Duy trì sự sống cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

10:28 | 13/05/2020

891 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục nghìn doanh nghiệp (DN) đối mặt với tình trạng doanh thu, lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, có thể phá sản. TS Nguyễn Trí Hiếu đã trao đổi với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới về những giải pháp giúp DN vượt qua khủng hoảng.    

PV: Chính phủ đang có các gói tài chính hỗ trợ cho DN gặp khó khăn do dịch bệnh. Ông đánh giá thế nào về tác dụng của gói hỗ trợ này với “sức khỏe” DN?

duy tri su song cho doanh nghiep nho va vua
TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu: Ngay từ ngày đầu tháng 3-2020, nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền mà các DN đang gặp phải khi dịch Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Hiện Chính phủ đang triển khai khoảng 4 gói hỗ trợ lớn tới DN và người dân, tổng cộng khoảng 550.000 tỉ đồng, chiếm 8% GDP, rất lớn.

Về tín dụng, vào đầu tháng 3, Chính phủ thông báo có gói tín dụng 250.000 tỉ đồng của các ngân hàng thương mại (NHTM) để hỗ trợ các DN. Sau đó ít lâu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, gói tín dụng đã nâng lên 285.000 tỉ đồng khi có thêm nhiều NHTM muốn tham gia. Đến ngày 17-4, số tiền các NHTM đăng ký tham gia đã lên đến 600.000 tỉ đồng.

Với quy mô 600.000 tỉ đồng, liệu DN nào sẽ được vay trong gói tín dụng này? Tôi nghĩ, các NHTM ngoài việc đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ cũng phải thông báo những tiêu chí để xác định đối tượng được hỗ trợ và NHNN phải phổ biến những thông tin đó để mọi người biết được ai sẽ được hưởng gói hỗ trợ này.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất khó khăn khi tìm đến NHTM để được hỗ trợ. Mỗi ngày tôi nhận được điện thoại của các DN nhỏ và vừa kêu ca rằng, họ đến hỏi NHTM nhưng nhiều NHTM nói rằng chưa có hướng dẫn, đang chờ hướng dẫn hoặc chưa thể cho vay vì nhiều DN có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng những điều kiện về năng lực tài chính và tài sản bảo đảm.

Về gói hỗ trợ tài khóa 180.000 tỉ đồng do Bộ Tài chính đưa ra, từ đầu tháng 3, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 897/TCT-QLN với nội dung gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chắc chắn sẽ giúp nhiều DN khi được hoãn nộp thuế và giảm thuế. Nhưng với DN không có thu nhập và lợi nhuận thì gói này không có ý nghĩa. Đặc biệt, trong bối cảnh các DN nhỏ và vừa đang lao đao, nếu bệnh dịch tiếp tục kéo dài, nhiều DN sẽ đóng cửa, gói hỗ trợ càng không có ý nghĩa.

PV: Vậy theo ông, giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhất đối với DN là gì?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Số liệu từ VCCI cho thấy đã có 35.000 DN đóng cửa chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020. Con số này có thể hiện đã tăng gấp đôi. Tôi nghĩ, tình hình cứ như thế này thì bao nhiêu DN nhỏ và vừa sẽ lao đao, khốn khó? Gói hỗ trợ nào cho những DN đó? Có lẽ Chính phủ cần một gói hỗ trợ riêng cho các DN nhỏ và vừa, phải ở mức độ ít nhất 2% GDP, tới khoảng 150.000 tỉ đồng.

duy tri su song cho doanh nghiep nho va vua
Giải pháp nào giúp doanh nghiệp vượt khó?

Chính phủ có thể đưa tiền đến tận tay các DN nhỏ và vừa để cứu họ thoát hiểm bằng nhiều cách. Một trong những cách đó là có thể cho DN vay qua cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện chúng ta có quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ đó bảo lãnh cho các NHTM, nếu cho vay mà DN không trả được thì quỹ bồi thường cho NHTM.

Chính phủ chưa phải bỏ ra đồng nào để cho các DN vay, trừ một ngân khoản Chính phủ phải bỏ ra để bổ sung vốn điều lệ, đúng hơn là vốn tự có của quỹ bảo lãnh tín dụng và chỉ khi nào bồi thường thì Chính phủ mới phải bỏ tiền ngân sách ra bồi thường cho NHTM nếu DN không trả được nợ. Vậy hãy dùng quỹ bảo lãnh tín dụng đó, dùng uy tín của Chính phủ bảo lãnh cho các NHTM và các NHTM dùng tiền của mình để cho các DN nhỏ và vừa vay.

Tôi đề nghị điều kiện vay và thời hạn vay cũng phải được nới lỏng với thời gian vay lên đến khoảng 4 năm và ân hạn 1 năm cả gốc và lãi để khi nền kinh tế hồi phục rồi sẽ bắt đầu chương trình trả nợ cho 3 năm sau đó.

Các DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN của Việt Nam. Nếu để các DN đó rời bỏ thị trường, sụp đổ, phá sản, đến khi chúng ta qua khỏi dịch bệnh, cần vực dậy nền kinh tế thì lực lượng quan trọng đó đã mất rồi. Hãy giúp và duy trì sự sống cho DN nhỏ và vừa!

Không thể dựa quá nhiều vào NHTM vì NHTM kinh doanh với nguyên tắc lợi nhuận và bảo toàn vốn cho vay. Các NHTM không làm công tác từ thiện, cho vay như bố thí và cho vay dưới giá vốn - lãi suất huy động. Lãi suất huy động hiện 7-8%/năm, NHTM không thể cho vay dưới mức đó, không thể lỗ được. Khi lỗ, NHTM có thể bị thị trường và pháp luật trừng phạt, đừng nói trách nhiệm với xã hội.

duy tri su song cho doanh nghiep nho va vua
Người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp

PV: Hiện một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tổn thất kinh tế do dịch bệnh. Vậy theo ông, Chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ nào cho những DN này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Dịch bệnh đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu trong những ngày này có lúc xuống ở mức âm, khiến nhiều DN dầu khí phá sản và đứng trước nguy cơ phá sản, nhiều nước đang tìm các biện pháp để cứu ngành công nghiệp dầu khí... Ngành Dầu khí Việt Nam cũng đang gặp khó khăn “kép” do giá dầu giảm sâu và dịch bệnh. Trong bối cảnh này, Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm công bằng giữa các DN, bao gồm cả các DN lớn và DN nhỏ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Các DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN của Việt Nam. Nếu để các DN đó rời bỏ thị trường, sụp đổ, phá sản, đến khi chúng ta qua khỏi dịch bệnh, cần vực dậy nền kinh tế thì lực lượng quan trọng đó đã mất rồi. Hãy giúp và duy trì sự sống cho DN nhỏ và vừa!

Minh Loan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc