Độc lập, đủ mạnh và chuyên nghiệp
6 vụ trong 12 năm
Trong thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, các hành vi phản cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều, như: thỏa thuận ấn định giá, gièm pha đối thủ, lôi kéo nhân viên, xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, cạnh tranh không lành mạnh… Nhưng hơn 12 năm qua, cơ quan quản lý cạnh tranh và hội đồng cạnh tranh quốc gia mới chỉ điều tra, xử lý được 6 vụ việc hạn chế cạnh tranh, trong đó có đến 4/6 vụ bị trả hồ sơ, đình chỉ giải quyết; thời gian điều tra, xử lý trung bình mỗi vụ kéo dài tới 3 năm.
![]() |
Luật Cạnh tranh là một đạo luật quan trọng của kinh tế thị trường |
Không chỉ ở trong nước, với xu thế toàn cầu hóa và mở cửa thị trường, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp mở rộng trên lãnh thổ của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ tại một số quốc gia trên thế giới tiềm ẩn tác động bất lợi đến nền kinh tế trong nước. Luật Cạnh tranh 2004 cũng không đề cập đến vấn đề này.
Với quy định xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mức đề nghị tối đa 500 triệu đồng theo dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được nhận định là thấp. |
Từ những hạn chế, bất cập đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh 2004 là rất cần thiết để tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ người tiêu dùng.
Độc lập và chuyên nghiệp
Góp ý cho Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng một cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập và chuyên nghiệp.
Bà Vũ Ngọc Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) nhận định, hiệu lực của Luật Cạnh tranh phụ thuộc lớn vào vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia. Do đó rất cần một cơ quan đủ mạnh, đủ độc lập để thực hiện nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế ở quy mô liên ngành, đa ngành, các vụ việc liên quan đến cạnh tranh trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Tri Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM) - trong nền kinh tế ngày càng có nhiều cạnh tranh thì xung đột lợi ích càng lớn và khi xung đột lợi ích càng lớn thì cơ quan quản lý cạnh tranh phải càng độc lập với tất cả các bên để khách quan, công bằng trong bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đúng pháp luật. Ngoài độc lập, cơ quan quản lý cạnh tranh còn phải có vị thế lớn hơn, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
Ông Thắng đề nghị hai mô hình: Thứ nhất, cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc các bộ khi các bộ không làm đại diện vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nữa mà chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Thứ hai, cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Chính phủ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Cạnh tranh đối với các hành vi được xác lập ngoài lãnh thổ Việt Nam, để có căn cứ phối hợp trong trường hợp có yêu cầu từ phía nước ngoài nhằm xử lý, giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến các doanh nghiệp Việt Nam hoặc giải quyết, xử lý hành vi của các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam.
Với quy định xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mức đề nghị tối đa 500 triệu đồng theo dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được nhận định là thấp, vì trong số các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì có một số hành vi có thể gây tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp như: xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh, gièm pha, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác… và đổi lại được lợi nhuận lớn.
Ông Trần Tấn Sinh, Trưởng phòng 10 Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM: “Thực tiễn trong nhiều năm qua, kể từ khi Luật Cạnh tranh 2004 có hiệu lực cho đến nay, Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM chưa tham gia kiểm sát, xét xử vụ án hành chính nào liên quan đến vụ việc cạnh tranh, mặc dù TP HCM là một thị trường kinh tế lớn và năng động nhất cả nước”. |
Đại biểu Phạm Phú Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM: “Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương như trước đây là không phù hợp, vì Bộ Công Thương hiện nay vừa có chức năng quản lý Nhà nước, vừa thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia - cơ quan có quyền xem xét, giải quyết các vụ việc cạnh tranh - trực thuộc Bộ Công Thương có thể dẫn đến xung đột lợi ích trong trường hợp doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước do Bộ Công Thương đại diện chủ sở hữu là một bên tham gia tố tụng cạnh tranh. Do đó, cơ quan cạnh tranh quốc gia phải do một tổ chức độc lập, có thể trực thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ”. |
Mai Phương
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới
-
Giá dầu hôm nay (22/4): Dầu thô tăng trong phiên
-
Tin tức kinh tế ngày 21/4: Giá vàng vọt tăng
-
Tin thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay trở lại sắc đỏ