Dự báo giá dầu 2016
Giá dầu thấp là con dao hai lưỡi
Giá dầu trên thị trường Mỹ tính tới đầu tháng 12/2015 giảm mất gần 60% so với đỉnh điểm hồi tháng 6/2014. Vào cuối tuần trước, giá dầu Brent trên thị trường châu Âu chạm đáy ở mức chưa đến 36USD/thùng. Cùng lúc báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo thị trường dầu hỏa trên thế giới trong tình trạng ứ đọng tối thiểu là cho đến cuối 2016. Đây là hậu quả trực tiếp của hiện tượng cung vượt cầu.
Nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng rất chậm trong lúc các quốc gia sản xuất dầu mà đứng đầu là khối OPEC không có ý định khóa bớt van dầu. Chẳng những trong phiên họp đầu tháng 12/2015, OPEC vẫn duy trì sản lượng trung bình 30 triệu thùng mỗi ngày. Trên thực tế, trong tháng 11/2015 mức sản xuất thực sự của các thành viên OPEC đã lên tới 31,7 triệu thùng. Đó là chưa kể, chỉ trong vài tuần lễ nữa, dầu hỏa của Iran sẽ nhập cuộc.
![]() |
Dự báo giá dầu mỏ trong năm 2016 chưa thể tăng trở lại |
Theo chuyên gia về dầu lửa Olivier Appert, OPEC giờ không còn đóng vai trò điều chỉnh giá cả trên thị trường theo luật cung cầu. Bởi vì khối này biết rằng, nếu giảm mức sản xuất và xuất khẩu, thì lập tức Mỹ, Canada mở van xuất khẩu mạnh hơn. Nga cũng sẽ không ngần ngại nâng mức sản xuất. Trong bối cảnh đó, khối OPEC hoàn toàn không có lợi gì khi quyết định giảm giá dầu.
Ban đầu được nhiều nước chào đón nhưng khi giá dầu càng giảm sâu và kéo dài thì tác động của nó với nền kinh tế thế giới và cả những lĩnh vực khác lại lợi bất cập hại. Những chuyên gia và những nhà đầu tư cho rằng, giá dầu thấp chắc chắn sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho những công ty năng lượng và những nền kinh tế của những nước đang trỗi dậy lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô.
Theo nhà kinh tế C. Fred Bergsten, Nga, Arập Xêút, Venezuela và những nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ bị thiệt hại. Những nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt như Arập Xêút đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình và đang bị thâm hụt ngân sách, trong khi Venezuela đang đối phó với tình trạng lạm phát cao và nền kinh tế đình trệ, nước giàu dầu mỏ Azerbaijan buộc phải phá giá đồng tiền của mình, giảm hơn 30% so với đồng USD.
Thế giới vừa thông qua thỏa thuận Paris về khí hậu, cam kết giảm lượng phát khí thải carbon làm hâm nóng bầu khí quyển. Cộng đồng quốc tế nhấn mạnh đến giai đoạn chuyển giao năng lượng, phát triển năng lượng xanh. Có điều, giá dầu hỏa càng thấp, thì càng củng cố vị trí của vàng đen trên bàn cờ năng lượng. Điều đó khiến các nguồn năng lượng tái tạo kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Có nhiều khả năng, người ta bỏ vốn vào các tập đoàn phát triển năng lượng xanh với hy vọng kiếm lời. Thế nhưng nhìn từ phía các nhà sản xuất đang có dự án phát triển năng lượng tái tạo, thì giá dầu càng rẻ, người tiêu thụ lại càng “lười biếng” chuyển đổi năng lượng, thay thế dầu hỏa bằng các loại năng lượng sạch. Nhưng chắc chắn là nếu dầu hỏa còn rẻ như thế này, thì ngành công nghiệp than đá không trụ được lâu.
Thực vậy, than đá gây ra 1/3 khí thải CO2 toàn cầu. Mức tiêu thụ trên thế giới trong giai đoạn 1990-2012 tăng 55%. Trung Quốc, Nga, Mỹ, Đức, hay Ba Lan là những quốc gia tiêu thụ than đá nhiều nhất trên thế giới và thường bị chỉ trích là những nguồn phát thải khí carbon hâm nóng trái đất. Với giá dầu chỉ còn 40USD/thùng, nhiều nhà quan sát cho rằng, bước chuyển hướng năng lượng đầu tiên của các nền kinh tế nói trên là sẽ chuyển từ than đá sang dầu hỏa. Và đây chưa hẳn là một tin vui đối với môi trường.
Hơn nữa, giá dầu hỏa rẻ là trở ngại cho các công trình nghiên cứu, cho các dự án đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Nhờ những phát minh, những tiến bộ kỹ thuật, các nguồn năng lượng sạch - gió, mặt trời, thủy điện hay địa nhiệt bắt đầu được đưa vào bàn cờ năng lượng quốc tế ở quy mô còn rất khiêm tốn. Thậm chí, một quốc gia dầu hỏa như Tiểu Vương quốc các nước Arập cũng đã cam kết đến năm 2020, gần một phần tư năng lượng sử dụng trên vương quốc này đến từ các nguồn năng lượng sạch.
Liệu rằng hứa hẹn đó có còn tính thời sự hay không trong tình trạng dự thừa dầu hỏa như hiện nay? Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng, hiện tượng dư thừa dầu hỏa sẽ kìm hãm đà “chuyển tiếp năng lượng”. Các dự án đầu tư và phát triển năng lượng sạch thêm xa vời.
Giá dầu sẽ lên 95USD vào năm 2040
Một số chuyên gia cho rằng, giá dầu sẽ không sớm tăng lên trong thời gian tới. Dự báo mới từ cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, giá dầu sẽ giảm nhiều hơn nữa - xuống thấp tới mức 20USD/thùng vào năm 2016. Tổ chức OPEC mới đây dự báo rằng, giá dầu toàn cầu sẽ vào khoảng 70USD/thùng đến năm 2020 và 95USD đến năm 2040. Tổ chức này cho rằng, tình trạng thặng dư dầu hiện nay sẽ tan biến khi nhu cầu gia tăng. OPEC đã quyết định hiện giờ chưa phải cắt giảm sản lượng.
John Demopoulos là một chiến lược gia thị trường cao cấp thuộc Công ty Argus Media chuyên theo dõi những thị trường năng lượng và hàng hóa thô toàn cầu. Ông không thấy có dấu hiệu nào trước mắt cho thấy giá dầu sẽ tăng đáng kể trong năm 2016 vì hai nguyên nhân chính. 1) Iran sẽ đưa nhiều dầu hơn ra thị trường vì họ thoát khỏi một số những biện pháp chế tài đã ngăn trở họ xuất khẩu dầu mỏ; 2) một luật mới cho phép Mỹ lần đầu tiên xuất khẩu dầu thô sau nhiều thập niên.
S.Phương
Năng lượng Mới 487
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 17/4: Ai Cập và Azerbaijan xem xét hợp tác dầu khí
-
Các nước xuất khẩu dầu nhỏ trước cơn sóng thần của thị trường
-
[Infographic] Diễn biến giá vàng tuần qua (14/4-20/4)
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện