Giá dầu xuống mức âm: Khi thế giới không còn chỗ chứa

19:24 | 21/04/2020

1,915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc giá dầu thô trên sàn giao dịch Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử xuống mức âm là dấu hiệu cho thấy thế giới không còn chỗ chứa nguyên liệu này khi nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do đại dịch Covid-19.

Giá dầu xuống mức âm: Khi thế giới không còn chỗ chứa

Giá dầu giao tháng 5 đã rơi xuống mức -37,63 USD/thùng trong ngày 20/4 (Đồ họa: New York Times)

Giá dầu âm: Người bán phải trả tiền cho người mua

Theo Reuters, chốt phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn giao dịch New York xuống -37,63 USD/thùng, điều chưa từng có trong lịch sử thị trường năng lượng thế giới.

Nhu cầu dầu thô giảm mạnh, và dù Ả rập Xê út, Nga, Mỹ và các nước khác đã cắt giảm sản xuất, thế giới đang hết chỗ để chứa lượng dầu mà các cơ sở sản xuất bơm thêm - khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày. Đầu năm 2020, giá dầu ở mức 60 USD/ thùng, nhưng đến cuối tuần trước giảm chỉ còn 20 USD/ thùng.

Giá dầu ở mức âm nghĩa là người bán phải trả tiền cho người mua lấy dầu vì giá đã giảm sâu. Điều này một phần do cách thức giao dịch trên thị trường kỳ hạn.

Các hợp đồng tương lai yêu cầu người mua nhận dầu thô vào tháng 5/2020 sẽ được chốt trong 24h (ngày 21/4 giờ Mỹ), và không ai còn muốn nhận dầu vào tháng tới bởi vì họ đã không còn chỗ chứa nữa.

Thường thì mức dao động giữa giá dầu cho tháng tới và tháng sau đó nữa chỉ chênh lệch rất nhỏ. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm qua, lượng dầu được cam kết sẽ giao trong tháng 5, giảm về âm trong khi các hợp đồng giao trong tháng 6/2020 vẫn đang được giao dịch với giá 22 USD/ thùng (giảm 16% trong ngày). Mức giá dầu giao tháng 6/2020 được cho là phản ảnh đúng góc nhìn của thị trường về giá trị của dầu thô hơn.

“Sự chênh lệch này cho thấy thị trường đang trải qua căng thẳng cực độ. Đó là một dấu hiệu của việc rất mất cân bằng giữa cung và cầu trên thực tế”, đối tác sáng lập của công ty nghiên cứu Kayrros Antoine Halff nhận định.

Việc dầu thô tại Mỹ giảm từ 50 USD/thùng xuống dưới - 30 USD, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử dầu thô thế giới, đã nhấn mạnh sự xáo trộn mà nền công nghiệp này gặp phải trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới.

Các nhà máy lọc dầu không còn sẵn sàng tiếp nhận dầu thô để sản xuất thành xăng, dầu diesel hay các sản phẩm khác vì hiện tại có quá ít người di chuyển bằng xe hay máy bay, và thương mại quốc tế đang đang bị đình trệ. Dầu đã được lưu trữ trên xà lan và trong bất kỳ góc nào tại các công ty. Trong tình hình hiện nay, các công ty kinh doanh dầu sẽ hoạt động tốt hơn nếu đang sở hữu nhiều tàu chứa dầu.

Thế giới sắp không còn chỗ chứa dầu

New York Times dẫn lời các nhà nghiên cứu năng lượng cho biết, thế giới ước tính có khả năng lưu trữ 6,8 tỷ thùng dầu, và khoảng 60% số đó đã được sử dụng.

Tại trung tâm lưu trữ dầu Cushing, ở Oklahoma (Mỹ), hiện đang chứa gần 60 triệu thùng dầu và chỉ có thể nhận thêm 21 triệu thùng nữa, tương đương với số lượng dầu cung cấp cho ngành sản xuất tại Mỹ trong chưa đầy 2 ngày. Trước đó, trung tâm này thường chỉ chứa tới chưa đầy 40 triệu thùng dầu vào hồi tháng 2.

Các kho chứa trên biển Caribbean và Nam Phi cũng gần đầy, trong khi tại Angola, Brazil và Nigeria có thể sẽ không còn chỗ chứa dầu thô chỉ trong vài ngày nữa.

Trong cuộc họp báo hôm qua 20/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ đang “tìm cách để lưu trữ ít nhất 75 triệu thùng dầu” trong Kho Dự trữ Dầu khí chiến lược (SPR), vốn được thành lập sau lệnh cấm dầu 1973-1974 và được sử dụng như một vùng đệm trong các cuộc khủng hoảng năng lượng.

SPR đang chứa 635 triệu thùng dầu và còn có thể chứa thêm 75 triệu thùng nữa. Tuy nhiên, kho này chỉ có thể nhận thêm dầu với tốc độ giới hạn, khoảng 500.000 thùng dầu mỗi ngày.

Đóng giếng dầu không đơn giản

Giá dầu xuống mức âm: Khi thế giới không còn chỗ chứa
Việc đóng các giếng dầu không hề đơn giản và rất tốn kém. (Ảnh: Getty)

New York Times cho hay, sẽ không đơn giản để giải quyết vấn đề mà nền công nghiệp dầu thế giới đang gặp phải khi dầu dư thừa. Để đóng một giếng dầu rất tốn kém và để mở lại thậm chí còn tốn kém hơn. Tạm dừng hoạt động của các giếng dầu và tái khởi động chúng sau khi nhu cầu quay trở lại có thể đòi hỏi cực kỳ nhiều thiết bị và nhân lực. Nhiều giếng dầu thường không phục hồi lại mức sản xuất trước đó.

Ngoài ra, với các nước như Ả rập Xê út và Nga vốn có nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ, việc cắt giảm sản xuất dầu chỉ có thể là hành động miễn cưỡng tạm thời.

Một số công ty dầu mỏ đang tiếp tục bơm dầu dù thua lỗ, chỉ để trả được các khoản lãi suất tiền vay và tiếp tục hoạt động.

New York Times cho biết các công ty Mỹ sản xuất dầu đã giảm khối lượng sản xuất nhưng vẫn không đủ nhanh. Với tốc độ hiện nay, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm xuống dưới 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, so với 13,3 triệu thùng/ ngày hồi cuối năm 2019.

Việc cắt giảm sản lượng có thể sẽ giúp bình ổn thị trường, nhưng có thể mất tới nhiều tháng. Các hợp đồng dầu giao tháng 5/2021 hôm qua được định giá 35 USD/ thùng, dự báo thị trường dầu thô sẽ phải mất thời gian rất dài để đạt tới mức giá trước cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Từ đầu năm đến nay, nhiều công ty Mỹ đã thông báo các khoản lỗ lớn và các chuyên gia cảnh báo các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí tại nước này có thể phải đệ đơn phá sản trong các tháng tới. Rõ ràng là hoàn cảnh khó khăn của ngành công nghiệp dầu mỏ đang buộc các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới xem xét can thiệp mạnh mẽ hơn.

Theo Dân trí