Dù nguy hại đồ chơi Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường
Khảo sát tại các chợ, siêu thị, nhà sách tại TP HCM, có thể thấy "mỏi mắt" mới tìm được một vài món đồ chơi sản xuất tại Việt Nam, còn 90% vẫn là đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc như: các loại xe ô tô, búp bê, dụng cụ xếp hình...
Ở những điểm bán hàng trên hè phố, những cửa hàng tạp hóa hay xe bán hàng rong thì đồ chơi Trung Quốc lại càng tràn ngập, đặc biệt là những sản phẩm có giá cực rẻ.
|
Đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường |
So sánh với hàng Việt Nam thì phải thừa nhận đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc màu sắc bắt mắt, đa dạng về kiểu dáng và mẫu mã, đặc biệt là giá rẻ hơn, chỉ cần vài chục ngàn là có thể mua được một món đồ chơi. Trong khi đó, đồ chơi sản xuất từ Việt Nam đa phần rất ít để người tiêu dùng lựa chọn, giá cả cũng cao hơn so với đồ chơi Trung Quốc. Còn đồ chơi xuất xứ từ các quốc gia khác như: Thái Lan, Nhật Bản hay các nước châu Âu… thì hầu như giá rất cao, không phù hợp với mức chi tiêu của người dân.
Chị Nguyễn Ngọc Lan, ngụ tại Quận 10, mua đồ chơi cho con tại siêu thị Lotte Mart đường Lê Đại Hành chia sẻ: “Mặc dù ban đầu cũng sợ đồ chơi Trung Quốc độc hại nhưng thấy nhiều trẻ chơi không sao nên tôi cũng mua cho con chơi. Với lại những món đồ chơi này giá phù hợp và con tôi thích nên tôi vẫn mua”.
Tương chị chị Nguyễn Hoàng Vân, ngụ quận Thủ Đức bày tỏ: “Tôi có hai con nhỏ nên thường mua đồ chơi cho con, đa số các loại đồ chơi này đều xuất xứ từ Trung Quốc vì giá phù hợp. Hai vợ chồng tôi đều là công chức, đời sống chỉ ở mức cơ bản nên tôi vẫn ưu tiên chọn sản phẩm rẻ và đồ chơi Trung Quốc đáp ứng được tiêu chí này. Tuy nhiên, để yên tâm hơn về chất lượng tôi thường chọn mua đồ chơi cho con ở siêu thị”.
Có thể thấy, mặc dù ở nước ta và trên thế giới có rất nhiều cảnh báo về sự nguy hại của đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc như chứa chất gây: ung thư, vô sinh, còi xương … nhưng hậu quả chưa thấy ngay nên nhiều người tiêu dùng vẫn không sợ. Và đồ chơi Trung Quốc vẫn có chỗ đứng và đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Trên thế giới, đồ chơi Trung Quốc nhiều lần bị điểm tên vì chứa chất độc hại. Cụ thể, vừa qua lực lượng chức năng bảo vệ người tiêu dùng tại Cộng hòa Séc thu hồi bộ đồ chơi trang điểm do Trung Quốc sản xuất. Đồ chơi này dành cho trẻ trên 3 tuổi gồm: một chiếc gương tròn, bộ dán móng tay, lọ gel màu hồng lấp lánh đựng trong hộp hình bầu dục với nắp đậy trong suốt: 1 má hồng, 4 màu bóng đánh mắt, 2 màu son môi và cọ vẽ. Bộ sản phẩm này bị thu hồi vì chứa nấm mốc với nồng độ 2.100 cfu/g và vi khuẩn mesophilic aerobic với giá trị đo 3.7000 cfu/g. Đây là những loại vi khuẩn có khả năng gây kích ứng mắt và viêm kết mạc.
Hay tại Tây Ban Nha, đồ chơi thổi bong bóng xà phòng do Trung Quốc sản xuất cũng bị thu hồi vì chứa một lượng vi khuẩn mesophilic aerobic quá mức với nồng độ 1,8 triệu cfu/ml. Người sử dụng có thể lây nhiễm loại vi khuẩn này khi tiếp xúc với miệng, tay và mắt.
Cũng trong năm 2015, tại Slovakia, búp bê nhựa mang nhãn hiệu Mega Creative do Trung Quốc sản xuất bị thu hồi vì chứa hóa chất độc hại, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, tác động đến hệ thống sinh sản.
|
Sản phầm búp bê nhựa của Trung Quốc bị thu hồi tại Slovakia |
Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng nhiều lần phát hiện đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất độc hại như, một số sản phẩm đồ chơi bằng nhựa chứa chất phthalate, gây ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản ở trẻ như hiện tượng vô sinh, dậy thì sớm. Viện Hoá học Việt Nam vừa qua phát hiện nhiều loại lồng đèn sản xuất từ Trung Quốc có chứa chất cadmi, có khả năng gây chậm phát triển, còi xương, thậm chí gây ung thư...
Dù đa số người tiêu dùng đều lo ngại với chất lượng đồ chơi trẻ em sản xuất từ Trung Quốc qua các cảnh báo. Tuy nhiên, với nhiều ưu thế, đặc biệt là giá rẻ, đồ chơi Trung Quốc vẫn đang là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng để đưa ra các cảnh báo cụ thể với người tiêu dùng, ngăn chặn đồ chơi trẻ em độc hại được tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nòi giống của thế hệ tương lai của đất nước.
Mai Phương
Năng lượng Mới
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4