Hà Nội: Sở giao thông khiến giao thông thêm... náo loạn

10:21 | 14/07/2016

1,012 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã quyết định "bỏ qua quy hoạch", cho xe khách chạy "xuyên tâm" gây ra tình trạng náo loạn trong thành phố, góp phần làm cho bức tranh giao thông Hà Nội đã rối ren lại càng thêm khó gỡ.
nuc cuoi chuyen chong un tac nhung de xe khach chay xuyen tamHà Nội: Quyết tâm “đại phẫu” giao thông để chống ùn tắc
nuc cuoi chuyen chong un tac nhung de xe khach chay xuyen tamHà Nội: Tăng cường gần 400 cảnh sát xuống đường điều tiết giao thông
nuc cuoi chuyen chong un tac nhung de xe khach chay xuyen tamHà Nội chi nghìn tỉ nhưng giao thông vẫn ùn tắc

Trong giải pháp phân luồng bổ tuyến nhằm di dời Bến xe Lương Yên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quyết định Bến xe Gia Lâm tiếp nhận 133 lượt xe/ngày, Bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 162 lượt xe/ngày và Bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận 51 lượt xe/ngày.

Đặc biệt, 43 tuyến xe Hà Nội - Hải Phòng sẽ được chạy “xuyên tâm” theo lộ trình: Hải Phòng - QL5 - Cầu Thanh Trì - Vành Đai 3 - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Bến xe Yên Nghĩa.

Để xe khách chạy vào cung đường chết

Theo phương án phân bố lại luồng tuyến hoạt động của hàng trăm chuyến xe tại Bến xe Lương Yên sau thời điểm bến này sẽ đóng cửa vào đầu tháng 8/2016 vừa được trình UBND TP. Hà Nội, trong đó đáng chú ý là 51 chuyến xe điều chuyển về Bến xe Yên Nghĩa, gồm: Bắc Kạn (1 lượt/ngày), Hải Dương (2 lượt/ngày), Hải Phòng (43 lượt/ngày), Lạng Sơn (1 lượt/ngày), Lào Cai (4 lượt/ngày), đều là những tuyến xe khách "xuyên tâm".

nuc cuoi chuyen chong un tac nhung de xe khach chay xuyen tam
Bến xe Lương Yên trước giờ "khai tử"

Việc bổ sung tới 51 lượt xe "xuyên tâm" vào chỉ riêng một bến xe đã khiến nhiều người công tác trong ngành giao thông nhận định là đi ngược với chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn ùn tắc giao thông.

Bấy lâu nay, người tham gia giao thông “rùng mình” mỗi khi phải đi qua đường Nguyễn Trãi. Đường chật hẹp, “tử thần” luôn rình rập từ dự án đường sắt đô thị trên cao, khiến con đường này được mệnh danh “cung đường chết”.

Giờ nhà xe lại được chạy "xuyên tâm", lại có cơ hội chạy "rùa bò" trên đường để bắt khách, không chỉ gây ách tắc, cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều bất ổn an ninh trật tự.

Thế nhưng, ông Nguyễn Tuyển - Phó phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) vẫn khoe rằng, phương án phân bổ tuyến xe khách sau khi xóa bỏ Bến xe Lương Yên lần này so với kế hoạch trước đó có sự khác biệt. Đó là sự thay đổi về lộ trình chạy trong nội thành của 43 chuyến về Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông).

Theo ông Nguyễn Tuyển, những tuyến xe đi Hải Phòng luôn tiềm ẩn tính phức tạp, trong khi đó tại nút giao thông BigC (giao Đại lộ Thăng Long và đường Vành Đai 3) đang rất nhốn nháo, tình trạng xe bắt khách diễn ra khá phổ biến.

Nhằm rút ngắn quãng đường các xe khách chạy trên đường Vành Đai 3 gây ùn tắc giao thông, 43 chuyến xe đi Hải Phòng sẽ từ đường trên cao xuống ở nút giao Nguyễn Trãi rồi theo đường này về Bến xe Yên Nghĩa.

“Xuyên tâm” là đi ngược với quy tắc

Mặc dù nói thay đổi lộ trình tuyến để rút ngắn khoảng cách và tránh nhốn nháo tại nút giao Big C, nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị lại tỏ ra quan ngại.

Ông Nguyễn Quý Đại - Phó Tổng thư kí Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng, đường Nguyễn Trãi hiện rất chật hẹp và thường xuyên xảy ra ùn tắc, giờ thêm 43 chuyến xe khách lưu thông thì không biết sẽ như thế nào?

Nếu muốn biết đường Nguyễn Trãi đông như thế nào, xin mời hãy tới đây vào giờ cao điểm mỗi ngày. Không phải tự dưng mà lâu nay tuyến đường này cấm khá nhiều loại xe. Đã thế, Nguyễn Trãi rồi xuống Quang Trung còn xuyên qua nhiều khu đô thị lớn và nhiều trường đại học nữa, càng tạo điều kiện cho tình trạng xe tạt ngang tạt dọc bắt khách.

nuc cuoi chuyen chong un tac nhung de xe khach chay xuyen tam
Đường Nguyễn Trãi luôn trong tình trạng quá tải.

“Bến Nước Ngầm trước đây chưa hề có xe chạy tuyến Hải Phòng, diện tích rộng rãi, mới sử dụng chưa đến 1/3 công suất thiết kế. Việc đưa toàn bộ các xe chạy tuyến Hải Phòng về thì vừa đúng quy hoạch bến bãi, vừa rất thuận tiện bởi chỉ cần giữ nguyên biểu đồ xuất bến như cũ. Còn nếu chia theo phương án của Sở Giao thông Vận tải sẽ phải làm lại hết, từ cả đầu Hà Nội lẫn Hải Phòng, việc chồng lấn là khó tránh khỏi. Chắc chắn phát sinh các hệ lụy không mong muốn" - ông Nguyễn Quý Đại nói.

Cùng quan điểm này, một số hãng vận tải chạy tuyến Hải Phòng đang hoạt động tại Bến xe Yên Nghĩa thậm chí còn cho rằng, phương án điều chuyển này có sự thiên vị rất rõ ràng. Bởi nếu cùng về bến thì lộ trình mới vừa gần hơn lại vừa đông đúc hơn rất nhiều.

"Với số lượng khách đi Hải Phòng xuất Bến ở Yên Nghĩa thường xuyên chỉ đạt trên 30%, các nhà chạy tuyến này chủ yếu đi chậm để bắt khách lẻ dọc khu vực đại lộ Thăng Long, BigC, Khuất Duy Tiến… dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài. Giờ lại tăng thêm chuyến thì tình trạng ùn tắc sẽ thêm nghiêm trọng" - Giám đốc một doanh nghiệp vận tải khai thác tuyến Hải Phòng - Bến xe Yên Nghĩa nói.

Hạn chế “xuyên tâm” tránh ùn tắc

Ủng hộ chủ trương đúng đắn của thành phố khi dừng hoạt động Bến xe Lương Yên, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội nêu thực trạng hầu hết các bến xe hiện đều đang quá tải, các tuyến đường, cung đường cũng quá tải bởi lượng phương tiện gia tăng, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp, tổ chức giao thông chưa khoa học. Do đó, việc di dời bến xe là rất cần thiết.

Tuy nhiên, khi dừng hoạt động Bến xe Lương Yên, phương án phân luồng tuyến xe khách phải đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn thủ đô và phải được bố trí theo đúng khu vực, không chồng chéo, hạn chế "xuyên tâm" vào nội thành, tránh ùn tắc hoặc việc đi lại đan chéo nhau không cần thiết.

Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng nêu quan điểm tiếp tục đề nghị di dời tiếp một số bến xe khác như Mỹ Đình, Nam Thăng Long, Nước Ngầm ra khỏi địa bàn nội thành.

Đặc biệt, Hà Nội nên có tuyến đường vành đai 4 cùng với các cây cầu để các phương tiện đi qua địa bàn Hà Nội mà không cần vào trung tâm.

Việc chỉ huy, tổ chức giao thông tại các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên cũng phải như trong nội thành, bảo đảm khoa học, thông suốt.

Điều đáng nói là quy hoạch tuyến vận tải của Thủ đô đã được phê duyệt từ nhiều năm trước, được Chính phủ chấp thuận. Quy hoạch này được nghiên cứu rất khoa học và đã loại bỏ tình trạng xe chạy xuyên tâm.

Chỉ có điều, Sở Giao thông vận tải Hà Nội "quyết" không thực hiện. Vậy nên, người ta có quyền nghi ngờ về "lợi ích nhóm", có hay không sự "nâng lên đặt xuống" giữa các cán bộ sắp xếp luồng tuyến với các bến xe.

Thiên Minh