Đừng phó mặc con cho… YouTube!

13:40 | 12/03/2019

403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với nhiều bậc phụ huynh, YouTube thực sự là cánh tay đắc lực trong việc… trông trẻ. Chính vì suy nghĩ đó mà không ít ông bố bà mẹ đã vô tình để con mình tiếp cận với những nội dung độc hại mà không hề hay biết.  

Nỗi ám ảnh mang tên Momo

Gần đây, dư luận Việt Nam cũng như thế giới không khỏi lo lắng khi con quái vật có tên Momo xuất hiện trên YouTube, gieo rắc nỗi ám ảnh cho hàng loạt trẻ em. Ít ai biết, thực chất nhân vật Momo với hình mặt người mắt lồi khởi đầu là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Keisuke Aisawa, có tên gọi là MotherBird, thuộc sở hữu của Link Factory, một công ty chuyên về dàn dựng, hiệu ứng hình ảnh tại Nhật Bản.

dung pho mac con cho youtube
Rất nhiều trẻ nhỏ biết cách sử dụng điện thoại thông minh

Nguyên mẫu MotherBird đầu tiên được nghệ sĩ Aisawa làm ra vào năm 2016, được trưng bày trong một triển lãm mỹ thuật ở Tokyo. Đó có lẽ là lúc những hình ảnh về MotherBird được chụp lại và lan truyền trên Internet, khiến kẻ nào đó nhìn thấy và lấy làm hình tượng Momo để “đầu độc” trẻ em như hiện tại.

Momo lần đầu xuất hiện vào tháng 7/2018 trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp dưới dạng một tài khoản với hình đại diện là MotherBird. Nhiều người đã thách đố nhau nhắn tin với tài khoản này và làm theo những gì nó yêu cầu. Trò chơi bắt đầu được gọi với cái tên Momo Challenge (Thử thách Momo). Sau đó, Momo Challenge dần lan rộng ra các mạng xã hội khác, trong đó có YouTube.

Các video về Momo trên YouTube được lồng giọng nói đã được chỉnh sửa bằng phần mềm, hướng dẫn người xem thực hiện những thử thách “khủng khiếp” mà nó đặt ra, hầu hết là những hành động quậy phá như làm hỏng lò vi sóng, nghịch lửa bếp gas, thậm chí là hướng dẫn cách cứa cổ tay hay treo cổ tự vẫn… kèm theo nhiều lời đe dọa. Những video này đã gây một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới vì tác động tâm lý tiêu cực đến trẻ em. Sau đó, YouTube đã phải nhanh chóng gỡ bỏ các video này.

dung pho mac con cho youtube
Quái vật Momo xuất hiện giữa đoạn phim hoạt hình trên YouTube

Sự trở lại của nhân vật Momo trên YouTube những ngày qua được ghi nhận dưới nhiều hình thức, từ lồng ghép giữa các game video cho đến các video hoạt hình. Tuy nhiên, bộ phận truyền thông của Google - công ty mẹ của YouTube - cho rằng “chưa ghi nhận được sự xuất hiện trở lại của video game hướng dẫn tự sát Momo Challenge”.

Google thông tin: Video có tạo hình nhân vật Momo và lồng tiếng, phụ đề với nội dung kinh dị, nguy hiểm mà báo chí đang phản ánh thực chất là Momo Threats - một trò chơi khăm và không liên quan đến thử thách tự sát Momo Challenge. Theo Google, Momo Threats thuộc nhóm video được giới hạn độ tuổi, tức là video không dành cho trẻ em. Người được phép xem những video này phải trên 18 tuổi.

Momo không phải là duy nhất

Tuy nhiên, trên thực tế, những video có nội dung hướng dẫn trẻ em tự làm hại bản thân tương tự như Momo đã xuất hiện lâu nay ngay cả trên YouTube Kids - ứng dụng dành cho trẻ em - nhưng được ngụy trang bằng các nhân vật hoạt hình khác nhau. Nhân vật Momo chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ, nếu muốn đề cập đến việc các video với nội dung độc hại tồn tại ngay giữa nền tảng chia sẻ video dành cho trẻ em.

dung pho mac con cho youtube
Một đoạn phim hoạt hình trên YouTube đầy tính bạo lực

Thực chất, YouTube hay YouTube Kids cũng chỉ là một dịch vụ chia sẻ video có mức độ tự động hóa cực cao. YouTube không thể tự lọc trước được nội dung xấu. Chỉ

khi có người dùng nào đó báo cáo, các nhà quản trị mới bắt đầu cho chạy một thuật toán tự động để nhận diện các nội dung xấu rồi ngăn chặn, chứ không hề có người xem loại toàn bộ nội dung video đã đăng tải. Khi các thuật toán ấy thất bại, YouTube chỉ có thể cho một câu trả lời: “Chưa ghi nhận được”.

Những người dùng lâu năm biết rõ rằng, YouTube dựa trên tiêu đề, dựa trên mô tả để gợi ý video này tiếp theo video khác. Qua cơ chế đó, những nội dung hoạt hình có chèn “Thử thách Momo” sẽ được kẻ xấu cho xuất hiện đan xen bên cạnh những đoạn video hoạt hình bình thường, vô hại mà nếu không tập trung theo dõi cùng con cái, cha mẹ chẳng thể nào phát hiện được.

Thực tế cho thấy, không phải đến bây giờ những câu chuyện tương tự như Momo mới xảy ra. Có những đứa bé say mê xem video tàu hỏa cho đến khi được YouTube gợi ý một đoạn video có nội dung là tai nạn thảm khốc. Có những đứa bé say mê xem bài hát thiếu nhi cho đến khi được YouTube gợi ý những bài nhạc chế chứa đầy những từ ngữ, hình ảnh phản cảm. Video về công chúa Elsa được nối tiếp dần bởi video có hình ảnh các cô công chúa khác được chế lại với hình ảnh hở hang. Vlog dễ thương của các blogger nhí dần dần được nối tiếp bởi các vlog phản cảm… Giải pháp “khai tử” Momo?

Với nhiều ông bố bà mẹ, YouTube thực sự là cánh tay đắc lực trong việc… trông trẻ. Con quấy khóc, cho xem YouTube. Dỗ con ăn, cho xem YouTube. Khi muốn rảnh tay làm việc khác, bật YouTube cho con xem. Con làm xong bài tập sớm, lại thưởng cho hẳn 1 tiếng đồng hồ xem YouTube... Nói tóm lại, nhiều cha mẹ cho con xem YouTube quá nhiều nhưng lại dành thời gian cho con quá ít. Kể ra thì rất nhiều lý do, vì bận, vì mệt, vì mải mưu sinh cơm - áo - gạo - tiền… mà con cứ luẩn quẩn, quấn chân, thôi thì cứ bật YouTube lên cho chúng nó xem cho rảnh nợ! Chính vì suy nghĩ đó mà nhiều bậc cha mẹ vô tình để con tiếp cận với những nội dung độc hại mà không hề hay biết.

Việt Nam từng được YouTube công bố là nằm trong top 10 nước xem YouTube nhiều nhất thế giới và độ tuổi khán giả có xu hướng từ trẻ đến rất trẻ (thiếu nhi). Chính vì thế, YouTube đã trở thành mảnh đất màu mỡ để nhiều Youtuber (người làm video đăng YouTube) hái ra tiền với hàng loạt nội dung không được kiểm duyệt. Bên cạnh những nội dung giải trí hoặc vô thưởng vô phạt thì cũng có không ít những nội dung độc hại không được giới hạn độ tuổi và chưa được kiểm duyệt kỹ càng trên YouTube.

Nếu thực sự có trách nhiệm, YouTube sẽ “đánh phủ đầu” kẻ xấu, sẽ kiểm duyệt từng video, từng bình luận đăng tải. Nhưng bao nhiêu người kiểm duyệt cho đủ khi có đến hàng trăm video được người dùng đăng tải lên Youtube trong mỗi giây, đó là chưa kể đến hàng triệu bình luận nặc danh phản cảm trong mỗi video? Để tiết kiệm chi phí, YouTube (hoặc các mạng xã hội khác) đều chờ đợi có ai báo cáo video nội dung xấu rồi mới giải quyết. “Giải pháp” ấy không thể giải quyết được vấn đề, vì đâu phải ai thấy nội dung xấu cũng sẽ thông báo cho YouTube. Điều gì sẽ xảy ra khi các em nhỏ là đối tượng đầu tiên tiếp xúc với những nội dung độc hại?

Chỉ có một cách duy nhất: Các bậc cha mẹ hãy ngừng trông chờ mạng xã hội có trách nhiệm với trẻ em. Trách nhiệm ấy thuộc về tất cả chúng ta. Mỗi người cha, người mẹ hãy tự kiểm soát tất cả những nội dung mà con mình xem trên YouTube. Nếu không thể cấm con tiếp xúc với mạng xã hội, các bậc cha mẹ phải là bộ lọc thời gian thực, theo dõi trong lúc con đang xem video. Kẻ xấu thì lúc nào cũng có, còn bản chất, cơ chế hoạt động của các mạng xã hội thì mãi mãi không bao giờ thay đổi. Nếu chúng ta vẫn để cho những đứa trẻ tiếp tục một mình ngồi xem YouTube trên điện thoại hay máy tính bảng hàng giờ liền, câu chuyện Momo sớm hay muộn cũng sẽ lại tiếp tục xảy ra.

Việt Nam nằm trong top 10 nước xem YouTube nhiều nhất thế giới và độ tuổi khán giả có xu hướng từ trẻ đến rất trẻ. Chính vì thế, YouTube đã trở thành mảnh đất màu mỡ để nhiều YouTuber hái ra tiền với hàng loạt nội dung không được kiểm duyệt.

Trúc Lâm

dung pho mac con cho youtubeKhi YouTube Kids chỉ lo kiếm view và tiền
dung pho mac con cho youtubeNghệ sĩ Việt kiếm tiền "khủng" từ Youtube
dung pho mac con cho youtubeDoanh nghiệp Việt "hững hờ” với Facebook, Youtube