Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV

Giám sát đặc biệt dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

07:00 | 19/11/2019

1,316 lượt xem
|
(PetroTimes) - Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, nguồn vốn đầu tư lớn, liên quan đến an ninh, quốc phòng. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần giám sát đặc biệt, quản lý chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công…

Căn cứ Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25-6-2015 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, gồm: Chấp thuận hình thức đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165ha lên 1.810ha; điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha để đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng; chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ số 1 và 2 vào dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Hội đồng thẩm định chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ một số nội dung theo Nghị quyết 94 như tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính của dự án, công nghệ chính, quản lý vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù... Vì vậy, đại biểu Quốc hội thống nhất với Báo cáo thẩm tra đề nghị Quốc hội chỉ xem xét quyết định các đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ và những nội dung quan trọng của dự án. Sau khi Hội đồng thẩm định có báo cáo, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định đầu tư dự án giai đoạn 1 theo quy định của pháp luật.

Việc lựa chọn nhà đầu tư được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đa số đại biểu cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều ý kiến tán thành với việc Chính phủ có chủ trương chỉ đấu thầu trong nước, không mở thầu quốc tế với dự án này, nhằm bảo đảm an ninh quốc phòng, đồng thời phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư, phát triển.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư thực hiện 3/4 hạng mục chính của dự án. Riêng hạng mục công trình phục vụ quản lý điều hành bay được đề xuất giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Theo Tờ trình của Chính phủ, ACV là doanh nghiệp có lợi thế về kinh nghiệm đầu tư và quản lý cảng hàng không, có khả năng chủ động về vốn từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay các tổ chức tài chính quốc tế không cần Chính phủ bảo lãnh. Quan trọng hơn, việc chỉ định thầu sẽ giúp dự án tiết kiệm được thời gian 1,5 năm do không phải tổ chức đấu thầu. Như vậy, dự án sẽ sớm được khởi công, dự kiến vào năm 2021.

Ngày 12-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Để có cái nhìn đa chiều về những thuận lợi, khó khăn cũng như tìm ra giải pháp cho dự án có tầm quan trọng quốc gia này, phóng viên Báo Năng lượng Mới lược đăng một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến giải trình của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề trên tại các buổi thảo luận.

giam sat dac biet du an cang hang khong quoc te long thanh

Đại biểu Võ Văn Thưởng (Đồng Nai): Cần làm rõ cơ chế giao đất

Đề nghị cần làm rõ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Giao thông Vận tải một số vấn đề lớn như diện tích đất tăng thêm được tính vào dự án giải phóng mặt bằng hay tính vào giai đoạn 1 của dự án? Bài toán này nếu giải quyết không tốt thì tổ chức thực hiện rất khó.

Để ưu tiên giải phóng mặt bằng và coi giải phóng mặt bằng là quan trọng thì Quốc hội đồng ý tách ra thành một dự án riêng và trong dự án đó không có mấy trăm hécta tăng thêm này. Cho nên, nếu diện tích tăng thêm đưa vào dự án giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sẽ phải điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng. Nếu đưa vào giai đoạn 1 sẽ dẫn đến tình trạng triển khai sau, kéo theo chênh lệch chính sách trong thu hồi đất tại địa bàn, dù đó là đất trồng cao su nhưng vẫn có một tỷ lệ đất của người dân được giao quản lý trong thời gian qua. Như vậy, có 2 diện tích giải phóng mặt bằng với 2 chính sách khác nhau, sẽ gặp khó trong quá trình thực hiện.

Quốc lộ 51 đang quá tải, những dự án đường sắt đô thị đến năm 2040 mới có khả năng xây dựng. Ngay cả đường cao tốc TP HCM - Long Thành hiện nay đã quá tải, kẹt xe, đã thành “thấp tốc”. Do đó, giai đoạn 1 của dự án đến năm 2030 kết nối như thế nào cần phải tính toán kỹ.

Thứ hai, việc kết nối giao thông với sân bay Long Thành như Báo cáo thẩm tra đặt ra rất đúng. Bởi vì Quốc lộ 51 đang quá tải, những dự án đường sắt đô thị đến năm 2040 mới có khả năng xây dựng. Ngay cả đường cao tốc TP HCM - Long Thành hiện nay đã quá tải, kẹt xe, đã thành “thấp tốc”. Do đó, giai đoạn 1 của dự án đến năm 2030 kết nối như thế nào cần phải tính toán kỹ.

Thứ ba, cần làm rõ cơ chế giao đất đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án thuộc hạng mục 4 mà trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có nói là các dự án hợp tác đầu tư hoặc khai thác, bởi liên quan đến việc thu hồi đất của dân và sau này giao cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án như thế nào? Vì xây sân bay Long Thành nên dân di dời sớm, nhưng trong đó cũng có những dự án thuần túy kinh doanh, dù là kinh doanh phục vụ cho sân bay. Đây là vấn đề cần hết sức chú ý, làm rõ thêm.

giam sat dac biet du an cang hang khong quoc te long thanh

Đại biểu Lê Minh Khái (Bạc Liêu): Quan tâm đặc biệt đến khâu giám sát

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng, nên giao cho các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện. Tuy nhiên, công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công… Kinh nghiệm và qua thực tế thì thấy, nếu chúng ta không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi xảy ra những vụ việc, hậu quả sẽ khó lường.

Vì vậy, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án.

giam sat dac biet du an cang hang khong quoc te long thanh

Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Lai Châu): Chính phủ cần chịu trách nhiệm về tiến độ

Theo Luật Đầu tư công, Quốc hội chỉ cho chủ trương đầu tư, còn Chính phủ thực hiện. Việc giao hạng mục dự án cho ai, chỉ định thầu hay đấu thầu đều có quy định cụ thể.

Vấn đề nữa là tiến độ dự án thế nào? Cần ghi rõ bảo đảm tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng vì nếu giải phóng chậm thì giá sẽ tăng lên dẫn đến thi công sẽ chậm. Chính phủ cần chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện.

giam sat dac biet du an cang hang khong quoc te long thanh

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Nên kêu gọi các tập đoàn tư nhân tham gia đầu tư

Theo báo cáo giải trình thì ACV chỉ đáp ứng được 1/3 vốn cho dự án, còn lại phải huy động. ACV là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 95% vốn, nếu có rủi ro thì Nhà nước vẫn phải gánh, chứ không thể nói không bảo lãnh thì không có trách nhiệm gì.

Cũng chưa thể khẳng định chỉ ACV có kinh nghiệm và khả năng thu xếp vốn mới đầu tư được cảng hàng không. Xét về kinh nghiệm quản lý, điều hành cảng hàng không cũng như nguồn lực tài chính, ACV là doanh nghiệp có nhiều ưu thế vượt trội nhưng không vì thế mà nói rằng không thể tìm được nhà đầu tư tư nhân nào khác có đủ khả năng để thực hiện dự án này.

Sân bay Vân Đồn là dự án cảng hàng không đầu tiên được thực hiện với nguồn vốn hoàn toàn của tư nhân, thời gian đầu tư ngắn, tổng mức đầu tư không cao nhưng được trang bị kỹ thuật hiện đại, quy trình vận hành chuyên nghiệp. Chính phủ nên kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực, có mong muốn, nguyện vọng được cùng tham gia đầu tư sân bay Long Thành.

Chúng ta đã có rất nhiều dự án, nhiều thành công được ghi nhận chính từ những nhà đầu tư chưa từng có kinh nghiệm, chưa từng thực hiện những dự án tương tự. Dự án sân bay Vân Đồn là một ví dụ điển hình. Đó là dự án cảng hàng không đầu tiên được thực hiện với nguồn vốn hoàn toàn của tư nhân, thời gian đầu tư ngắn, tổng mức đầu tư không cao nhưng được trang bị kỹ thuật hiện đại, quy trình vận hành chuyên nghiệp. Sân bay Vân Đồn vừa được bình chọn là sân bay mới của khu vực.

Chính phủ nên kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực, có mong muốn, nguyện vọng được cùng tham gia đầu tư sân bay Long Thành. Dưới sự điều hành của Chính phủ, cầu nối dẫn dắt của ACV, sẽ thu nhận được các sáng kiến và sức mạnh đầu tư cho sân bay Long Thành.

Bên cạnh đó, cần chọn đơn vị tư vấn tốt, thiết kế thật chi tiết, chuẩn xác từ khâu khảo sát, thiết kế kỹ thuật đến khâu tính toán tổng mức đầu tư với các giải pháp kỹ thuật tốt nhất, hiện đại nhất, mang tính ổn định cao nhất cho dự án này. Chính phủ cũng cần chủ động quy hoạch để phát triển khu vực Long Thành trở thành trung tâm kết nối trong khu vực, tránh phát triển tự phát.

giam sat dac biet du an cang hang khong quoc te long thanh

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa): Giám sát chặt hoạt động vay và sử dụng vốn

Về đầu tư dự án, để thực hiện, ACV cần huy động 4,194 tỉ USD, trong đó 2,628 tỉ USD sẽ đi vay. Như vậy, theo Luật Quản lý nợ công, dự án sân bay Long Thành thuộc đối tượng bảo lãnh của Chính phủ, nên khoản vay đó phải được tính vào nợ công.

ACV là doanh nghiệp do Nhà nước chi phối, trong trường hợp huy động vốn dưới bất cứ hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay và sử dụng vốn vay của ACV, bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong thực hiện dự án. Phải thực hiện cơ chế giám sát đặc thù đối với dự án đặc biệt của quốc gia, không để mất vốn, mất uy tín, mất cán bộ như một số dự án trọng điểm trong thời gian qua. Giám sát việc lựa chọn nhà thầu theo phương thức chỉ định, không để chọn nhà thầu như một số dự án chậm tiến độ.

giam sat dac biet du an cang hang khong quoc te long thanh

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn): Chưa có con số khái toán tổng vốn đầu tư

Trong tờ trình có nói AVC có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. Tuy nhiên 8/21 cảng hàng không thu đủ chi, có lãi, 13 cảng hàng không còn lại phải bù lỗ, chưa thể đóng góp nguồn thu cho ACV trong tương lai gần.

Vốn đầu tư sân bay Long Thành trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là 16 tỉ USD, giai đoạn 1 là 4,194 tỉ USD, chưa có con số khái toán tổng vốn đầu tư cho cả 3 giai đoạn là bao nhiêu. 5 tỉ USD có thể huy động được, nhưng với 11 tỉ USD tiếp theo, khả năng như thế nào, đề nghị làm rõ hơn. Nếu không thu xếp được vốn sẽ ảnh hưởng cả công trình, ảnh hưởng đến tiến độ.

giam sat dac biet du an cang hang khong quoc te long thanh

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Tình hình tài chính của ACV tương đối tốt

Đối với những sân bay khác, như sân bay Vân Đồn hay Cần Thơ, khoảng 10 năm sau mới đạt được 1 triệu hành khách/năm. Riêng sân bay Long Thành, giai đoạn 1 đã bảo đảm được

20-25 triệu lượt hành khách và dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 85 triệu lượt hành khách mỗi năm. Tổng công suất thời điểm đó của sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 là 100 triệu lượt hành khách mỗi năm. Chính vì thế, đơn vị tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rất cao.

Hiện nay, ACV đã có khoảng 25.000 tỉ đồng chỉ để tập trung đầu tư cho sân bay Long Thành. Ngoài ra, tình hình tài chính của ACV tương đối tốt, mặc dù quản lý 21 sân bay, chỉ có 8 sân bay có lãi, nhưng sau khi trừ chi phí, nộp thuế, ACV có một khoản lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỉ đồng.

giam sat dac biet du an cang hang khong quoc te long thanh
Phối cảnh một góc Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Từ nay cho đến năm 2025, ACV sẽ chi khoảng gần 30.000 tỉ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành khoảng 37.000 tỉ đồng để có nguồn vốn chiếm khoảng 37% (khoảng 1,5 tỉ USD) vốn đầu tư sân bay Long Thành. Phần còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức tài chính trong và ngoài nước, để sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỉ USD không thế chấp.

Bộ Giao thông Vận tải cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo với Chính phủ kế hoạch từ nay cho đến năm 2025, ACV sẽ chi khoảng gần 30.000 tỉ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành khoảng 37.000 tỉ đồng để có được nguồn vốn chiếm khoảng 37% (khoảng 1,5 tỉ USD) vốn đầu tư sân bay Long Thành. Phần còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức tài chính trong và ngoài nước, để sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỉ USD không thế chấp, vì hiệu quả kinh tế của dự án rất cao.

Về tiến độ và chất lượng dự án, Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ làm việc với ACV, có cơ chế để có thể thuê các chuyên gia, các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ cho ACV và tăng cường kiểm tra, giám sát để chất lượng của các hạng mục công trình tốt nhất. Về tiến độ, liên quan đến việc giao thầu, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và nhận được sự đồng tình rất cao là cần phải nhanh chóng chọn được nhà đầu tư, bởi có nhà đầu tư thì mới bắt đầu làm hồ sơ thiết kế và triển khai các bước tiếp theo. Do đó, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để cố gắng nhanh nhất có được nhà đầu tư và có thể khởi công xây dựng sân bay Long Thành trong năm 2021.

Đức Minh