Đừng “bỏ quên” văn hóa giao thông

16:41 | 28/02/2024

1,742 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáng 27/2, một ngày rét ngọt nhưng trời quang mây tạnh, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông và cũng có nhiều vụ ngang tai trái mắt trên đường. Tết qua lại đến mùa lễ hội. Sau lễ hội sẽ đến “mùa bình thường”. Nhưng chuyện tai nạn giao thông và “bỏ quên” văn hóa giao thông thì đang tiếp tục tái diễn.
Xử phạt đi xe trên vỉa hè: Chế tài đã có, nhưng vi phạm vẫn tồn tạiXử phạt đi xe trên vỉa hè: Chế tài đã có, nhưng vi phạm vẫn tồn tại
Đừng “bỏ quên” văn hóa giao thông
Dù đã có biển cắm cấm xe máy đi vào làn cao tốc, những trong nhiều năm qua, tình trạng xe máy bất chấp nguy hiểm đi vào làn đường cao tốc vẫn diễn ra. (Ảnh: Đại đoàn kết).

Vào đầu giờ làm việc buổi sáng, trên Đại lộ Thăng Long, từ lối hầm chui Trung Hòa, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, xuất hiện vài chục chiếc xe máy ngang nhiên đi vào đại lộ. Tuyến đường này đương nhiên chỉ dành cho ô tô và quy định rõ tốc độ của ô tô từ 80 đến 100 km/h. Thế nhưng không hiểu ai là người đầu têu, xe nọ nối đuôi xe kia rú ga và phóng hết cỡ.

Màn rượt đuổi càng hấp dẫn hết khi có một cậu choai choai nằm dài trên yên xe, lạng lách vượt qua nhiều ô tô đang chạy trên đường. Tất thảy mọi người đều kinh hoàng và lắc đầu, chỉ có một cách duy nhất là dừng xe để tránh tình trạng “không phải đầu cũng phải tai”.

Thế rồi kết cục thì ai cũng đoán ra, cảnh sát giao thông phát hiện, truy bắt, kiểm tra nồng độ cồn, giấy phép lái xe, yêu cầu khai báo lý do vi phạm pháp luật về giao thông...

Những câu trả lời nhà chức trách phần nhiều giống nhau: Do tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long bị ùn ứ cho nên liều đi vào đường cao tốc để cho kịp giờ làm; thấy người khác đi thì mình đi theo; cứ tưởng là được phép đi... Thật là những câu trả lời ngớ ngẩn. Họ đã đùa với tử thần, đã đe dọa tính mạng người khác và tính mạng của chính mình. Bởi trên nhiều tuyến đường cao tốc đã từng xảy ra không ít vụ xe máy đi sai đường dẫn đến va chạm với ô tô và gây tai nạn thương tâm.

Người mắc lỗi thì phải xử phạt. Có người bị phạt gãi đầu gãi tai: “Từ nay tôi cạch đến già, vì làm bảo vệ, lương tháng được hơn 6 triệu đồng, hôm nay bị phạt 2,5 triệu, tôi sai, tôi sợ rồi!”. Nhưng đằng sau chuyện phạt tiền vẫn để lại một câu hỏi lớn, rằng phạt như thế có đủ sức răn đe?

Có đồng chí cảnh sát giao thông nói với chúng tôi: Vẫn biết rằng sai thì phạt, nhưng vẫn phải tùy vào lỗi vi phạm, vào “khung” để xử. Thật ra vẫn là câu chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”. Tình trạng vi phạm vẫn liên tục tái diễn. Vắng bóng cảnh sát là không ít người, nhất là thanh niên trẻ đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, nẹt ga, bốc đầu....

Và câu chuyện xe bé đi vào đường dành cho xe lớn chỉ là một trong muôn vàn ví dụ về văn hóa giao thông đang bị làm cho xấu xí. Ngày 28/2, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Lê Tuấn Đức. Anh ta là kẻ đã ngang nhiên cầm hai con dao dài chém vào lốp và kính xe buýt, chỉ vì xe buýt va chạm với xe Mazda của mình. Hung hăng thế nhưng khi bị bắt thì Đức xẹp như gián, khóc lóc, xin lỗi. Xin lỗi ai, khi mấy chục hành khách trên xe và hàng trăm người tham gia giao thông giờ cao điểm sáng hôm ấy bị một phen kinh hãi.

Ngoài vụ chém lốp là những vụ lộn xộn khác trên đường, được gọi chung là “mất văn hóa”. Không chỉ người điều khiển xe máy vi phạm mà cả người lái ô tô, người đi xe đạp và... đi bộ. Chuyện gặp hàng ngày là: uống rượu say xỉn, đánh chửi nhau khi xe va chạm,lao xe vào cảnh sát giao thông, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi liên tục, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều... Mới đây là câu chuyện vô lối về một nữ cán bộ cấp sở dùng xe công đón người nhà, bật đèn ưu tiên, hụ còi ồn ã trong sân bay, bị dư luận chê cười.

Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa giao thông. Có người nói giản dị, đó là cái đã hóa thành văn trên đường. Không chỉ đi đông người, không chỉ đi hai người trở lên mà một người vẫn có thể mất văn hóa. Tôi sang Nhật Bản, thấy một cụ già đứng dưới gốc cây giơ tay đón một chiếc lá vàng rụng rồi bỏ vào túi áo khoác. Hành động ấy đã nói lên rất nhiều. Ở bên ấy, không có chuyện cứ va chạm, cứ tai nạn là xe to phải đền xe bé, người đi xe đền người đi bộ. Anh đi sang đường không đúng không may tai nạn thì anh thiệt thân.

Còn ở ta, ôi chao là nhiều chuyện! Ra đường là gặp cảnh ngang tai trái mắt. Ra đường là thấy chửi bới, đánh nhau. Đương nhiên, cần thấy rõ những hành động đẹp, là các hành vi ứng xử đặt ý thức trách nhiệm, tự giác lên hàng đầu, trước hết là thực hiện đúng luật định, sau hết là gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.

Hãy nhân rộng hình ảnh anh chiến sĩ cảnh sát giao thông đứng dưới trời mưa rét phân luồng giao thông, dắt tay cụ già, người tàn tật qua đường. Cô giáo dẫn các em học sinh mẫu giáo theo hàng trật tự, rít rít tên hè phố. Xe cộ đi qua đều có ý đi chậm lại, nhường đường. Khi thấy có vụ tai nạn xảy ra, có những người đi đường đã khẩn trương sơ cứu, giúp đỡ đưa đến bệnh viện (dẫu rằng cũng rất nhiều người đứng đó chỉ để “xem” và để quay video).

Vẫn biết để văn hóa giao thông ngày càng lan tỏa, thấm sâu còn nhiều việc phải làm. Nó liên quan đến nhiều vấn đề trong xã hội. Nào là công tác quản lý hạ tầng giao thông, cần thường xuyên duy tu, bảo dưỡng công trình cầu, đường, rà soát, loại bỏ các biển báo hiệu đường bộ, đường thuỷ nội địa bất hợp lý. Cần bổ sung các biển báo hiệu ở những điểm cần thiết, nhanh chóng xử lý, khắc phục các “điểm đen”. Nào là phải xử lý dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, chớ để tình trạng nhà chức trách chống lưng, bảo kê cho người vi phạm, dân gian gọi là “vỉa hè nuôi quan tham”.

Gần đây chúng tôi thấy ở nhiều địa phương đã làm tốt việc này, Ban An toàn giao thông phối hợp Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh. Năm nào cũng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông, triển khai các mô hình “Đội tuyên truyền an toàn giao thông trong các lớp học”, mô hình “Cổng trường xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông”.

Cần lắm những chương trình phối hợp một cách thực chất, hiệu quả như thế. Nó không chỉ là chuyện trên đường. Nó là văn hóa nhỏ trong văn hóa lớn. Là vấn đề chính trị-xã hội, chứ không chỉ là chuyện quản lý kinh tế, thực thi pháp luật.

Hải Đường