Gà, ếch và người

08:30 | 23/09/2012

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Trong “Văn học - phê bình và nhận diện”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã cho rằng, Giáo sư Trần Ngọc Thêm không đúng khi chú thích trong cuốn sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” rằng: “Ếch tháng ba, gà tháng bảy. Ếch tháng mười, người tháng giêng. Tháng ba và tháng mười là mùa gặt (chiêm và mùa), lúa chín rụng nhiều nên ếch béo”.

Mùa gặt lúa chiêm là tháng năm âm lịch ai cũng biết, chỉ riêng Trần Ngọc Thêm cho mùa gặt chiêm vào tháng ba âm lịch, là tháng giáp hạt, tháng của các nạn đói như tháng ba Ất Dậu 1945.

Tục ngữ có câu: “Tháng tám đói qua, tháng ba đói chết”. Chính vì cho tháng ba là mùa gặt chiêm, nên tác giả lầm tưởng là ếch ăn nhiều lúa nên béo. Sự thật là tháng ba ếch rất gầy, vì nó vừa ngủ đông thức dậy, đã lao ngay vào mùa sinh sản.

Xin ông vui lòng giải thích giúp tôi nghĩa đúng của câu: “Ếch tháng ba, gà tháng bảy. Ếch tháng mười, người tháng giêng”. Cảm ơn ông.

Phạm Xuân Vinh (Q.2, TP HCM)

An Chi: Trước nhất, xin nói rằng, “Ếch tháng ba, gà tháng bảy” và “Ếch tháng mười, người tháng giêng” là hai câu tục ngữ độc lập chứ không làm thành một đơn vị duy nhất. Mỗi câu có hai vế; mỗi vế có ba tiếng.

Về cách hiểu trên đây của GS Trần Ngọc Thêm, nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương cũng đã nhận xét:

“Ví dụ: Ếch tháng ba, gà tháng bảy. Đây là câu chê bai cửa miệng của đông đảo người Việt sành sỏi về nghệ thuật ẩm thực. Vậy mà một giáo trình về văn hóa học Việt Nam phổ biến rộng khắp ở nước ta lại ngang nhiên cho rằng, đây là hai món ăn khoái khẩu của nhiều người! Chắc tác giả giáo trình đó quên rằng, trong tâm thức dân ta, THÁNG BA và THÁNG BẢY là thời kỳ giáp hạt, những tháng mà ngay cả con người cũng còn lay lắt vì thiếu ăn, huống hồ là GÀ và ẾCH. Nói cách khác, vào thời kỳ này, hai giống vật vốn cho thịt rất ngon đó chỉ còn có da với xương thì làm sao có thể trở thành những món ăn khoái khẩu được?”. (“Sao không đưa tục ngữ vào dạy ở bậc tiểu học?” ViệtBáo.vn, 10/8/2004).

Chúng tôi thực sự đồng ý với bạn và nhà ngữ học Nguyễn Dức Dương: tháng ba âm lịch là tháng giáp hạt, tháng của nạn đói. Đúng như bạn nói, tục ngữ có câu “Tháng bảy đói qua, tháng ba đói chết”. Ngoài ra, còn có “Tháng ba đói hoa con mắt”, “Tháng bảy chưa qua, tháng ba đã tới”, “Tháng bảy trông ra, tháng ba trông vào”.

Nhưng dù có “đói qua” hay “đói chết” thì nạn giáp hạt tháng ba cũng chẳng có liên quan gần xa gì với đời sống của con ếch cả. Lý do rất đơn giản: nó không ăn lúa. Ếch là động vật ăn thịt (carnivore): nó ăn sâu bọ, ốc, cua, v.v... Ếch xanh ở Nam Mỹ còn xơi tái cả rắn nữa ấy chứ. Chính vì vậy nên chúng tôi đồng ý với bạn rằng, sở dĩ tháng ba mà ếch gầy là vì vừa thức dậy sau giấc ngủ đông, nó đã lao ngay vào mùa sinh sản. Mùa sinh sản của ếch thường từ tháng ba đến tháng bảy âm lịch, như đã được nêu rõ trên nhiều nguồn khác nhau: http://www.vietlinh.vn, http://niemtin.free.fr, http://nhanong.com.vn, http://www.hoinongdanhungyen.org.vn, http://www.haiduongdost.gov.vn, v.v…

Trở lên là nói về “ếch tháng ba” nhưng cũng đã có chi tiết liên quan đến vế “gà tháng bảy”. Tháng bảy (và cả tháng tám) là thời kỳ giáp hạt thứ hai trong năm, thóc mùa trước (vụ chiêm) đã cạn mà thóc mùa sau (vụ mùa) thì chưa thu hoạch. Nhà nông ngày xưa tuy nuôi gà để cho chúng tự bới tìm cái ăn nhưng hằng ngày vẫn có nắm thóc rải ra sân để “bồi dưỡng” cho chúng. Nhưng đến tháng ba ngày tám, người còn thiếu hoặc không có thóc (để xay thành gạo) mà ăn; có đâu tới gà? Thế thì chúng làm sao “có da có thịt” cho được?

Vậy “ếch tháng ba, gà tháng bảy” có hàm nghĩa là “không nên ăn ếch vào tháng ba và gà vào tháng bảy, vì đây là thời gian những con vật này gầy ốm nên không ngon thịt”.

Còn “ếch tháng mười, người tháng giêng” thì sao? Tháng mười nói chung là tháng mà ếch đã kết thúc mùa sinh sản (từ tháng 3 đến tháng 7, như đã nói), lại có thời gian đi kiếm mồi để dự trữ cho giấc ngủ đông sắp tới. Nói chung thì chúng thường no mồi vì trong mùa mưa trước đó, côn trùng sinh sôi nảy nở, cua, ốc cũng dồi dào hơn là trong mùa khô đang tới. Vì vậy cho nên chúng béo tốt hơn. Còn tháng giêng, dù là đối với nhà nông, lại là tháng ăn chơi, nhàn nhã:

Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai,
trồng cà
Tháng ba thì đậu đã già
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô

…………………………................................

Trong tháng ăn chơi đó thì nói chung nam, phụ, lão, ấu đều ăn mặc tươi tắn, tươm tất hơn ngày thường; cái ăn cái uống nói chung cũng mặn mà hơn ngày thường nên người người đều trông ưa nhìn hơn.

Đó là cơ sở cho sự ra đời của câu “ếch tháng mười, người tháng giêng”, với hàm nghĩa là “tháng mười thì loài ếch béo tốt còn tháng giêng thì con người đẹp mã” (hơn so với những tháng ngày khác trong năm).

A.C