìm ra tác hại của nước ngọt khi nó “dẫn dắt” cơ thể tiếp nhận nước ngọt một cách đều đặn và với lượng nhất định đến bệnh… tiểu đường. Họ đã nghiên cứu, khảo sát ở những bệnh nhân tiểu đường thì thấy nếu uống soda mỗi ngày và kéo dài trong 6 tháng liên tiếp, xung quanh gan và cơ xương sẽ tích tụ mỡ thừa dẫn đến kháng insulin trong cơ thể và hậu quả là mắc bệnh tiểu đường. Hay uống nhiều nước ngọt làm gia tăng các loại chất béo khác nhau trong cơ thể đồng thời làm tăng lượng cholesterol trong máu.

“Nước ngọt ảnh hưởng xấu đến não để rồi gây mất trí nhớ và rối loạn tâm thần” cũng là tác hại nằm trong nghiên cứu về “chuỗi” hệ lụy của việc sử dụng nước ngọt thường xuyên. Các nhà khoa khọc đã tìm ra trong loại nước khoái khẩu của giới trẻ này có một loại dầu thực vật mang ký hiệu BVO dùng để ngăn chặn việc bay mùi vị của những loại nước có ga. Thế nhưng “lợi bất cập hại” ở chỗ loại dầu thực vật ấy lại có tác dụng phụ là làm giảm trí nhớ, rối loạn thần kinh và một số bệnh tâm thần khác do có nhiều chất trong thành phần nước ngọt tác động xấu đến hoạt của não bộ.

Tuy nhiên, nguy cơ nguy hiểm nhất khi uống nước ngọt, đặc biệt là loại nước có ga chính là khả năng mắc bệnh ung thư cao. Theo các nhà y khoa, chất methylmadizole có trong nước ngọt là chất gây ung thư. Chưa kể đến, đường có trong nước ngọt giải phóng ra insulin là một chất nuôi dưỡng các khối u, tế bào ung thư.

Với nước ngọt có “thương hiệu”, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà tác hại còn như vậy thì rõ ràng, loại nước ngọt trôi nổi ngoài thị trường được bán với giá rẻ hơn… bèo, mức độ độc hại phải khẳng định lớn hơn nhiều. Hiện nay, trên thị trường, không thiếu những loại nước ấy, nhất là khu vực trước cổng các trường học. Điển hình có một loại Coca của Trung Quốc được bán trước cổng nhiều trường tiểu học. Giá chỉ 2.000 đồng/chai, khi uống vào vị chua chua, ngọt ngọt nhưng không ai biết nguồn gốc chai nước này ở đâu, ngoài việc dự đoán của Trung Quốc vì nhãn trên vỏ chai toàn in chữ Trung Quốc. Vậy mà rất nhiều học sinh mua để uống. Ngay các vị phụ huynh cũng chủ động mua cho con uống.

Vậy, với những cảnh báo trên đây về tác hại của nước ngọt, để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người tiêu dùng phải cẩn trọng trong việc sử dụng, nhất là trong hoàn cảnh công tác quản lý còn nhiều khó khăn nhưng buông lơi thả lỏng, thiếu trách nhiệm… cũng không ít.

Xuân Bách