Đừng làm hỏng quan họ!

19:00 | 26/02/2013

1,176 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hội Lim năm nay, các liền anh, liền chị không “ngả nón xin tiền” như những năm trước… nhưng thay vào đó lại là cảnh các liền chị miệng hát, tay dâng cơi trầu têm cánh phượng còn du khách vẫn “làm hư quan họ” bằng cách “tiện đây mua một miếng trầu”.

Nhớ Hội Lim xưa

“Hội tháng Giêng đúng hẹn lại về/ Trầu têm cánh Phượng cho trọn bề người ơi”. Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày 12 tháng Giêng là Hội Lim lại khai hội… Nét văn hóa đẹp đó được lưu truyền bao đời nay và càng được nhân lên từ khi quan họ Bắc Ninh trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Kinh Bắc vốn là miền quê có truyền thống văn hiến lâu đời. Sinh hoạt quan họ thể hiện tình cảm dạt dào, rộng mở và sâu lắng trữ tình, được chuyển tải bằng lời thơ và giọng hát đầy nhạc tính. Đó là nét sinh hoạt văn hóa vừa lịch lãm, vừa cao thượng. Họ yêu nhau không vội vã xô bồ mà đầy tế nhị e ấp: “Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”.Hội Lim xưa là vậy! Nó lẩn khuất trong các mái ấm gia đình, hội tụ từng tốp của xóm, của làng để hình thành các quan họ đi giao đãi với các quan họ ở làng bên, huyện bên. Quan họ khi ấy, lấy sân khấu nơi gốc đa, bến nước, nơi góc sân nhà vào đêm trăng tỏ làm chỗ hát xướng chung vui.

Các "liền chị nhí" trong đêm hội chính 2013

“Tiện đây ăn một miếng trầu/ Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng” hay “Em còn son, anh cũng còn son/ Ước gì ta được làm con một nhà”… Người ta hát để bày tỏ tình cảm, giãi tỏ nỗi niềm và đôi khi chỉ là một bâng khuâng, tiếc nuối. Đó là bức tranh tình vừa ẩn hiện, vừa bao la. Nó vừa đẹp, vừa đằm, ấn tượng biết bao! Hội Lim làm đắm say lòng người không chỉ ở lời ca, giọng hát du dương mà cái tình người quan họ mới đậm đà sâu lắng, khiến ai đã một lần về hội thì khó nguôi quên. “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình/ Người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên/ Khách đến nhà là hát, khách uống trà là ca/ Khách đi xa, giữ chẳng cho về…”.

Có lẽ chính vì những câu hát, những làn điệu quan họ đằm thắm, thiết tha của người dân Kinh Bắc đã là dấu ấn riêng thu hút du khách đến với Bắc Ninh. Dường như người Bắc Ninh ăn tết với quan họ, với khách thập phương về dự hội là chính. Sau tết Nguyên đán dăm ba ngày, nhà nhà bắt tay sửa soạn cho hội. Trước tiên là sửa sang, quét dọn nhà cửa, mua thêm đồ ăn, thức uống. Đến mùng Mười, nhà nhà gói thêm bánh chưng, bánh mật, bánh xu xê, có nhà còn giã bánh giầy, giò lụa, gói giò xào, cất thêm mẻ rượu nếp thơm để đón khách.

Khách ở đây gồm cả khách quen và khách lạ. Khách quen là bạn của ông bà, cha mẹ, con cái đi làm ăn từ miền xa được mời về dự hội. Khách lạ gồm người thiên hạ ghé dự hội. Vào ngày hội, các nhà làm cơm khách đều sắp dư vài mâm để đón khách lạ. Đó là những vị khách mải vui hội, say tiếng hát đến bữa chẳng tìm đâu ra hàng quán đàng hoàng. Thế là các gia đình cử người tản ra các ngả đường làng, mời về nhà mình từng tốp. Họ được tiếp đón, mời ăn, uống thân mật và trân trọng như bạn hữu. Hội Lim, nhà nào đón được nhiều khách, coi như nhà ấy đón được nhiều may mắn suốt cả năm.

Nét đặc trưng và cũng là điểm khác biệt ở quan họ là những nhóm kết nghĩa ở các làng tạo nên một địa đồ văn hóa kỳ vĩ kết nối các làng quan họ. Ngày xưa gọi là làng quan họ, tức là làng có những nhóm đi kết nghĩa và hát với nhau. Và khi đã kết nghĩa thì người trong các nhóm quan họ không bao giờ lấy nhau. Và cũng chính vì không lấy nhau nên tình cảm luyến ái ấy chuyển hết vào những giai điệu Quan họ, vào nghệ thuật âm nhạc. Người quan họ có nhiều cách sáng tạo, trình diễn dễ đi vào lòng người. Và trên tất cả, tính nhân văn đằng sau mỗi câu hát là cử chỉ, là sự giao tiếp để người ta đối đãi với nhau tốt hơn. Có lẽ đó mới chính là lý do quan họ trở thành biểu tượng của vùng Kinh Bắc.

Đủ kiểu “chém đẹp”

Đó là câu chuyện của ngày xưa, còn ngày nay, Hội Lim đã phần nào đó bị thương mại hóa. Nếu xưa kia, khách đến hội là để được đắm mình trong các không gian văn hóa dân gian. Ngoài nghe hát quan họ, còn tham gia nhiều trò chơi dân gian như: đánh đu, đấu vật, bịt mắt bắt dê… thì giờ đây cả không gian lễ hội đã bị xâm lấn bởi những trò chơi nặng tính “ăn thua”. Dọc hai bên những tuyến đường trẩy hội, tràn lan những quầy “trò chơi dân gian” như: “Bắn súng kiểu Mỹ”, “cả vòng trúng bia”, “phi tiêu”… với lời trèo kéo… Được chăm sóc kỹ, anh bạn đi cùng tôi nổi máu ăn chơi rút ví 20 nghìn mua ngay 5 chiếc tiêu. Nhìn thì dễ mà anh bạn tôi 5 lần phi tiêu, lần nào cũng suýt trúng. “Gần được rồi anh, thêm 20 nghìn nữa nhé”, chủ hàng phi tiêu đon đả. Có vẻ cay cú, anh bạn tôi mua thêm mẻ nữa và cũng trúng được một tiêu và lĩnh phần thưởng và chúng tôi rời quán phi tiêu với 40 nghìn được 1 gói bim bim.

Mỗi miếng trầu được du khách "lại lộc" từ 10 đến 20 nghìn, thậm chí cả trăm ngàn

Ngay đến các trò chơi dân gian như chọi gà cũng bị “cờ bạc hóa” bởi những du khách thiếu ý thức. Quan sát ở đây, chúng tôi nhận thấy, tại mỗi cuộc đấu có rất nhiều người đặt cược, tiền được trao đổi công khai tại lễ hội. Nhiều người đặt vào “canh bạc” chọi gà đến vài trăm nghìn đồng. Mỗi khi những chú gà vào trận là lại thấy những tiếng văng tục, chửi thề của người cá cược. Trong chốc lát, nhiều người đã nhẵn túi vì thua cược. Và đương nhiên, mỗi lần tan cuộc, các chủ gà lại được nhận “tiền boa”.

Người dân địa phương cũng không còn giữ được sự hiếu khách như xưa. Một số người coi lễ hội là dịp để làm ăn kiếm lời nên tha hồ “chém đẹp”. Chưa đến hội đã thấy nhan nhản những biển hiệu nguệch ngoạc “trông giữ xe” khiến du khách như bị lạc vào ma trận không biết để xe ở đâu cho yên tâm. Phải đi đến vòng thứ 2, tôi mới tìm được một bãi xe có vẻ yên tâm bởi khi thấy ghi: “Đoàn thanh niên Điện lực Tiên Du” với những chàng trai trẻ mặc nguyên đồng phục ngành điện. Không biết có phải do được đặc cách “nghỉ xem hội” hay ngành điện ở đây thực hiện “tăng gia sản xuất” không mà đang giờ hành chính mà có tới gần chục người mặc nguyên đồng phục ra hành nghề trông xe. Nhưng dù thế nào thì cũng có chỗ yên tâm để gửi xe xem hội. Đang loay hoay tìm chỗ để thì một anh áo cam gí ngay cho tấm vé đóng nguyên dấu của Điện lực Tiên Du và nói: “Cho em xin 20 nghìn, anh ơi”. Hơi giật mình, nhưng thôi đành vui vẻ rút tiền và tự nhủ rằng “đương nhiên phải thế”.

Mặc dù Ban Tổ chức đã quy hoạch khu vực riêng cho các hàng quán, nhưng hàng quán ăn uống không đảm bảo vệ sinh vẫn tràn ngập khắp khuôn viên lễ hội. Ngay tại khu vực sân khấu chính, các tiểu thương đua nhau trải chiếu nhận chỗ giăng hết cả lối đi vào khu vực sân khấu chính. Anh Vũ Mạnh Tùng, một du khách đến từ Thái Bình than thở: “Sợ cảnh hội hè chém đẹp, tôi đã tìm một quán xa xa, vậy mà vẫn phải trả 60 nghìn đồng cho một bát phở”.

Không chỉ chịu cảnh “nếm mật, nằm gai”, nhiều du khách thập phương về với hội không khỏi phiền lòng vì chuyện nhà vệ sinh công cộng. Cả một lễ hội lớn chỉ có 3 nhà vệ sinh công cộng hoạt động, nhưng do lượng khách quá đông nên đã đã xảy ra tắc nghẽn. Tiếng là đi nhà vệ sinh công cộng, nhưng mỗi du khách phải trả tới 5.000 đồng/lần. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng dựng tạm một số nhà vệ sinh bằng cách quây những tấm bạt tại một số khu đất trống. Dù góp phần nào đó giải quyết được tình trạng “khát nhà vệ sinh” của du khách, tuy nhiên những nhà vệ sinh “lộ thiên” lại trở thành điểm ô nhiễm nghiêm trọng trong khuôn viên của lễ hội.

Do lượng du khách đổ về quá đông nên lễ hội diễn ra chưa đầy một ngày mà rác thải đã tràn lan khắp nơi, đó là chưa kể đến một số doanh nghiệp còn tổ chức phát tờ rơi quảng cáo… Tình trạng kẻ gian trà trộn móc túi khách là không thể tránh khỏi.  Ngoài ra còn bao nhiêu các dịch vụ ăn theo cũng được mở ra với những mức giá “cắt cổ” như: cho thuê quần áo quan họ, chụp ảnh Hàn Quốc, đổi tiền lẻ, bói vân tay, vẽ ký họa chân dung… Rồi bán sim số đẹp, điện thoại giá rẻ, thậm chí Ban Tổ chức còn cho phép cả những quầy hàng bán dao kéo với cảnh chủ hàng miệng liến thoắng giới thiệu, tay chặt gỗ ầm ầm…

“Tiện đây mua một miếng trầu”

Những năm gần đây, Hội Lim đã không còn là: “Hội của trao duyên, hội của hẹn hò” nữa. Nếu xưa kia giữa khách với chủ là: “Em trao miếng trầu, anh nhận để làm tin” thì giờ đây là cảnh “Tiện đây mua một miếng trầu”. Không ai khác, chính những người quan họ đã bán rẻ nét đẹp của ngày hội bằng những màn “miệng hát, tay ngửa nón xin tiền” của các liền anh, liền chị. Để giữ lại sự vẹn nguyên của cái duyên Quan họ với những giai điệu ngọt ngào, trước giờ khai hội năm nay Ban Tổ chức Hội Lim đã có quy định cấm các liền anh, liền chị “ngửa nón xin tiền”.

Thế nhưng như một căn bệnh trầm kha, cấm “ngửa nón” thì các liền chị lại “ngửa cơi trầu”. Trong ngày đầu khai hội, cảnh tượng các liền anh, liền chị trao gửi cho nhau miếng trầu, tờ bạc vẫn diễn ra. Để đón những “chút lộc” của du khách, các liền anh, liền chị đã têm sẵn những cơi trầu và không quên mang theo một chiếc hòm nhỏ để dưới thuyền rồng. Mỗi khi “bán” được vài miếng trầu, họ lại khéo léo, luồn tay bỏ những tờ tiền vào hòm, dưới đáy những cơi trầu. Nhiều người vì “say những điệu hát”, “mê những liền chị” mà sởi lởi rút hàng trăm nghìn để “mua một miếng trầu” và cũng chỉ là “… không ăn cầm lấy…”.

Các liền anh, liền chị miệng hát tay ngả cơi trầu

Vậy là tỉnh cấm thì cứ cấm còn các liền anh liền chị quan họ cũng chẳng muốn mất lòng du khách mà đành “nhận tiền boa”. Người cho thì lý giải rằng, họ ngưỡng mộ các giọng hát muốn bồi dưỡng và cũng muốn góp quỹ để duy trì văn hóa này. Người nhận thì cho rằng, đấy là tâm ý của khách nên không muốn mất lòng hơn nữa cứ đùn đẩy giữa đám hội khi còn đang bận hát thì quả thật không tiện.

Có ý kiến cho rằng, chính du khách đã “làm hư” quan họ… cứ thả tiền vào cơi, nhưng đó chỉ là sự bao biện bởi nếu Ban Tổ chức quyết tâm muốn “hát sạch” chỉ cần lên loa thông báo: Các liền chị chỉ mời trầu mà không nhận “tiền boa”, tôi tin rằng những người “yêu quan họ” sẽ không ai cố rút tiền cho nữa… Đành rằng, cũng cần có kinh phí để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống này. Nhưng vấn đề ở đây là cách làm như thế nào. Thay vì các liền anh, liền chị “ngửa cơi trầu” nhận từng đồng tiền của du khách, Ban Tổ chức nên lập một thùng quyên góp ghi rõ “Cùng góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh” để những người yêu quan họ có cơ hội đóng góp.

Nói về việc “người hát kẻ cho tiền” tại Hội Lim, Nhà nghiên cứu cổ nhạc Bùi Trọng Hiển cho rằng: Hát quan họ ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Khi xã hội phát triển thì tất cả những sản phẩm âm nhạc dần dần sẽ trở thành một sản phẩm hàng hóa, trở thành một sản phẩm trình diễn thương mại thì việc nhận tiền, xin tiền hay là phải thù lao là điều tất nhiên.Vì việc họ hát cũng là một thứ hình thức lao động, ngày xưa các nhóm liền anh, liền chị là chơi với nhau, hát cho nhau nghe còn ngày nay rõ ràng nó đã trở thành một dịch vụ. Hát quan họ đã trở thành một thứ dịch vụ kiếm tiền nên Câu lạc bộ muốn tồn tại thì họ phải có nguồn thu hoặc ít nhất được hỗ trợ bằng một khoản kinh phí. Hình ảnh đôi bên hát đối đáp mà một bên hát, một bên nói chuyện, rồi liền anh, liền chị nhận tiền là điều bình thường. Chỉ có điều hãy nên làm thế nào để hình ảnh ấy đừng trở nên quá đà”.

Ngẫm mà buồn vì quan họ hôm nay không còn là quan họ của uống chén rượu mừng xuân, vui hội, vui bầu vui bạn… những lán quan họ dập dìu xướng ca cho đến tàn canh, rồi quyến luyến chia tay trong những màn giã bạn: “Người ơi người ở đừng về/ Người về em vẫn khóc thầm/ Đôi bên sóng đôi vạt áo ướt đầm như mưa”… bởi hôm nay chia tay miền quan họ, nhiều du khách “khóc thầm như mưa” nhưng không phải vì lưu luyến quan họ mà khóc cho một nét đẹp văn hóa có nguy cơ bị mai một.

Trong kho tàng dân gian Việt Nam, có lẽ quan họ là một thể loại dân ca có nhiều giai điệu và phong phú nhất. Khi đến mùa lễ hội, những người nông dân chân lấm tay bùn tự thưởng cho mình những giây phút quý giá, tạm gác những công việc đồng áng quanh năm vất vả để hòa mình vào thú chơi quan họ lịch lãm đã có từ ngàn đời.

Gọi là “chơi quan họ” bởi đây là dịp để nam thanh nữ tú các làng phô diễn những vốn làn điệu quý báu của mình với cộng đồng, cũng là để thể hiện cái tình, cái nghĩa, cội nguồn của những câu hát quan họ, giá trị lớn nhất đằng sau những làn điệu quan họ.

Bắc Ninh hiện lưu giữ 44 làng quan họ cổ. Hiện địa phương đã công nhận danh hiệu cho 41 nghệ nhân dân gian cấp tỉnh và 5 người trong số họ đã qua đời, 36 người còn lại đều bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Nhưng cho tới thời điểm này, chưa có nghệ nhân quan họ nào được công nhận là nghệ nhân dân gian cấp Nhà nước.


Văn Dũng

 

 

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...