Đương tỏ dần góc khuất một gia tộc (Kỳ 5)

06:00 | 31/03/2013

1,695 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có không ít tư liệu lẫn sự đồn thổi về cái chết của nhà văn hóa Phạm Quỳnh rằng, ông bị cách mạng xử án tử hình (!?). Có hẳn cả một phiên tòa! Ngay cuốn Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX, mục về Phạm Quỳnh (1892-1945) cũng có một dòng: “Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 chính quyền nhân dân khép án tử hình!”

>> Đương tỏ dần góc khuất một gia tộc (Kỳ 4)

Ghi chép của Xuân Ba - (NLM số 208)

Ông Phạm Quỳnh: Có lẽ ngay giữa bữa tiệc này tôi thấy có rất nhiều lập trường tranh đấu chống lại chủ thuyết mà tôi vẫn hoài bão quân chủ lập hiến. Nói đến quân chủ thì phần đông tỏ vẻ lo sợ chế độ chuyên chế. Nhưng xin đồng bào trương mắt nhìn hai nước Anh và Nhật. Với nền quân chủ, họ đã văn minh tột bậc và dân chủ còn hơn các nền dân chủ cộng hòa khác nhiều lắm. Họ có thể đứng vào hàng đàn anh trên toàn cầu. Đây tôi chủ trương là quân chủ lập hiến. Vua chẳng còn quyền hành gì trong tay mà chuyên chế được. Vua chỉ là người đứng lên thừa hành bản hiến pháp mà chính nhân dân toàn quốc được triệu tập dự thảo và quyết định. Như thế chúng ta có một chế độ trường cửu do ý dân tự tạo cho mình. Chớ như chế độ cộng hòa hay dân chủ thì sợ mỗi khi, sau 4 năm có thay đổi tổng thống thì thay đổi tất cả làm cho guồng máy hành chánh trong nước phải bị xáo trộn trầm trọng.

Từ ngày tôi sáng lập Tạp chí Nam Phong đến nay, tôi có nhiều dịp đi đó đây tiếp xúc với rất đông đồng bào ba kỳ thì phần đông mà xin quả quyết là đại đa số đều nhiệt liệt tán thành chế độ quân chủ lập hiến. Người Nam cũng niềm nở hưởng ứng vì họ thấy đó là đường lối duy nhất để thống nhất lãnh thổ và dân tộc từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan.

Ông Phạm Quỳnh vừa dứt lời thì tôi ngó qua ông kỹ sư Cao Văn Sến. Biết đến phiên biện giải, ông Sến tiếp lời ngay để nói đường lối đấu tranh của mình: Thú thật tôi tiêm nhiễm sâu sắc văn hóa Pháp và cũng nhận thấy văn hóa này có thể giúp dân tộc ta tiến lên đài văn minh, tiến bộ như mọi dân tộc khác trên hoàn cầu. Tôi thấy họ văn minh thật sự về mọi mặt. Nhưng từ ngày tôi ở đây, luôn chống đối Chính phủ Đông Dương vì tôi nhận thấy cũng là người Pháp văn minh ấy mà mỗi khi bước chân xuống tàu qua Đông Dương thì bắt đầu có trong khối óc họ những chủ trương thực dân hà chánh tàn khốc mà tôi không thể chấp nhận được cho đồng bào cả ba kỳ, mặc dầu ở Nam Kỳ dân khí đã tiến bộ khá mạnh, người Pháp đã chẳng dám ăn hiếp như ở hai kỳ kia. Vì thế, tôi nhờ tài liệu nước nhà mà anh em thủy thủ hàng hải thường vui lòng cung cấp cho tôi dùng làm hào để chống đối chế độ thực dân ở Đông Dương. Tôi thành thực mà thưa rằng, tôi chưa có một chủ thuyết rành mạch như 4 ông vừa giải thích rành mạch. Tôi chỉ có thái độ chống bọn thực dân xấu xa, bỉ ổi.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Ông Cao Văn Sến được cử tọa nhiệt liệt hoan hô vì ông khiêm nhượng không dám đưa ra một chủ thuyết gì mới mà chỉ nói lên lời nói chân thành của con tim người dân yêu nước, yêu đồng bào.

Nhận thấy năm diễn giả đã nói lên lập trường của mình và ai cũng biện minh chủ thuyết của mình là hay, là đúng. Tôi muốn tìm cách dung hòa, đúc kết làm sao mà sau khi về nhà ai nấy cũng sẽ có một hệ thống gì để lại sau lưng chúng ta, khả dĩ tiếp tục tranh đấu đến thắng lợi. Lời nói thì hay, nhưng để như vậy ra về thì thiếu thống nhất cho đường lối đấu tranh về tương lai.

Tôi khẩn khoản xin Quý Cụ là bậc tiền bối nên thảo ngay một kế hoạch hay hệ thống nào để làm việc cho hiệu quả về sau.

Anh Quốc bảo ngay: “Thì chú nói ngay ý kiến chú ra”. Tôi tiếp lời: “Cũng như anh đã trả lời cho cụ Phan mấy hôm trước đây, tôi muốn nghe ngóng tất cả để sau này áp dụng một chủ nghĩa thực tiễn lấy văn hóa Việt Nam làm gốc. Có thế mới hợp với tình hình dân tộc Việt Nam”. Hành động gì bây giờ là thất bại ngay mà cũng như cụ Phan Tây Hồ đã trịnh trọng cảnh cáo:

Vô bạo động, bạo động tắc tử. Vô vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu. Dự hữu nhất ngôn dĩ cáo ngô đồng bào. Viết: Bất như “Học’’. (Không bạo động, bạo động tất chết. Không cầu viện bên ngoại vì cầu viện là ngu. Chỉ có câu này xin bố cáo cùng đồng bào. Câu ấy là Học!).

Anh Quốc nói lớn: “Thưa cụ Tây Hồ, nếu cụ qua làm Toàn quyền Đông Dương, thay mặt thực dân thì cũng nói thế thôi. Bó tay mà chịu lầm than được sao? Không được!”.

Tôi sợ anh Quốc đi quá trớn, đứng lên thưa ôn hòa: “Tôi xin anh suy nghĩ về lời khuyên của cụ Phan. Nếu chúng ta khôn khéo thì bất chiến tự nhiên thành”.

Anh Quốc cau mày: “Lại thêm chú này nữa kìa...”. Nhưng tôi lại được dịp kịch liệt bác bỏ và bênh vực chủ thuyết của cụ Tây Hồ: “Tôi có được đọc và rất chú ý đến mấy lời kết luận của một bài diễn văn của Tổng trưởng Thuộc địa Albert Sarraut vừa đọc tại Trường Cao học Thuộc địa như thế này:

Chúng ta nên thành thực khai hóa thuộc địa mênh mông của chúng ta khắp năm châu. Biết đâu một ngày nào đó chẳng xa, sau khi được khai hóa và tiến bộ đến mức, các dân tộc này sẽ trỗi dậy, dũng mãnh như làn sóng thôi hậu (vagues de ressac: sic) và sẽ là sức mạnh vô biên cho toàn thể Liên Hiệp Pháp với dân số trăm triệu”. Xin anh Quốc hiểu cho, đó là thâm ý của tôi khi nói mấy chữ bất chiến tự nhiên thành. Nhưng chúng ta phải nghe lời tiền bối như cụ Phan Tây Hồ. Hãy bắt đầu Học và hăng hái Học.

Anh Quốc không chịu và nói: “Chớ nghe bọn ru ngủ chúng ta mà bỏ lỡ công cuộc tranh đấu cho Tổ quốc, ngồi chờ làn sóng thôi hậu thì ngớ ngẩn quá, chớ nghe chúng phỉnh nịnh”.

Tôi không chịu nhượng bộ mà vội vã tiếp: “Xin anh Quốc quay lại lịch sử nhân loại mà suy ngẫm câu nói chí lý của nhà văn hào La Mã Horace gần hai nghìn năm nay như thế này:

Hy Lạp bại trận dưới gót giày xâm lăng của La Mã bị văn hóa La Mã tràn ngập. Nhưng Hy Lạp đã khôn khéo tiêu hóa nền văn minh kia để bồi dưỡng văn hóa truyền thống của mình, mà rồi nhờ đó chiến thắng lại kẻ đã đánh bại mình trước kia và đem văn hóa phối hợp của mình đi chinh phục và khai hóa lại La Mã. Xin anh Quốc nên suy ngẫm rằng, bánh xe lịch sử sẽ tiếp tục lăn và đến ngày dân tộc Việt Nam ùa theo làn sóng thôi hậu mà vùng dậy thì cũng chẳng có sức mạnh nào mà ngăn nổi.

Tôi đặt nhiều hy vọng vào tương lai dân tộc Việt Nam vì sức mạnh vô biên của văn hóa Việt Nam có những bí quyết tồn chủng mà dân tộc khác không nghĩ đến.

Cử tọa nghe tôi biện bạch là cứ ôn hòa chờ đợi thời cơ thuận tiện để tranh đấu.

Thấy anh Quốc không chịu phục, tôi nói thêm, lịch sử Trung Hoa Hán Sở tranh hùng mà nhấn mạnh rằng: Cái thắng lợi cuối cùng không thuộc về kẻ mạnh mà kẻ yếu biết khôn khéo dùng thế và cơ để thắng cuộc! Lúc ấy ai mạnh cho bằng Hạng Võ, ai yếu cho bằng Lưu Bang? Nhưng Lưu Bang rút lui về Hán Quốc là nơi khỉ ho có gáy để tìm kỳ được cho cái thế rồi sau khi ngồi trên thế sẽ dùng đến cơ mà đánh bẹp Hạng Võ phải tự ải ở Ô Giang! Làm chính trị phải suy luận chín chắn bài học của lịch sử và tôi khẩn khoản xin anh nghe lời cụ Phan Tây Hồ.

Di bút của Phạm Quỳnh

Tôi ngỏ lời cùng ông Đức, cảm kích các vị đã đến dự bữa tiệc.

Trước khi chia tay, tôi còn thưa cùng quý khách đôi lời: Bất cứ chánh sách gì cho Tổ quốc Việt Nam ngày mai mà không dựa vào nền tảng văn hóa và văn hiến ngàn xưa của dân tộc sẽ bị thảm bại. Vì dân ta đã thâm căn cố đế tiêm nhiễm sâu sắc với những tập quán cha truyền, con nối bằng một tinh thần cố hữu đã được đơm hoa kết quả tốt đẹp qua bao cuộc thăng trầm.

Phần đông các vị hôm ấy đều có xe. Nhiều người đổ xô ra mời cụ Phan và anh Quốc lên xe để họ đưa về. Nhưng anh Quốc rỉ tai cùng tôi bảo: “Chú đưa mình về, vì mình không muốn ai biết cái nghèo của mình”.

Cuộc gặp với nhà văn Sơn Tùng khiến tôi có thêm một tư liệu nữa. Nhà văn đã kể cho tôi nghe những lần nhà văn, trước và sau năm 1975 có gặp cụ Đào Nhật Vinh và Bùi Dị. Cụ Đào Nhật Vinh và Bùi Dị (sau này còn có tên là Bùi Lâm. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Bùi Lâm được Bác cho vào làm việc trong Bắc Bộ phủ và sau này từng giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao). Cụ Đào Nhật Vinh và Bùi Lâm đã từng gặp Bác Hồ hồi Nguyễn Tất Thành còn làm trên các chuyến tàu biển đi đến châu Mỹ và được Nguyễn Tất Thành dạy chữ quốc ngữ. Sau này Đào Nhật Vinh và Bùi Lâm ở Pháp thường hay đến nhà số 6 Ville des Gobel gặp Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc.

Ông Bùi Lâm kể lại lần đó, ông Chu Đình Xương và ông Lê Giản (hai yếu nhân của nha Công an Bắc Bộ) đưa bản án đề nghị xử lý Ngô Đình Diệm và Phạm Quỳnh thì Cụ Hồ đã bác! Ông Bùi Lâm ỷ thế là chỗ thân tình chạy vào phản đối: Anh nhân đạo kiểu gì vậy? Sao anh lại tha những tên có nợ máu với nhân dân? Cụ Hồ liền nghiêm sắc mặt: Đây là văn phòng Chủ tịch nước chớ không phải là sàn tàu đâu mà chú sồn sồn như vậy? Không thể đem chuyện cũ ra mà làm án mới... Tôi quyết định như vậy là đúng.

Khi ông Tôn Quang Phiệt từ Huế ra gặp Cụ Hồ và hốt hoảng báo cái tin “Phạm Quỳnh bị xử mất rồi...” thì Cụ Hồ ngồi lặng người một lúc lâu... Sau khi biết được nguyên nhân ngớ ngẩn dẫn đến cái chết của Phạm Quỳnh (sẽ đề cập dưới đây) thì Cụ nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được lợi ích gì?... Tôi đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp... Đó không phải là người xấu!”.

Cái chết của Phạm Quỳnh

Có không ít tư liệu lẫn sự đồn thổi về cái chết của nhà văn hóa Phạm Quỳnh rằng, ông bị cách mạng xử án tử hình (!?). Có hẳn cả một phiên tòa! Ngay cuốn Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX, mục về Phạm Quỳnh (1892-1945) cũng có một dòng: “Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 chính quyền nhân dân khép án tử hình!”

...Tôi may mắn có vài chuyến đi công tác với nhà sử học Văn Tạo. Ở tuổi bát tuần mà nhà sử học cao niên nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam vẫn liên miên những chuyến đi điền dã khắp đất nước, tìm tòi, thu thập tư liệu để phục vụ cho công tác nghiên cứu của mình. Tình cờ, tôi được biết giáo sư cùng quê với nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Một lần, tôi đã hỏi giáo sư về cái chết của Phạm Quỳnh. Giáo sư đã kể lại câu chuyện dưới đây:

...Cách đây gần 10 năm, khi còn là huyện Cẩm Bình (Cẩm Giàng, Bình Giang họp lại) tôi được huyện ủy mời về thăm và làm việc trong một tuần lễ. Sau khi đi thực tế về, huyện ủy có hỏi tôi: “Nay trong các xã của huyện đang quy hoạch lại cơ sở hạ tầng để nâng cao kinh tế, phát triển văn hóa, vậy đối với Lương Đường các di tích họ Phạm, nhất là gia đình họ Phạm Quỳnh nên như thế nào?’’.

Tôi nói sử học chúng tôi trọng công minh, lịch sử vốn là thuộc tính của ngành khoa học, vì có công minh lịch sử mới có công bằng xã hội. Xét về nhà trí thức Phạm Quỳnh ở tỉnh ta thì mọi lịch sử vẫn nên bảo tồn. Thực tế ông ra làm quan trong thời bĩ thì dẫu chúng ta không mê tín vào phong thủy “Mộ Trạch quan thiên hạ an. Lương Đường sĩ, thiên hạ bi” thì cũng khách quan thấy được rằng, sinh thời của ông là lúc phong kiến đi xuống đất nước bị thực dân nô dịch khiến chính vua Bảo Đại, người dùng Phạm Quỳnh làm Ngự tiền văn phòng cũng than rằng, mình cũng chỉ là ông vua bù nhìn. Khi thoái vị còn nói: “Làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

Phạm Quỳnh với danh nghĩa là văn phòng thì làm sao tránh khỏi phải thực thi mệnh lệnh của triều đình. Còn xét về hành động thì Phạm Quỳnh không có hành vi nào tàn ác với nhân dân, không đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân như nhiều quan lại thời Nguyễn, không ra lệnh bắt bớ tù đầy các nhà yêu nước và cộng sản như Vi Văn Định chẳng hạn.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên (đứng đầu, trái) thời gian về tiếp quản thủ đô

Phạm Quỳnh đã ra làm chủ bút báo Nam Phong do trùm mật thám Đông Dương (inspecteur des affaires politiques de lIndochine) Louis Marty chủ trì. Với chức danh đó, ông có thể có vài sai lầm làm hại đến quyền lợi dân tộc. Nhưng mặt khác, ông lại có công chuyển tải văn hóa Đông - Tây trên văn đàn báo giới Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm cho ngôn ngữ văn hóa dân tộc Việt Nam thời đầu thế kỷ XX, công lao đó đáng được ghi nhận. Về đóng góp của Phạm Quỳnh thì đến nay không ít nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã ghi lại lời Phạm Quỳnh nhân kỷ niệm Nguyễn Du (Nam Phong năm 1919): “Truyện Kiều còn! Tiếng ta còn! Tiếng ta còn, nước Nam còn!”. Coi đó là lời nói có ý nghĩa tích cực đáng ghi nhận!

Gần đây vẫn có người cho rằng, vì ông phản động nên Việt Minh đã thủ tiêu ông? Với những tài liệu mà tôi có được thì thấy thực không hẳn là thế! Năm 1945 khi Bảo Đại vừa thoái vị, trao ấn kiếm cho chính phủ lâm thời thì có tin Pháp thả dù biệt kích và gián điệp xuống vùng ngoại vi thành phố Huế mang theo chỉ thị của Chính phủ Đờ Gôn là phải tiếp xúc cho kỳ được Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh?! Lúc đó Bảo Đại đã được đưa ra Thanh Hóa còn Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh vẫn ở Huế nên có lệnh cấp tốc di dời hai vị này ra khỏi cố đô, đề phòng những chuyện bất trắc không hay sau này.

Chuyến di dời này có 4 người là Ngô Đình Khôi, anh ruột Ngô Đình Diệm. Phạm Quỳnh và con trai Ngô Đình Khôi cùng Nguyễn Tiến Lãng, con rể Phạm Quỳnh. Nhưng phương tiện lúc ấy dời đi chỉ có một cái xe ọc ạch chỉ đưa được 3 người là Phạm Quỳnh và cha con Ngô Đình Khôi cùng nhóm du kích áp tải. Nguyễn Tiến Lãng phải ở lại đi bằng phương tiện khác. Chẳng may nhóm du kích áp tải đến một quãng rừng cách xa Huế thì nghe tiếng tàu bay Pháp ầm ì ở trên đầu, tưởng đâu như tiếng máy bay thả biệt kích nên các bố du kích nhà ta hoảng quá, thần hồn nát thần tính, sợ không hoàn thành trách nhiệm di dời nên đã tự động thủ tiêu cả 3 người mà không chờ chỉ thị của cấp trên!

(Cũng có một chi tiết nữa, cần phải được kiểm chứng kỹ, có người cho rằng, trong số người đi áp tải chuyến di dời đó có thân nhân gia đình Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người có mối hiềm từ lâu với Phạm Quỳnh nên đã lợi dụng việc này mà giải quyết ân oán?!).

Sự việc diễn ra như vậy thuộc về cái ngẫu nhiên lịch sử, tuy có phản ánh cái tất yếu nhưng cái tất yếu chưa nhận thức được đầy đủ. Nó cũng đã để lại những dấu ấn tiêu cực trong các mối quan hệ nhân quả, không lường trước được. Cụ thể, trong cuộc gặp gỡ với đồng chí Vũ Ngọc Nhạ (một anh hùng tình báo của ta vừa qua đời) tại cuộc hội thảo khoa học do Viện Bảo tàng chứng tích chiến tranh vào cuối năm 2001, tôi đã được nghe Vũ Ngọc Nhạ cho biết: “Có lần Ngô Đình Diệm đã bộc lộ lòng kính trọng Cụ Hồ nhưng lại nói, tôi không thể đi với Việt Minh được, vì nếu vậy thì tôi biết ăn nói gì với gia đình tôi về việc Việt Minh đã giết anh ruột tôi?”.

Thế đấy, một sự kiện lịch sử nếu được làm sáng tỏ cũng có thể có ích cho mối quan hệ giữa những người có liên quan, nhất là những nhân vật có trọng trách với quốc gia.

Cũng như vậy, sự kiện về Phạm Quỳnh qua đời nay vẫn còn chưa được làm rõ. Ngày 4-10-2002, nhân gặp đồng chí Cù Huy Cận, một trong ba người tước ấn tín của Bảo Đại sau Cách mạng Tháng Tám ở cuộc nghiệm thu một công trình khoa học tại Hạ Long, tôi hỏi về cái chết của Phạm Quỳnh thì đồng chí Cù Huy Cận nói: “Chính tôi đã được Bác Hồ giao cho việc đi đón bà Phạm Quỳnh và con gái xin vào gặp Bác Hồ để minh oan. Vừa tới nơi, Bác đã ân cần hỏi thăm sức khỏe và nói ngay với bà Phạm Quỳnh: “Bà ơi! Đã lỡ mất rồi...”. Bác còn dặn dò là bà Phạm cố gắng dạy dỗ con cháu, tích cực làm việc cho dân cho nước”. Các con cháu bà cho đến nay đã thực hiện được lời khuyên của Bác như các ông Phạm Khuê, Phạm Tuyên...

Một tư liệu nữa.

Năm 1945 Bác gặp đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ để chỉ thị về việc thả Ngô Đình Diệm. Bác còn nói thêm, nếu cụ Phạm (tức Phạm Quỳnh) còn thì nay chúng ta cũng mời cụ ra giúp nước! Không rõ tư liệu chính xác tới mức nào nhưng qua mấy sự kiện trên, ta có thể thấy cái ngẫu nhiên lịch sử nên vẫn cần được làm sáng tỏ.

 Kết thúc cuộc trao đổi, Giáo sư Văn Tạo nói thêm, đối với quê hương Hải Dương chúng tôi, nên làm rõ được sự kiện lịch sử này thì cũng có lợi cho việc thực hiện tính công minh lịch sử, nhằm đảm bảo tính công bằng xã hội đúng với mục tiêu Đảng đề ra, dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Tôi chợt nhớ cái thở dài của nhà văn Sơn Tùng rằng, cái lầm lỗi tai hại của tốp tự vệ nông nổi trong những ngày mùa thu tháng Tám ấy đã vô tình làm mất đi một nhà văn hóa lớn. Ta nhớ lại Cách mạng Pháp năm 1789 đã vô tình làm mất nhà bác học danh tiếng Lavoisier của nước Pháp. Nhưng công bằng mà nói rằng, nước Pháp mất một Lavoisier còn có nhiều nhà bác học khác nối công trình nghiên cứu của Lavoisier, còn nước Việt Nam mất đi ông chủ bút Nam Phong, một nhà báo, nhà văn kiêm học giả, một nhà văn hóa lớn mà thời gian nửa thế kỷ chưa lấp đầy khoảng trống trên diễn đàn ngôn luận và văn học!

(Xem tiếp kỳ sau)

X.B

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps