Giá khí đốt tăng kỷ lục làm chậm đầu tư LNG ở châu Á và thúc đẩy xuất khẩu ở Mỹ

07:00 | 08/10/2021

472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters ngày 7/10 đưa tin, một số nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới đang phải giảm các đơn đặt hàng do giá LNG tăng 500% trong vòng một năm, làm dấy lên lo ngại giữa các nhà sản xuất LNG lớn về khả năng đứt gãy nhu cầu trong dài hạn.

Các khách hàng mua LNG, bao gồm nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á, đang cố gắng kìm hãm mức giá đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một tháng qua, trong khi một số nhà xuất khẩu LNG ở Bắc Mỹ căng mình thúc đẩy năng lực xuất khẩu mặc dù nhiều dự án đầu tư phải vài năm nữa mới đi vào hoạt động.

Giá khí đốt tăng kỷ lục làm chậm đầu tư LNG ở châu Á và thúc đẩy xuất khẩu ở Mỹ
Giá khí đốt tăng kỷ lục làm chậm đầu tư LNG ở châu Á và thúc đẩy xuất khẩu ở Mỹ. Ảnh: AFP/Getty Images.

Giá khí đốt tăng cao làm chậm lại các dự án đầu tư LNG ở châu Á

Khí tự nhiên được coi là nhiên liệu hóa thạch dễ chấp nhận hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan khi cố gắng giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, giá khí đốt tự nhiên tăng cao đang khiến các nhà cung cấp điện quay trở lại sử dụng than và dầu nhiên liệu. Việc tăng giá này cũng khiến cho các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về các khoản đầu tư LNG mới ở Đông Nam Á, nơi được cho sẽ là trung tâm tăng trưởng nhu cầu LNG. Châu Á chiếm 70% tổng lượng LNG nhập khẩu toàn cầu, phần lớn là các hợp đồng dài hạn có liên quan đến dầu mỏ. Các quốc gia Nam Á là Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, chiếm 20% lượng LNG nhập khẩu của châu Á, mua LNG giao ngay với giá cao hơn nhiều, hiện đang ở mức cao kỷ lục trên 50 USD/mmBtu (triệu đơn vị nhiệt của Anh). Các chuyên gia đưa ra cảnh báo đối với các nhà phát triển ở Đông Nam Á là kế hoạch xây dựng các thiết bị đầu cuối tái cấp khí hóa LNG mới có thể bị trì hoãn do giá LNG tăng cao cùng với việc ngân sách chính phủ bị dàn trải bởi các chi tiêu tốn kém phòng chống đại dịch Covid-19.

Những nhà nhập khẩu mới phải chịu rất nhiều áp lực để giải trình việc ký hợp đồng LNG với mức giá cao hiện nay, do vậy tiến độ đàm phán mua LNG đã chậm lại hơn so với năm trước. Phó Chủ tịch Wood Mackenzie Valery Chow cho biết những nhà nhập khẩu LNG mới ở châu Á bị ảnh hưởng bởi biến động giá nhiều hơn so với các nhà nhập khẩu đã có tên tuổi. Các hóa đơn nhập khẩu LNG tăng cao gây căng thẳng nghiêm trọng cho ngân sách quốc gia. Bangladesh và Pakistan đã tìm cách chuyển từ sử dụng khí đốt sang các lựa chọn thay thế có chi phí thấp hơn như nhiên liệu dầu, để sản xuất điện. Bangladesh đã cắt giảm nhập khẩu LNG, tổng lượng nhập khẩu LNG trong tháng 9 đã giảm 33% so với tháng trước. Nước này cũng đang xem xét gia hạn hợp đồng thuê 5 nhà máy nhiệt điện và tăng nhập khẩu dầu nhiên liệu. Pakistan đã hủy bỏ các gói thầu LNG trong 2 tháng qua. Các nước mua LNG lâu đời là Ấn Độ và Trung Quốc cũng có dấu hiệu sụt giảm nhu cầu. Nhập khẩu LNG vào Ấn Độ đã giảm 4,2% trong cả tháng 9 so với cùng kỳ năm 2020. Tại Trung Quốc, các nhà nhập khẩu khí đốt cấp hai đang giảm lượng mua giao ngay. Hàn Quốc, nhà nhập khẩu lớn thứ ba của châu Á, đối diện với một tình hình "hỗn loạn".

Giá khí đốt tăng kỷ lục làm chậm đầu tư LNG ở châu Á và thúc đẩy xuất khẩu ở Mỹ
Qatar là nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới và sẽ tăng sản lượng 40%. Ảnh: Reuters/Stringer.

Bên lề một hội nghị trực tuyến về LNG ở Nhật Bản, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho rằng tình hình thị trường hiện tại là không lành mạnh. Qatar là nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới và họ sẽ tăng sản lượng khoảng 40% lên đến 110 triệu tấn mỗi năm vào năm 2026. Nếu tình hình LNG tăng giá cao như hiện nay kéo dài, người mua có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm nhu cầu.

Đầu tư xuất khẩu LNG của Mỹ

Đối với các nhà điều hành xuất khẩu lớn của Mỹ, việc tăng giá lúc ban đầu đã được hoan nghênh. Tuy nhiên, sự biến động lớn về giá cả khiến việc ký thêm các hợp đồng dài hạn trở nên khó khăn hơn và các nhà xuất khẩu lại càng thất vọng khi biết rằng họ chỉ có thể tăng thêm năng lực xuất khẩu trong năm tới.

Giám đốc thương mại của Cheniere Energy Inc, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất tại Mỹ cho biết các nhà xuất khẩu không thích mức giá thấp và cố định ở khắp mọi nơi trên thế giới 2 USD/mmBtu từ một năm trước nhưng cũng không hẳn là muốn mức giá quá cao như hiện nay. Điều này cho thấy thị trường đã không được đầu tư tốt trong suốt một chu kỳ. Tuy nhiên, việc giá khí đốt ở Mỹ thấp hơn hẳn so với giá toàn cầu là một điều tốt cho công ty. Cheniere sẽ sớm quyết định mở rộng thêm tại nhà máy xuất khẩu Corpus Christi LNG của họ ở Texas. Giá khí đốt chuẩn hiện nay ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 7 năm, nhưng mức 6 USD/mmBtu thấp hơn rất nhiều so với mức giá của châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ chỉ có khả năng biến 10,5 tỷ feet khối khí mỗi ngày (bcfd) thành LNG, chỉ bằng 10% lượng khí đốt mà nước này rút ra khỏi kho lưu giữ dưới mặt đất. Các thị trường toàn cầu sẽ phải đợi đến cuối năm nay để nhận được nhiều hơn LNG từ Mỹ.

Thị trường toàn cầu cũng sẽ phải chờ đợi lâu hơn nữa để có thêm các dự án LNG mới của Mỹ và Canada. Công ty Tellurian có trụ sở tại Houston, đã ký 3 thỏa thuận dài hạn bán LNG cho các đơn vị của Royal Dutch Shell PLC, Vitol SA và Gunvor Group, dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất LNG sớm nhất vào cuối năm 2025. Tại British Columbia, LNG Canada dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động năm 2025. Nhiều dự án đã bị đình trệ trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020 do giá LNG liên tục xuống thấp./.

Thanh Bình