EU tìm tiếng nói chung cho việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch

14:49 | 17/10/2023

311 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hôm 16/10, các Bộ trưởng Môi trường EU nhóm họp tại Luxembourg cố gắng đạt được một thỏa thuận chung cho Liên minh châu Âu (EU) ở Hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu, trong bối cảnh có sự không đồng quan điểm về vai trò của công nghệ hấp thụ carbon với mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
EU tìm tiếng nói chung cho việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Đối thoại khí hậu Petersberg do Đức tổ chức tại Berlin hồi tháng 5/2023

Nhiệm vụ đàm phán này cần phải được thống nhất và sẽ do Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU, ông Wopke Hoekstra - người Hà Lan đảm nhiệm thay mặt cho 27 quốc gia tiến hành tại Dubai từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tới.

Brussels dự định hỗ trợ tăng gấp 3 lần tốc độ triển khai năng lượng tái tạo trên toàn thế giới vào năm 2030 và tăng gấp đôi hiệu suất năng lượng trong cùng giai đoạn, phù hợp với lộ trình của Chủ tịch của COP28.

Các nước châu Âu với những kết luận được thông qua vào cuối tháng 3, đã đặt ra mục tiêu: "Trước năm 2050, loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch không thể kiểm soát - nghĩa là chúng không được kết hợp với các thiết bị hấp thụ hoặc lưu trữ carbon".

Vấn đề này sẽ là một trong những chủ đề quan trọng được tranh cãi kịch liệt tại Dubai, và việc hoàn thành nhiệm vụ này của châu Âu đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trong 27 quốc gia.

Đồng ý với các tổ chức phi chính phủ, một số quốc gia muốn loại bỏ cụm từ "không thể kiểm soát" hoặc đặt các ràng buộc nghiêm ngặt đối với việc sử dụng công nghệ hấp thụ carbon - nhằm ngăn chặn việc chúng được sử dụng làm cái cớ để tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch.

Không có biện pháp khác

Ông Wopke Hoekstra lập luận khi đến Luxembourg dự họp: "Rất khó giảm lượng khí thải đối với một số lĩnh vực nhất định, những công nghệ này nhất thiết phải là một phần của giải pháp, việc này không thể thoát khỏi nhu cầu giảm lượng khí thải ở mọi nơi".

Mặt khác, Thụy Điển và Hà Lan đã thể hiện sự phản đối mạnh.

"Các công nghệ này tuy lý thú, nhưng chúng không thể một mình đảm bảo giải quyết phần lớn lượng khí thải: chúng ta phải để dành nó cho những lĩnh vực mà chúng ta không thể khử carbon bằng cách khác, nhưng không áp đặt cho nó một vai trò mà nó không có khả năng đảm nhận", bà Agnès Pannier-Runacher, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp cảnh báo vào hôm 16/10.

Bà nhấn mạnh: “Thách thức là phải có một nhiệm vụ để chúng tôi có vị thế vững chắc khi bắt đầu đàm phán tạo ra các yếu tố cụ thể nhằm giảm lượng khí thải trong lĩnh vực dầu mỏ, than đá, tài chính”.

Điều này được đồng tình bởi Bộ trưởng Môi trường Áo Leonore Gewessler vào ngày thứ Hai (16/10) trước cuộc họp: "Chúng ta sẽ cần những công nghệ này trong các lĩnh vực mà khí thải trong sản xuất là không thể tránh khỏi, chẳng hạn như ngành sản xuất xi măng. Nhưng không có sự thay thế cho việc từ bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, điều đó phải được nói một cách rõ ràng".

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cũng nói hôm thứ Hai: "Các công nghệ này, giới hạn trong một số ngành cũng có thể là một cách để tiếp tục đảm bảo an ninh năng lượng và giá cả hợp lý cho tất cả mọi người".

Trong mọi trường hợp, việc đảm bảo cam kết toàn cầu về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại COP28 “sẽ cực kỳ khó khăn”, ông Wopke Hoekstra nhận xét, theo ông "đó là một phương trình với hơn 190 bên tham gia, nhưng không có lựa chọn khác".

Các khoản trợ cấp không có lợi

Một chủ đề khác sẽ được tranh luận ở Dubai, đó là có nên duy trì mục tiêu giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính ở EU vào năm 2030 so với năm 1990 hay bảo vệ mức giảm 57% mà họ thực tế phải đạt được dựa trên các chính sách đã được thông qua?

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic phát biểu vào ngày thứ Hai: "57%, đó sẽ là một thông báo tuyệt vời tại COP, rõ ràng rằng châu Âu đang dẫn đầu về vấn đề biến đổi khí hậu".

"Điều này không nên tranh cãi. Nếu chúng ta cộng các biện pháp đã thực hiện, chúng ta sẽ đạt được ước tính mức giảm khoảng 57%. Đây không phải là vấn đề mở lại văn bản luật, mà là kết luận đơn giản thực tế về những gì sắp xảy ra", bà Teresa Ribera lưu ý.

27 nước châu Âu cũng sẽ thảo luận về thời gian biểu khả thi cho việc chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới, cũng là một đề tài có các quan điểm trái chiều.

Bà Jennifer Morgan, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, kiêm Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Đức nhấn mạnh: "EU muốn chấm dứt các khoản trợ cấp có hại cho môi trường. Chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ để có một hạn chót".

Cuối cùng, các nước châu Âu sẽ thảo luận về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” được tạo ra tại COP27 để dành cho việc hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất: COP28 sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận về cách hoạt động và tài chính cho quỹ này.

Vào đầu tháng 10, trước Nghị viện châu Âu, ông Wopke Hoekstra đã thúc đẩy ý tưởng về các nguồn tài nguyên riêng có thể hỗ trợ quỹ, bằng cách đề cập đến việc áp đặt thuế quốc tế trên dầu hỏa hoặc vận tải biển, hoặc sử dụng doanh thu từ thị trường carbon.

Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm phần lớn cơ cấu điện toàn cầuNhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm phần lớn cơ cấu điện toàn cầu
OPEC nâng dự báo nhu cầu dầu trong dài hạnOPEC nâng dự báo nhu cầu dầu trong dài hạn
Ngành than đối mặt với nguy cơ mất 1 triệu việc làm do quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầuNgành than đối mặt với nguy cơ mất 1 triệu việc làm do quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu

Nh.Thạch

AFP