Doanh nghiệp trong nước đang dần cân bằng cán cân xuất khẩu

11:50 | 26/10/2020

480 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã tăng cường đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng trưởng giá trị xuất khẩu, từ đó kéo lại dần khoảng cách với doanh nghiệp FDI. Đây là tín hiệu đáng mừng, dần xóa tan đi ám ảnh nền kinh tế lệ thuộc vào một nhóm doanh nghiệp, tạo thế cho sự phát triển cân bằng của nền kinh tế nước ta.

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài hướng về xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường quốc tế, nâng cao rõ rệt năng lực xuất khẩu, đặc biệt là trong công nghiệp.

Doanh nghiệp trong nước đang dần cân bằng cán cân xuất khẩu
PV OIL là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam.

Vào năm 2001, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô. Liên tục những năm tiếp theo, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng dần, đạt cao nhất khoảng 71,4% vào năm 2018. Nếu nhìn xa hơn nữa thì trước năm 2003, dầu thô chiếm tới gần 50% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI. Đến 9 tháng năm 2020, tỷ lệ dầu thô trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 1%.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131,1 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn đóng vai trò chủ đạo còn khi chiếm tới 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xét về vai trò, doanh nghiệp FDI đã góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo (điện tử, máy tính và linh kiện, các sản phẩm từ nhựa, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng...).

Nhưng kể từ năm 2019, xuất khẩu doanh nghiệp trong nước đã tăng mạnh, trong khi khu vực FDI tăng chậm hoặc giảm, nên tỷ trọng giá trị xuất khẩu khu vực FDI đã giảm dần. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước năm 2019 đạt 82,96 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của khu vực FDI. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng 9 tháng qua, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.

Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tích cực trong bối cảnh xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không chủ yếu phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Bởi vậy, điểm mấu chốt cần quan tâm và chú trọng hơn nữa là việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, đưa doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị cho doanh nghiệp FDI tạo ra.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, để giải quyết vấn đề này, Bộ xác định sẽ tập trung vào một số hướng giải pháp trọng tâm như hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI sở hữu các dây chuyền, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị cao đến đầu tư ở Việt Nam.

nhat-ban-ho-tro-phat-trien-cong-nghiep-phu-tro-cua-viet-nam
Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ.

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ chú trọng phát huy tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối với sản xuất trong nước. Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt cuộc trao đổi song phương, đa phương để khuyến khích doanh nghiệp FDI lớn liên doanh, liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các nhà cung cấp trong nước. Đặc biệt là công tác chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại cho doanh nghiệp trong nước thông qua các dự án liên doanh, liên kết trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống các trường đại học, cao đẳng trực thuộc đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Có thể thấy rằng, sự chuyển dịch giá trị xuất khẩu giữa hai nhóm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước. Tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn rất lớn, đang cần nhiều hơn nữa những cú hích “trúng đích” từ phía Chính phủ, các bộ ngành quản lý về thể chế, ưu đãi khuyến khích phát triển công nghệ... để các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam vươn mình, tự tin bước ra thị trường thế giới.

Thành Công

Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam
Nên phát triển mô hình công ty dịch vụ năng lượng tại Việt Nam Nên phát triển mô hình công ty dịch vụ năng lượng tại Việt Nam
VEPR hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 xuống dưới 2% VEPR hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 xuống dưới 2%
“Phát lộ” kẽ hở hình thành “nhóm lợi ích” khi tái cơ cấu lại nền kinh tế “Phát lộ” kẽ hở hình thành “nhóm lợi ích” khi tái cơ cấu lại nền kinh tế