Gợi nét văn hóa nghề xưa phố cổ

11:00 | 27/07/2013

1,922 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 26/7, tại đình Kim Ngân (42-44 phố Hàng Bạc) Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức khai mạc một số hoạt động văn hoá giới thiệu các làng nghề truyền thống của người Hà Nội, tái hiện lại những nét văn hóa nghề xưa mang tên “Hàng” trên khu phố cổ Hà Nội.

Thợ thủ công của làng nghề mây tre đan Phú Vinh trình diễn sản phẩm

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, nhiều phố Hàng đã mất dần sản phẩm đặc trưng hoặc thay vào đó là các sản phẩm hoàn toàn mới để phù hợp với nhu cầu xã hội. Hầu như Hà Nội không còn phố nghề với tư cách vừa là nơi bán hàng vừa là nơi sản xuất.

Trước thực trạng nghề truyền thống đang ngày bị mai một, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức các hoạt động văn hóa giới thiệu về nghề truyền thống, nhằm gợi lại những nét văn hóa nghề xưa của những con phố mang tên “Hàng” trong khu phố cổ Hà Nội.

Hoạt động giới thiệu nghề truyền thống năm 2013 được diễn ra từ ngày 26-7 đến 30-8 tại đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) và Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.

Bức tranh "Phố cổ" được làm bằng mây tre đan làng nghề Phú Vinh 

Cụ thể, tại đình Kim Ngân sẽ trưng bày và giới thiệu sản phẩm mây tre đan làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ). Nghề mây tre đan gắn liền với hầu hết người dân Phú Vinh, với các sản phẩm đa dạng, từ thông dụng như rổ rá, túi xách… đến các sản phẩm tinh xảo như tranh, tượng, khung ảnh, khay, đĩa, lọ hoa, giường, tủ, bàn ghế…

Tại đây, người xem sẽ được gặp và giao lưu với nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người đã gắn bó với nghề hơn 40 năm qua. Ông đã tham gia và đạt được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Ông cũng là nghệ nhân có kỹ thuật cao trong cách tạo ảnh chân dung và phong cảnh bằng mây tre.

Tại đình Đồng Lạc, người xem sẽ được giới thiệu về nghề tiện và các sản phẩm của làng nghề Nhị Khê (huyện Thường Tín). Kế thừa nghề tổ, người dân Nhị Khê qua nhiều thế hệ đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo đưa nghề tiện ngày càng phát triển.

Từ những lò tiện thô sơ, thủ công (phải có 8 dụng cụ như cưa, vời, bộ quét, các loại khoan , miết, đá mài, bàn tiện, vồ) nay đã dùng cưa máy, máy dập hạt tròn, cối máy xay hạt cho nhẵn… khiến làng Nhị Khê ngày nay như một xưởng sản xuất khép kín với kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Nguyên liệu ngày nay không chỉ dừng lại ở gỗ, người thợ còn tiện cả những chất liệu được ưa chuộng như vỏ trai, đá…

Còn tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã giới thiệu tới công chúng về nghệ thuật sơn mài. Các sản phẩm trưng bày ở đây được làm theo lối truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, nghệ thuật sắp đặt, bài trí trong ngôi nhà cổ của người Hà Nội cũng được thể hiện và giới thiệu tính ứng dụng cao của nghệ thuật sơn mài đối với cuộc sống.

Các hoạt động ý nghĩa này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội. Đồng thời góp phần quảng bá cho du khách về phong tục, tập quán, nét văn hóa tín ngưỡng của người Hà Nội xưa.

Đây cũng là một trong những chuỗi sự kiện hướng tới chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của TP. Hà Nội.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhân tại hoạt động văn hóa giới thiệu làng nghề truyền thống năm 2013:

Sản phẩm mây tre đan được trưng bày tại đình Kim Ngân

Những nét đặc sắc của các sản phẩm mây tre

Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh

Sản phẩm từ nghề tiện của làng nghề Nhị Khê

Sản phẩm sơn mài được trưng bày tại hoạt động giới thiệu nghề truyền thống 2013

 

Nguyễn Hoan