Dòng khí Nga chảy đi đâu?

07:00 | 01/08/2018

926 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Nga, đồng thời mối quan hệ dần trở nên mờ nhạt, trắc trở với EU đã khiến Nga phải tìm kiếm thị trường năng lượng mới, nhắm tới các nước ở khu vực phía Đông.
dong khi nga chay di dauNga muốn giúp châu Phi phát triển năng lượng
dong khi nga chay di dauMỹ tiếp thị khí đốt với EU
dong khi nga chay di dauTổng thống Trump: Nước Đức là "tù nhân năng lượng" của Nga

Tại hội nghị “Khả năng cạnh tranh của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandre Novak đã có bài diễn thuyết về vai trò của Nga trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu trong tương lai.

dong khi nga chay di dau
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak

Ông Novak nhận định: “Đến năm 2040, mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên gấp đôi và mức tiêu thụ năng lượng sẽ tăng 40%. Chúng ta cần phải bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu. Nga có vị trí địa lý tốt và có thể chuyển hướng sử dụng nhiều nguồn tài nguyên khác nhau, nhằm đa dạng hóa và phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ”.

Trong những năm gần đây, ngành dầu mỏ thế giới đã phải đối mặt với nhiều biến động, như sự gia tăng những bất trắc về nhu cầu sử dụng năng lượng trong tương lai và sự sụt giảm mạnh của giá dầu sau cuộc cách mạng dầu khí đá phiến tại Mỹ. Ông Novak cho biết, các khoản đầu tư vào lĩnh vực này bắt đầu giảm từ năm 2014. Các động thái tích cực chỉ xuất hiện vào năm 2017, nhờ việc thực hiện thỏa thuận giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu lớn khác, trong đó có Nga, về việc cắt giảm sản lượng để chấm dứt nguồn cung dư thừa. Vào cuối tháng 11/2017, các bên tham gia thỏa thuận này đã đồng ý gia hạn cho đến cuối năm 2018, điều này có thể dẫn đến việc tăng 10% đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ trong năm 2018.

Nga chiến thắng sự trừng phạt

Sau các biện pháp trừng phạt của EU, Nga bị rơi vào tình huống khó khăn hơn trong việc chuyển giao công nghệ khai thác nhiên liệu phi truyền thống và khả năng tiếp cận của các công ty năng lượng Nga với tín dụng nước ngoài.

Dù vậy, điều đáng ngạc nhiên là Nga vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài vào khai thác dầu. Ông Novak hào hứng nói: “Mặc dù vẫn còn tồn tại những thách thức và biện pháp trừng phạt, nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Chúng tôi sẵn sàng thu hút đầu tư vào tất cả các lĩnh vực dầu khí, bắt đầu từ thăm dò địa chất, khai thác, sau đó là tinh chế”.

Nga có thể theo đuổi nhiều dự án dầu khí đầy tham vọng của mình nhờ sự đa dạng hóa các nguồn tài chính. Một ví dụ điển hình là Dự án Yamal LNG. Nhà máy sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất ở Bắc Cực này đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2017. Sau khi Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt, Công ty Novatek của Nga, cổ đông chính, đã phải rất vấn vả để tìm nguồn tài chính cho Dự án Yamal trong những năm 2014-2015. Cuối cùng, vào tháng 4/2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã viện trợ cho dự án này với khoản tín dụng lên đến 12 tỉ USD.

Ông James Henderson, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, cho biết: “Đối với Novatek, đó là một chiến thắng trước nghịch cảnh... Người Nga xem đây là một chiến thắng, một lần nữa chứng minh rằng lệnh trừng phạt không có hiệu quả”.

Hiện nay, Công ty Novatek dự định có sự bứt phá ngoạn mục khác với dự án khí thiên nhiên hóa lỏng Bắc cực (LNG), trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Quỹ Con đường tơ lụa cùng nắm giữ 29,9% cổ phần.

Đa dạng hóa quan hệ

Mối quan hệ dần trở nên mờ nhạt với EU đã khiến Nga phải tìm kiếm thị trường năng lượng mới, nhắm tới các nước ở phía Đông.

Ngày 21/5/2014, Nga đã ký một “hợp đồng thế kỷ” với Trung Quốc nhằm xây dựng đường ống dẫn khí Siberia. Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2019, đường ống này có khả năng vận chuyển 38 tỉ m3 khí từ Nga sang Trung Quốc trong vòng 30 năm tới.

Vào cuối tháng 12/2017, Nga tuyên bố rằng khí đốt của Nga sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc sớm hơn dự kiến nhờ một đường ống dẫn khí mới có thể mang khí từ các mỏ khí gần đảo Sakhalin tới thị trường Trung Quốc.

dong khi nga chay di dau
Yamal LNG, nhà máy sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất ở Bắc Cực

Ngày 21/12/2017, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom, ông Alexei Miller tuyên bố: “Hôm nay, chúng tôi đang đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án một đường ống dẫn khí đốt khác để vận chuyển khí đốt của Nga sang Trung Quốc. Dự án này sẽ mở rộng phạm vi lựa chọn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khí đốt tại thị trường Trung Quốc” .

Một đối tác chiến lược khác của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi từ bỏ Dự án khí đốt South Stream (Dòng chảy phương Nam), Nga dự kiến sẽ đưa khí đốt của mình đến khu vực Đông Nam Âu và bỏ qua “cửa ngõ” Ukraine, Nga đã chọn được một giải pháp thay thế khác: Một đường ống dẫn khí đi qua Biển Đen, dẫn đến bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 10-10-2016, thỏa thuận xây dựng đường dẫn khí đốt TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) được ký kết sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua được những trở ngại song phương.

Hệ thống này sẽ bao gồm 2 đường ống dẫn khí với công suất 15,75 tỉ m3/năm. Tháng 5/2017, Nga bắt tay vào xây dựng đường ống đầu tiên để cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019. Trong khi đó, ngày 19/1/2018, theo nguồn tin của Tập đoàn Gazprom, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận tiến hành xây dựng đường ống dẫn khí thứ hai, giúp Nga cung cấp khí đốt đến thị trường châu Âu. Tập đoàn phân phối và bảo đảm an ninh năng lượng châu Âu (IGI Poseidon) quan tâm đến việc mở rộng đường ống này. Bên cạnh đó, IGI Poseidon cũng chịu trách nhiệm xây dựng đường ống dẫn khí giữa Hy Lạp và Italia.

Đối xử với Hoa Kỳ và EU

Ông Alexander Novak dành nhiều thời gian để gặp và trao đổi với đối tác Mỹ, ông Rick Perry và Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu về năng lượng Maros Sefcovic. Điều này thể hiện mối quan tâm của Nga trong việc duy trì quan hệ chiến lược của mình.

Bộ trưởng Nga đã thảo luận với đại diện của Ủy ban châu Âu về những vấn đề khó khăn nhất ảnh hưởng đến quan hệ Nga - EU như xây dựng Nord Stream 2 và quá cảnh khí đốt tại Ukraine. Một số nước châu Âu cho rằng, dự án này sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của EU, do đó họ phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt nối Nga với Đức. Mặc dù chưa tìm được tiếng nói chung trong dự án này nhưng Ủy ban châu Âu vẫn muốn tiếp tục đàm phán với Nga.

Ông Sefcovic nói với các phóng viên sau cuộc họp với ông Novak: “Tôi giải thích với ông Novak rằng, tầm nhìn của chúng tôi về vấn đề này là khác nhau và chúng tôi muốn bảo đảm rằng các dự án như vậy sẽ được thực hiện theo luật pháp của EU. Ông ấy đã trả lời rằng, nếu điều này là cần thiết thì ông ấy cần thời gian để xem xét... Tôi biết ông Novak coi dự án này là độc quyền thương mại”.

Cuộc họp với ông Rick Perry cũng rất quan trọng khi Mỹ trở thành nhân tố chính trong thị trường khí hóa lỏng sau cuộc cách mạng khí đá phiến. Hơn nữa, Mỹ dự định sẽ cạnh tranh với Nga ở châu Âu trong lĩnh vực này. Sự phát triển của thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã dẫn đến một sự biến đổi lớn của thị trường khí thiên nhiên. Vào đầu tháng 1/2018, các phương tiện truyền thông cho biết, khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga từ Yamal LNG đang trên đường đến Mỹ trên tàu Engie LNG.

Rất khó để dự đoán liệu các cuộc họp giữa Nga, EU và Mỹ sẽ chuyển thành những hành động cụ thể hay không. Đặc biệt là khi Mỹ đang chuẩn bị công bố các biện pháp trừng phạt mới với Nga.

Ngày 21/5/2014, Nga đã ký một “hợp đồng thế kỷ” với Trung Quốc nhằm xây dựng đường ống dẫn khí Siberia. Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2019, đường ống này có khả năng vận chuyển 38 tỉ m3 khí từ Nga sang Trung Quốc trong vòng 30 năm tới.

S.P