Hái lộc đầu năm: Nhiều cách để “rước lộc” về nhà

07:00 | 30/01/2019

822 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hái lộc đầu năm khi lễ đền chùa vào đêm giao thừa hay sáng mùng 1 Tết vốn là nét đẹp lâu đời trong văn hóa dân gian của người Việt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người sẵn sàng tàn phá cây cối mà không biết rằng có nhiều cách để rước lộc xuân mới về nhà.

Hái lộc không đúng thành ra gây hại

Người xưa hái lộc đầu năm với quy ước lấy một nhánh lộc nhỏ, chồi non của cây cối nơi đền chùa linh thiêng đem về nhà để tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, sự tươi mới, khởi đầu tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Chữ “lộc” trong tín ngưỡng dân gian có hàm ý rộng lớn là những điều tốt lành do trời và các thần thánh ban cho, lộc có thể là lộc về người, về tiền tài danh vọng...

Theo thời gian, suy nghĩ của nhiều người về hái lộc đã biến tướng, người ta cho rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều. Bởi vậy, từ chỉ dùng tay nhẹ nhàng ngắt một nhành lộc nhỏ mang ý nghĩa tượng trưng thì có người đã vác cả dao, treo cả lên cây hùng hục chặt lộc, ra sức tranh nhau chọn, hái lộc đến mức vặt trụi cây. Thậm chí có người bê nguyên cả “cây lộc” cho được đại lợi.

Làm như thế có lộc hay không? “Tết đến, nhiều người đi chùa bẻ sạch hoa lá, cây kiểng, gọi rằng hái lộc đầu năm; đó là việc sai lầm lớn, phá hoại như vậy làm sao có lộc được”, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã giải đáp.

Nhưng lòng cầu lợi và những ngộ nhận gắn "lộc cây" vào với "lộc tiền tài" đã khiến nhiều người tiếp tục mù quáng. Không chỉ cây cối ở chùa chiền bị bẻ ngắt, mà cây cối quanh ngân hàng, kho bạc, tiệm vàng cũng bị tàn phá bởi nhiều người nghĩ rằng đó là những nơi chứa tiền, hái lộc quanh đó thì cả năm sẽ đại lợi.

hai loc dau nam nhieu cach de ruoc loc ve nha
Người dân bẻ lộc cây cối gần ngân hàng - Ảnh tư liệu

Trước biến tướng này, khi tết đến xuân về, nhiều chùa, trụ sở làm việc phải tìm cách đối phó như tăng cường treo biển cấm bẻ cành ngắt cây hay cử người canh gác, trông chừng để người ta sợ hoặc ngại mà không bẻ cây hái lộc. Thậm chí có chùa để bảo vệ những cây quý, đã phải mua nhiều cây cảnh phổ thông khác để khắp các lối đi cho con nhang đệ tử tiện ngắt, bẻ.

Bác Lưu Thị Mận, một Phật tử chia sẻ: “Bất đắc dĩ các chùa phải làm vậy thôi, vì chưa thể cấm hay giải thích cho người lễ chùa. Còn với những ai đã hiểu giáo lý nhà Phật, thì đều biết rằng, những hành động bẻ cành lộc xanh tươi như thế không phải là gieo nhân tốt, mà là phá hoại, gieo một nhân xấu”.

Chưa kể, ngắt cành lái lộc có khi không mang lộc mà lại có thể vớ phải vong dữ thì rất phiền phức bởi theo Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người), trong dân gian có truyền thuyết là những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối nơi đền chùa để hưởng lộc chúng sinh.

Có nhiều cách để “rước lộc” năm mới

Để đón rước lộc năm mới, nhiều người làm lễ xong sẽ xin lộc nhà chùa mang về nhà thay vì tự ý bẻ cành ngắt cây. Đây cũng là một nét đẹp và là thông lệ mà các chùa đã thực hiện từ nhiều năm.

Về lệ xin lộc và phát lộc ở nhà chùa, Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) đã giải thích đây là tập tục dân gian có nguồn gốc từ Trung Quốc và ảnh hưởng đến Phật giáo qua quá trình tiếp biến văn hóa. Theo đó, mỗi người đến chùa lễ Phật, đều mong muốn được có một thứ gì đó cầm về, tượng trưng cho lộc mà họ nhận được, thêm vào đó chút lòng tin tín ngưỡng, giúp họ cảm thấy được bình an, được hỗ trợ về tinh thần hơn. Từ đây, Phật giáo đã nương theo tập tục dân gian, mà nảy sinh việc “phát lộc”.

Hiện nay, để tạo thêm nhiều nét hành xử đẹp khi lễ chùa đầu năm, nhiều chùa đã chủ động trong ra các hình thức phát lộc cho người đi lễ. Có chùa cho dựng cây lộc treo những phong bì lì xì, trong đó có thể là một câu kinh, một lời chúc của nhà chùa, tờ tiền mệnh giá nhỏ. Có chùa lại phát lộc cho Phật tử bằng những chuỗi hạt đeo tay, dây đeo cổ có hình tượng Phật, móc treo chìa khóa, hay túi gạo muối, bao diêm, chiếc bật lửa… với hàm ý mang đến may mắn, sự sung túc và thắp sáng trí tuệ cho các Phật tử.

hai loc dau nam nhieu cach de ruoc loc ve nha
Nhà chùa chuẩn bị "lộc" cho các Phật tử - Ảnh tư liệu

Chia sẻ với phóng viên Petrotimes, Sư thầy Thích Đàm Thoan chùa Tháp Phổ Minh (Nam Định) cho biết, nhà chùa hiểu được nguyện vọng của Phật tử vì thế thường chuẩn bị các phần quà để phát lộc cho đại chúng vào đêm giao thừa và những ngày lễ đầu năm nay. Lộc như thế nào sẽ tùy theo điều kiện từng chùa và thường mang những nét đặc trưng riêng. Ví như ở chùa Tháp (chùa Phổ Minh) luôn là những phong bánh khảo đỏ trong lòng bàn tay, các chùa khác có thể là cành phát tài, nén hương thơm, vật kỷ niệm nhỏ hoặc các vật phẩm ăn được như hoa quả, bánh kẹo.

Cũng theo thầy Thích Đàm Thoan, do mỗi người có một mong cầu riêng, vì thế tốt nhất để được đúng ý mình có thể tự mua thứ vật phẩm mình thích, muốn có hoặc người thân yêu thích để dâng lên cúng rồi xin được thụ lộc. Chẳng hạn có những người mua bút, tháp văn chương mang tới chùa dâng cúng rồi xin lộc về cho con với mong muốn con cái mình sẽ có một năm học hành giỏi giang. Cũng có thể mua đồ ăn yêu thích của người thân trong gia đình, một cành hoa để trang trí, hoặc những chiếc vòng quý để lưu giữ bên mình.

“Tất cả đều là hy vọng và nguyện cầu những điều tốt lành. Nhưng để đón nhận những điều tốt lành thì mình cần hành xử thật đẹp. Đối với người nhận lộc, được hay không hãy đều hoan hỉ vì đó là cái duyên của mình, còn muốn hưởng nhiều phước lộc thì phải gieo nhiều nhân lành, có nghĩa là làm những việc tốt” thầy Thích Đàm Thoan nói.

hai loc dau nam nhieu cach de ruoc loc ve nhaThời trang đi lễ Phật đầu năm mới
hai loc dau nam nhieu cach de ruoc loc ve nhaBạn có biết: Những điều cấm kỵ khi đi lễ chùa
hai loc dau nam nhieu cach de ruoc loc ve nhaNgười Hà Nội chen chân lễ chùa trong đêm giao thừa

Thanh Nhiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.