Giáo viên mầm non quá khổ!

04:00 | 05/10/2013

6,881 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, giáo dục mầm non đã được coi là nền tảng của nhân cách con người, xã hội và ngành giáo dục đòi hỏi cao hơn ở đội ngũ cán bộ giáo dục mầm non nhưng nghịch lý tồn tại là các chế độ dành cho họ vẫn không thay đổi...

Năng lượng Mới số 262

Thấp và cào bằng

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), giáo viên mầm non (GVMN) dạy 6 giờ trên lớp/ngày đối với nhóm trẻ học 2 buổi và 4 giờ/ngày đối với nhóm trẻ học một buổi. Ngoài ra, GV phải thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp như soạn giáo án, làm đồ dùng… cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Tuy nhiên, một ngày của các cô giáo mầm non thường từ 6 giờ 30 - 7 giờ sáng, khởi đầu bằng vệ sinh phòng học. Tới giờ ăn sáng, mỗi cô phụ trách hơn 20 cháu, có khi đông hơn. 8 giờ 15 chuyển sang hoạt động thể dục, rồi học bài theo chương trình quy định. 10 giờ 30, các cô kê dọn bàn ghế, chuẩn bị cho bữa trưa. Nếu có trẻ nôn ói các cô phải lau sàn, vệ sinh cho trẻ, giặt giũ, ít nhất cũng 30 phút. 2 tiếng ngủ trưa của trẻ, các cô tranh thủ làm dụng cụ học tập vì gần như tất cả học phẩm trong trường mầm non đều là “cây nhà lá vườn”. 3 tiếng còn lại của buổi chiều, cô vừa phải giúp trẻ ôn lại bài học buổi sáng, vừa cho trẻ ăn bữa phụ. Sát giờ về thì chải tóc cho từng cháu, cho trẻ đi vệ sinh rồi lau chùi phòng học, dọn toilet, kê lại bàn ghế, thu gom đồ chơi. 16 giờ - 16 giờ 30 trả trẻ nhưng khá nhiều cha mẹ gần 18 giờ mới tới đón và chỉ đến khi các con đã về thì cô mới được ra về.

Công việc vất vả nhưng những chính sách và chế độ đãi ngộ cho GVMN vẫn chưa thực sự xứng đáng

Được coi là “bận như con mọn” nhưng những GVMN lại đang phải nhận mức lương “thấp kỷ lục”, trung bình trên 1,2 triệu đồng/người/tháng, thêm khoản hỗ trợ của trường khoảng 200.000-300.000 đồng nữa, GVMN khó xoay sở để lo lắng cho bản thân và gia đình. Không chỉ có vậy, nhiều GVMN còn rơi vào cảnh “mòn mỏi chờ đợi” được... nhận đủ 100% bậc lương dù cho mức lương không tương xứng với sức lao động của họ. Bởi dù có được ký hợp đồng, trong khi chờ đến đợt thi công chức, họ cũng chỉ nhận được 85% mức lương tối thiểu và không phụ cấp. Một GVMN cho biết, địa phương chỉ ký hợp đồng theo đúng thời gian 9 tháng của năm học, đồng nghĩa với việc trò nghỉ, cô treo niêu.

Đã thấp, bậc lương này lại bị “cào bằng”, người có trình độ đại học, cao đẳng đều nhận lương trung cấp. Cô Nguyễn Thị Thu Oanh (GVMN tại Hà Nội) cho biết: “Cái khác duy nhất so với trước khi thi biên chế là chúng tôi được nhận thêm 35% trợ cấp đứng lớp. Làm 10 nhưng hưởng chỉ 8, cuộc sống đã khó càng khó hơn”.

Hiện nay, trong tổng số gần 197 nghìn GVMN, số người ngoài biên chế là hơn 112 nghìn, chiếm tỷ lệ 57%. Báo cáo của các địa phương cho biết, số GV này đã được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để có mức thu nhập bằng mức lương tối thiểu, được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, mức thu nhập của GVMN ngoài biên chế khác nhau ở các địa phương.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu Quốc hội cho rằng: “Lương hoặc phụ cấp của GVMN có thể nói là thấp nhất trong toàn bộ bảng lương, phụ cấp của lao động nước ta. Theo tôi, giáo dục mầm non là vô cùng quan trọng vì phần lớn nhân cách, kỹ năng sống ở một người bình thường gần như được hình thành trong vòng 6 năm đầu tiên của cuộc đời. Vì vậy, nếu chúng ta không quan tâm, đầu tư cho giáo dục mầm non, trong đó có việc mở trường, cải cách tiền lương cho GV, khó có thể mong đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Bao giờ đỡ khổ?

Hiện nay, GVMN thiếu cả về số lượng và chất lượng. Cả nước thiếu 4.626 cán bộ quản lý và 22.811 GV đứng lớp. Một số tỉnh, thành phố thiếu hàng nghìn GV đứng lớp (Nghệ An 1.953 GV, Thái Bình 1.909 GV, Thanh Hóa 1.541 GV, Bắc Giang 1.212 GV…).

PGS.TS Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đề xuất: “Cần có chế độ rõ ràng và chế tài đủ mạnh để đãi ngộ hợp lý với GV ngoài biên chế, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Lãnh đạo các cấp chính quyền, đặc biệt là nông thôn bên cạnh công tác quy hoạch, cần có một kết cấu đầu tư thích hợp, tận dụng nguồn lực trong nhân dân để GV làm việc theo hợp đồng, dù ở cấp nào cũng được hưởng các quyền lợi như: Được trả lương theo đúng thang bảng, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như Nhà nước quy định; được hưởng định mức lao động theo quy định…”.

Về vấn đề chính sách và hỗ trợ cho GVMN, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Hiện nay, các chế độ chính sách của Nhà nước đối với GV đang làm dần nhưng khó khăn việc bình ổn giá, đảm bảo nhà giáo sống được bằng lương dù đã có sự nỗ lực chung của toàn xã hội. GV khó có ưu đãi theo Nghị định 61, đảm bảo nhà công vụ cho GV, gắn bó với trường lớp trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Hiện Công đoàn giáo dục đang làm rất tốt. Họ có quỹ hỗ trợ cho GV nghèo, miền núi. Năm nào cũng có chương trình thăm hỏi động viên, có chương trình xây dựng nhà công vụ cho GV, công đoàn tổ chức”.

Và một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non là cần có chính sách quan tâm đúng mức đến chế độ lương của GVMN để sao cho họ được trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cải thiện đời sống để GV bớt gian nan cũng là cách để hình ảnh của các cô mãi đọng lại trong tâm hồn thơ bé của những đứa trẻ ở giai đoạn đầu đời.

Khánh An