Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long:

“Đường dây 500kV Bắc - Nam là một dấu son lịch sử”

07:00 | 25/05/2014

1,420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân dịp hành hương kỷ niệm 20 năm đóng điện và vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có dịp trò chuyện cùng Giáo sư - Viện sĩ (GS-VS) Trần Đình Long về công trình đường dây 500kV lịch sử này.

Năng lượng Mới số 323

PV: Trong giai đoạn 1990-1995, với điện năng dư thừa tại miền Bắc, trong khi đó miền Trung và miền Nam thiếu điện nghiêm trọng. Vì vậy, Chính phủ đã đặt ra các giải pháp: Xuất khẩu điện sang Trung Quốc, xây dựng nhà máy nhiệt điện tại miền Trung, miền Nam, hoặc xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc Nam. Theo giáo sư, đâu là lý do cốt lõi để Chính phủ đi đến quyết định lịch sử là trình Bộ Chính trị thông qua đề án xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1?

GS-VS Trần Đình Long: Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, nếu chúng ta bán điện cho Trung Quốc, một thời gian sau, nhu cầu tiêu thụ điện trong nước tăng lên, lượng điện năng bán ra sẽ giảm dần. Khi đó những dự án đầu tư chuyển điện từ Hòa Bình sang Trung Quốc sẽ trở nên bất lợi. Từ đó sẽ gây nên những ảnh hưởng xấu đến tình hình quan hệ kinh tế, thương mại giữa 2 nước. Còn nếu muốn xây dựng nhà máy nhiệt điện ở miền Trung, miền Nam thì nhà máy buộc phải đạt được công suất thiết kế tương tự như đường dây 500kV vào miền Nam là 500MW. Như vậy cần phải bỏ ra số vốn đầu tư thiết kế và xây dựng lên đến gần 500 triệu USD, bằng với số vốn đầu tư cho công trình 500kV, trong khi thời gian xây dựng bắt buộc phải kéo dài hơn. Từ khâu lập luận chứng, đấu thầu thiết bị cho đến khi đưa được nhà máy điện vào hoạt động cũng phải mất từ 3 năm rưỡi đến 4 năm. Còn khoảng thời gian Chính phủ dự định xây dựng đường dây 500kV chỉ ở mức 2 năm. Bên cạnh đó, hằng năm chúng ta còn phải tiêu tốn một khối lượng lớn nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện hoạt động, từ đó chi phí vận hành sẽ nhân lên nhiều lần. Chính vì vậy, quyết định xây dựng đường dây 500kV của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ là một quyết định vô cùng sáng suốt và đến ngày hôm nay thực tế cũng đã chứng minh điều đó.

Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long

PV: Giáo sư có thể phân tích ý nghĩa khoa học công nghệ và những đổi mới mà chúng ta đạt được khi áp dụng công nghệ truyền tải điện năng đi xa vào Việt Nam, từ mô hình thiết kế sơ đồ, vận hành tụ bù dọc - kháng bù ngang đến chế độ vận hành ổn định của hệ thống?

GS-VS Trần Đình Long: Công trình tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Trung - Nam thực sự là một cột mốc lịch sử trong ngành truyền tải điện Việt Nam nói riêng và của cả ngành điện lực Việt Nam nói chung. Lưới điện 500kV đi vào vận hành đã kéo theo nhiều thành tựu khác cực kỳ quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam. Ngành truyền tải điện Việt Nam sau cột mốc này cũng phát triển mạnh mẽ. Chúng ta bước sang một cấp điện áp mới mà trước đây chưa từng có tại Việt Nam. Các thiết bị, cách thức vận hành và những vấn đề liên quan đến mạng lưới siêu cao áp này là hoàn toàn mới, vì vậy rất nhiều kỹ thuật mới trong ngành truyền tải điện đi xa được áp dụng lần đầu tiên cho cấp điện áp này.

Ví dụ như vấn đề phân đoạn đường dây sao cho hợp lý. Tại sao đường dây lại chia ra làm 4 đoạn với 5 trạm: Hòa Bình - Hà Tĩnh, Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Pleiku, Pleiku - Phú Lâm. Tất cả đều đã được các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ để đường dây có thể tải được 500MW điện vào đến TP HCM. Một thành tựu kỹ thuật khác chúng ta đạt được là giải quyết được vấn đề 1/4 bước sóng. Công trình bị vướng vào khoảng dao động bởi 1/4 bước sóng của dòng điện. Nếu không khắc phục được lỗi này, điện áp sẽ tăng ở cuối nguồn, nên đường dây không vận hành được. Trong kỳ họp Quốc hội lúc bấy giờ, có rất nhiều ý kiến phản bác dựa trên lý thuyết này. Tuy nhiên, tôi đã khẳng định với Thủ tướng là hoàn toàn có thể xử lý được bằng cách đặt tụ bù dọc, kháng bù ngang ở các trạm biến áp 500kV. Các tụ bù dọc, kháng bù ngang này có tác dụng nâng cao năng lực truyền tải của đường dây và giữ thông số của đường dây trong giới hạn cho phép.Từ đó, điện áp đầu nguồn và cuối nguồn sẽ tương đương và hoàn toàn không còn lý do để lo ngại về bước sóng.

Bên cạnh đó, việc đưa vào xây dựng và vận hành hệ thống cáp quang cũng là một thành tựu khoa học kỹ thuật mới tiếp nối theo sự ra đời của đường dây 500kV. Lần đầu tiên chúng ta xây dựng một trục cáp quang có thể nói là mạnh nhất Việt Nam đi theo đường dây tải điện 500kV này. Đây là tiền đề để hợp nhất việc điều khiển hệ thống, cũng như hình thành cơ sở công nghệ thông tin phục vụ cho việc vận hành hệ thống điện một cách thông suốt. Bên cạnh đó, 2 yêu cầu của thủ tướng đề ra đối với công trình 500kV mạch 1, ngoài tiến độ xây dựng còn phải đảm bảo chất lượng kỹ thuật của công trình. Để đáp ứng yêu cầu này, việc ứng dụng các thiết bị kỹ thuật số lúc bấy giờ là rất cần thiết. Và đó cũng là lần đầu tiên chúng ta áp dụng các thiết bị kỹ thuật số vào phục vụ cho hệ thống bảo vệ chống sự cố và hệ thống tự động hóa cho công trình đường dây 500kV.

PV: Giáo sư có thể cho biết thêm về những hỗ trợ kỹ thuật mà chúng ta nhận được từ phía bạn bè quốc tế, từ khâu thiết kế, thi công cho đến vận hành chuỗi công nghệ truyền tải với 22 trạm biến áp 500kV này?

GS-VS Trần Đình Long: Khi chúng ta làm công trình này đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của bạn bè quốc tế. Tôi lấy ví dụ như Nga và Ukraina lúc bấy giờ đã giúp chúng ta đưa ra nhiều phương án kỹ thuật mới. Các nhà sản xuất thiết bị điện lớn nhất thế giới như Astom, Schneider của Pháp, Siemens của Đức, ABB của Thụy Sỹ, các nhà thầu của Nhật, Hàn Quốc, các nhà tư vấn thiết kế của Úc, Canada đều đã rất nhiệt tình tham gia hỗ trợ cho công trình này. Còn để chuẩn bị cho công tác vận hành đường dây, bản thân Việt Nam cũng đã tiến hành một số công tác chuẩn bị mà tôi cho là tốt. Ví dụ như chúng ta đã tổ chức các lớp huấn luyện, mời các chuyên gia nước ngoài đến để nâng cao kiến thức cho những kỹ sư sẽ tham gia vận hành đường dây sau này. Đồng thời tổ chức nhiều khóa tập huấn ở Úc, Bỉ… để kỹ sư của ta có thể học hỏi được những kinh nghiệm vận hành từ các quốc gia lớn trên thế giới.

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1

Ngoài ra, trước khi đường dây đi vào vận hành, ngoài dựa trên cơ sở tính toán của các chuyên gia Việt Nam, chúng ta vẫn cần có sự thẩm định của các chuyên gia quốc tế. Vì vậy, với sự trợ giúp của Hydro-Québec, một công ty điện lực lớn của Canada, chúng ta đã làm một thử nghiệm mô phỏng sự vận hành của đường dây 500kV. Và kết quả mô phỏng đã chứng minh được rằng tất cả những tính toán kỹ thuật của ta đều phù hợp.

Có thể nói một cách khách quan rằng, mặc dù chúng ta là những người chịu trách nhiệm chính xây dựng nên toàn bộ công trình lịch sử này, nhưng những đóng góp, giúp đỡ của bạn bè quốc tế vẫn đóng một vai trò rất to lớn và quan trọng.

PV: Theo giáo sư đâu là những khó khăn, trở ngại lớn nhất trong quá trình thi công xây dựng hệ thống đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1?

GS-VS Trần Đình Long: Về khó khăn trong quá trình thi công xây dựng hệ thống đường dây 500kV thì có rất nhiều điều cần nói. Nhưng cái khó khăn đầu tiên và cũng là lớn nhất có lẽ là ngay từ đầu, công trình này đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều nhau, dường như không thể thống nhất. Từ vấn đề kỹ thuật cho đến ý nghĩa kinh tế, xã hội của đường dây đều không ngừng bị đem ra tranh cãi. Từ những nhà khoa học nghiên cứu kỹ thuật, các cơ quan quản lý khoa học, các chuyên gia điện lực cả trong lẫn ngoài nước đến các vị lãnh đạo cao cấp cũng có hàng trăm ngàn ý kiến trái ngược nhau. Nhưng qua những khó khăn này, chúng ta mới càng thấy được sự kiên quyết trong sách lược chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ là vô cùng đúng đắn và sáng suốt. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo toàn bộ quá trình thiết kế, xây dựng công trình này bằng một tầm nhìn rộng lớn, giúp chúng ta giải quyết mọi vướng mắt và thực hiện xong công trình đúng theo thời hạn được giao.

PV: Với một công trình có quy mô rất lớn như vậy nhưng với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, thời gian thi công công trình chỉ được thực hiện trong vòng 2 năm, theo giáo sư đâu là những yếu tố then chốt quyết định đến thành công của dự án theo đúng tiến độ?

GS-VS Trần Đình Long: Như tôi đã nói, có 2 vấn đề mà Thủ tướng quan tâm nhất, đó là thời gian xây dựng đường dây và chất lượng của công trình. Nói về khoảng thời gian 2 năm khi ấy thì phải nói đó là một khoảng thời gian cực kỳ gian khổ. Công trình bao gồm 3.437 cột điện tháp sắt với hơn 1.487km đường dây đi qua 14 tỉnh, thành. Trong đó, vùng đồng bằng chiếm 20%, trung du - cao nguyên chiếm 45%, núi cao, rừng rậm chiếm 35%, với 8 lần vượt sông và 17 lần vượt quốc lộ. Các kỹ sư, công nhân đã phải thực hiện khối lượng công việc vô cùng nặng nề trong 2 năm, phải áp dụng kinh nghiệm của thời kỳ kháng chiến: vừa thiết kế, vừa thi công theo nhiều mũi giáp công, chia đường dây thành nhiều cung đoạn, mỗi đoạn giao cho một đơn vị thực hiện. Chính nhờ vậy trong cùng một thời điểm đã tập trung được lực lượng hàng chục nghìn công nhân trải dài suốt cả dọc tuyến đường dây từ Bắc đến Nam, bao gồm các cán bộ, công nhân viên kỹ thuật điện, lực lượng quân đội, cảnh sát và cả người dân địa phương tham gia vào xây lắp. Công trình hoàn thành trong 2 năm, không gì khác hơn chính là nhờ sức mạnh của sự đoàn kết, tận tâm tận lực của toàn dân.

GS-VS Trần Đình Long trò chuyện cùng một người lính truyền tải trong chuyến hành trình thăm lại đường dây 500kV mạch 1

PV: Theo nhận định của giáo sư, khi đường dây mạch 1 được đưa vào vận hành thực tế đã trực tiếp giải quyết các bài toán nan giải nào của hệ thống điện Việt Nam?

GS-VS Trần Đình Long: Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống, giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung, mà còn trở thành tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của hệ thống điện ngày nay. Đường dây 500kV hiện tại đã được hoàn thiện hơn dựa trên nền tảng mạch 1, tạo thành các mạch vòng quan trọng, đảm bảo cung cấp đủ điện cho các thành phố lớn và những khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Ngay sau khi đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đưa vào vận hành, điện thương phẩm của toàn quốc với mức độ tăng trưởng từ 5-6% giai đoạn 1990-1992 đã tăng trưởng lên hơn 18% giai đoạn 1993-1997 và sau đó là 21% năm 1995. Trong đó khu vực miền Trung và miền Nam là 21% giai đoạn 1993-1997 và năm 1995 là 25%. Những con số trên đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước, kéo theo tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt 12-14% trong giai đoạn 1990-1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.

PV: Vừa qua, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn đường dây 500kV mạch 3: Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Theo giáo sư, công trình này mang ý nghĩ như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Nam nói chung và TP HCM nói riêng?

GS-VS Trần Đình Long: Đây là một bước phát triển mới của hệ thống truyền tải điện siêu cao áp ở Việt Nam. Đoạn từ miền Trung - Tây Nguyên đi về TP HCM là đoạn phát triển mạnh nhất. Vì vậy, việc đóng thêm một mạch điện thứ 3 này vào, từ Pleiku đến TP HCM, sẽ làm cho năng lực truyền tải công suất từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Bên cạnh đó còn làm tăng thêm độ tin cậy cung cấp điện.Ví dụ như trước đây, ở mạch 1 đầu tiên nếu có sự cố nào đó xảy ra thì rõ ràng toàn miền Nam sẽ bị mất điện. Đến khi chúng ta có 2 mạch, độ tin cậy được nâng cao hơn, tuy nhiên cũng chưa thể đảm bảo rằng khả năng mất điện không thể xảy ra. Điển hình là sự cố đường dây 500kV mạch 2 vào tháng 5/2013 đã gây mất điện toàn bộ miền Nam. Vì vậy, bây giờ chúng ta đưa thêm một mạch thứ 3 vào thì xác suất rủi ro gây mất điện sẽ được giảm xuống đáng kể. Bên cạnh đó, việc đưa vào vận hành mạch 3 còn góp phần tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực Đông - Tây Nam Bộ, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng - miền trên cả nước. Còn riêng với TP HCM, trong tình hình một số dự án nguồn điện ở khu vực miền Nam chậm tiến độ, việc đường dây 500kV mạch 3 được đưa vào vận hành sớm được xem như một “cứu cánh” giải quyết tình trạng thiếu điện cho TP HCM và các vùng lân cận từ năm 2014 trở đi.

PV: Rất cảm ơn Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long đã tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay!

Nguyên Phương

  • el-2024