Giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc

06:00 | 07/06/2014

1,518 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, do đó nền kinh tế có sự lệ thuộc nhất định vào thị trường này. Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta, đặt ra những thách thức trên mặt trận kinh tế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nhận ra rằng, đây là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực sản xuất, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Năng lượng Mới số 328

Cán cân thương mại bất ổn!

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,32 tỉ USD, chủ yếu xuất nông sản và nguyên liệu thô; nhập khẩu từ Trung Quốc 36,96 tỉ USD, chủ yếu là nguyên liệu thành phẩm và các phụ liệu ngành dệt may, da giày. Trong 5 tháng đầu năm 2014, xu hướng nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng.

Các chuyên gia nhìn nhận: Với cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc về gia công xuất khẩu, chúng ta thực chất đang xuất khẩu giùm nước này, phần giá trị gia tăng doanh nghiệp tạo ra rất ít ỏi. Cụ thể, năm 2013 Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may đạt 17,95 tỉ USD nhưng phải nhập tới 14,81 tỉ USD nguyên liệu, trong đó nhập từ Trung Quốc chiếm 5,56 tỉ USD. Tương tự, sản phẩm điện thoại, linh kiện xuất khẩu được 21,24 tỉ USD năm 2013 nhưng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu là 8 tỉ USD, trong đó nhập từ Trung Quốc 5,7 tỉ USD.

Nhập siêu từ Trung Quốc luôn cao hơn mức trung bình nhập siêu của cả nước và đang tăng nhanh. Nếu năm 2002 nhập siêu từ Trung Quốc chỉ mới 1 tỉ USD thì đến nay sau hơn 10 năm mức nhập siêu đã lên đến trên 20 tỉ USD. Do đó, dù giá trị xuất siêu với các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật... liên tục tăng trong những năm qua nhưng vẫn không đủ để bù đắp thâm hụt thương mại với thị trường Trung Quốc. Ngay cả năm 2013 chúng ta tự hào xuất siêu 863 triệu USD, có đến 16 thị trường chúng ta xuất siêu đạt trên 1 tỉ USD, trong đó Mỹ là thị trường mà nước ta đạt thặng dư thương mại lớn nhất 18,64 tỉ USD. Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đứng thứ 2 với 3,81 tỉ USD. Tiếp đến là Anh 3,13 tỉ USD... Tuy nhiên, do nhập siêu từ Trung Quốc, đến 23,7 tỉ USD nên đã “nuốt” gần như toàn bộ thành tích xuất siêu từ các thị trường khác.

Không chỉ bán hàng hộ, chúng ta còn tiêu thụ công nghệ cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2013, ta nhập máy móc, phụ tùng, nguyên phụ liệu chiếm trên 28% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc. Riêng 3 tháng đầu năm nay nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc là 1,58 tỉ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Trong những năm gần đây, thương lái Trung Quốc còn vào nước ta mua đủ thứ như: mầm cây thảo quả, lá khoai lang, móng trâu, rễ hồ tiêu... Và cũng không ít lần thương lái Trung Quốc thao túng thị trường tạo nên những cơn sốt giá: tôm, ớt, xoài, khoai lang... đợi người dân nuôi nhiều, trồng nhiều rồi đột ngột ngừng mua làm các mặt hàng này rớt giá thê thảm. Rõ ràng những việc này là có ý đồ kinh tế thực sự.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đánh giá: Cán cân thương mại giữa ta và Trung Quốc chênh lệch rất lớn và có thể nhận thấy rõ ràng sự bất ổn trong xuất nhập khẩu với thị trường này. Nếu cứ xuất thô như hiện nay thì rất bấp bênh. Chúng ta cần xem xét điều chỉnh, giảm dần xuất khẩu tài nguyên thô và hướng đến chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám trong sản phẩm xuất khẩu.

Doanh nghiệp ngành nhựa hướng đến nhập khẩu nguyên liệu từ các nước Asean

Kết nối doanh nghiệp trong nước

Hiện nay, các doanh nghiệp đang làm ăn với Trung Quốc cũng đặt ra nhiều kịch bản để ứng phó nếu tình huống xấu nhất xảy ra. Phần lớn doanh nghiệp ý thức việc chuyển đổi đầu tư theo chiều sâu để có sản phẩm tốt, chủ động nguồn nguyên liệu và tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế từ nhiều thị trường khác.

Doanh nghiệp sản xuất nhựa cũng đã lên kế hoạch chủ động tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường mới thay thế cho thị trường Trung Quốc khi mà có đến 80% nguyên liệu của ngành là nhập khẩu. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết: Do thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN bằng 0 nên các doanh nghiệp nhựa đã tăng cường nhập khẩu nguyên liệu trong khu vực, nhất là từ Singapore. Ngoài ra, sự cạnh tranh trong lĩnh vực nhựa và nguyên liệu nhựa khá gay gắt nên nguồn cung dồi dào. Các doanh nghiệp tùy theo chiến lược, nhu cầu của mình mà lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu dựa trên tiêu chí chất lượng và giá cả, hoàn toàn không phụ thuộc nhất định vào một thị trường nào. Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn nhất là giá rẻ nhưng đó không còn là ưu tiên hàng đầu để doanh nghiệp lựa chọn. Hiện nguyên liệu nhựa của Trung Quốc nhập về Việt Nam đang phải chịu thuế trung bình 5%, cao hơn các nước ASEAN nên đây chính là cơ hội để doanh nghiệp trong nước hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, việc xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước ASEAN hiện đang rất thuận lợi, doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các nước ASEAN rồi từ các nước này xuất sang những thị trường khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhận thấy rằng, hiện nay có nhiều nguyên phụ liệu trong nước đã sản xuất được nhưng doanh nghiệp không biết đến, cứ theo thói quen nhập từ nước ngoài về. Dẫn đến tình trạng nguyên phụ liệu của ta phải xuất đi nước ngoài còn doanh nghiệp trong nước lại nhập ngược nguyên phụ liệu từ nước ngoài về để gia công, sản xuất. Do đó, cần có thông tin thị trường để kết nối doanh nghiệp trong nước lại với nhau nhằm tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp. Với thực trạng này, chị Hồng Anh, Công ty sơn Châu Anh Gia đưa ra sáng kiến, kết nối doanh nghiệp thông qua một website “made in vietnam.vn”. Trên website này các doanh nghiệp trong nước sẽ đăng ký thông tin doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của mình... để dễ dàng cho các doanh nghiệp tìm kiếm và kết nối với nhau. Đây cũng sẽ là cầu nối để các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM tin tưởng rằng: “Mỗi lần Trung Quốc có biến động lớn đối với Việt Nam thì Việt Nam lại càng mạnh lên. Cách đây khoảng 10 năm hoa Trung Quốc vào TP HCM và đánh bật hoa Đà Lạt, khi đó một cành hoa từ Trung Quốc vào Việt Nam bán ra thị trường với giá chỉ 500 đồng. Nhưng qua trận đó thì ngành hoa Đà Lạt bừng lại và đến nay hoa Trung Quốc không thể cạnh tranh với hoa Đà Lạt. Tương tự, khi các sản phẩm như tỏi, khoai tây Trung Quốc vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thì sau đó nhà sản xuất Việt Nam cũng bừng tỉnh và tìm thấy thế mạnh của mình để vượt qua khó khăn... Do đó, tôi tin tưởng rằng, người Việt Nam chúng ta sẽ sống cạnh bên Trung Quốc mà hùng mạnh”.

Rõ ràng, những thách thức về kinh tế càng làm cho các doanh nghiệp trong nước đoàn kết và ý thức hơn việc nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng hàng hóa để ổn định sản xuất và đứng vững trên thị trường, giảm phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Từ thực tế này chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào khả năng ứng phó của doanh nghiệp để vượt qua thách thức, vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn.

Mai Phương