Doanh nghiệp làm gì trong nền kinh tế số?

06:50 | 30/05/2018

1,547 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong thực tiễn kinh doanh, doanh nghiệp dựa vào công nghệ số sẽ phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, nội lực… Tại Diễn đàn Doanh nghiệp trong nền kinh tế số, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã ghi lại những giải pháp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
doanh nghiep lam gi trong nen kinh te so

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy:

“Trong xu thế kinh tế số đang phát triển như hiện nay, không phải DN nào cũng nên ồ ạt chuyển sang kinh tế số, mà phải phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, trình độ năng lực của từng doanh nghiệp. Mỗi DN nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi số phù hợp”.

doanh nghiep lam gi trong nen kinh te so

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc:

“Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin đang là một trong những thách thức lớn đối với lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam. Ngoài ra, môi trường pháp lý; thách thức về an ninh, bảo mật, triển khai thương mại điện tử cũng như khả năng thích ứng với nền kinh tế số của DN Việt Nam còn hạn chế”.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Hai điều kiện cần và đủ với doanh nghiệp

doanh nghiep lam gi trong nen kinh te so

Có hai điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp (DN) hướng tới nền kinh tế số.

Thứ nhất, Nhà nước phải làm gì để xây dựng “bệ đỡ”, xây dựng thể chế chắc chắn để tạo điều kiện cho các DN có thể thích ứng và phát triển? Hiện tại, chúng ta đang đề cập đến các vấn đề lớn mà chưa sửa được các vấn đề nhỏ, chẳng hạn như môi trường pháp lý. Điều các DN cần hiện nay đó là một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Thứ hai, nhận thức và mức độ sẵn sàng của DN như thế nào trong nền kinh tế số? Ngay bản thân nhiều DN dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin vẫn còn những tư duy thụ động trong góc độ chuyển đổi số. Chuyển đổi số không có nghĩa là mua sắm phần mềm, trang thiết bị mà quan trọng là làm thế nào để linh hoạt trong chuyển đổi mô hình kinh doanh và thích ứng được với sự chuyển đổi khoa học kỹ thuật.

Đây là hai vướng mắc lớn nhất cần tháo gỡ cho DN trước khi tiếp cận với cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi theo nền kinh tế số.

Ông Dương Anh Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP VNET: Khác biệt cách nhìn về kinh doanh trên mạng

doanh nghiep lam gi trong nen kinh te so

Công nghệ thông tin và Internet gần như đã phủ hết cả nước, tạo điều kiện cho các nghề mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời và một số nghề cũ sẽ mất đi. DN nào không ứng dụng công nghệ thông tin sẽ bị tụt hậu và dần mất cơ hội.

Điều trăn trở nhất của DN đang hoạt động dựa vào công nghệ số hiện nay tại Việt Nam là được làm những gì? Những năm qua, các nhà mạng của Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực. Nhưng sự kiện “đánh bạc qua mạng” vừa qua đã khiến doanh thu của các nhà mạng sụt giảm nghiêm trọng xuống chỉ còn 20% khi bị dừng giao dịch rất nhiều thẻ.

Công nghệ thông tin và Internet gần như đã phủ hết cả nước, tạo điều kiện cho các nghề mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời và một số nghề cũ sẽ mất đi. Doanh nghiệp nào không ứng dụng công nghệ thông tin sẽ bị tụt hậu và dần mất cơ hội.

Bên cạnh đó, chuyện các cơ quan công an, cơ quan thuế tại TP HCM đang vào cuộc chấn chỉnh hành vi bán hàng trên mạng của các cá nhân có lợi nhuận tốt (trên 100 triệu đồng) đã đặt ra vấn đề quan ngại về góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các DN, cá nhân dựa vào công nghệ số. Trong khi chúng ta cần phổ biến ứng dụng số hóa thì các cơ quan chức năng lại cản trở hoạt động của DN, cá nhân đang tạo ra lợi nhuận từ số hóa.

Có thể thấy rằng, kinh doanh trên mạng đang tồn tại góc nhìn khác biệt từ cơ quan công an, thuế và DN. Cơ quan chức năng chưa có góc nhìn phù hợp và chưa có sự phối hợp tốt để xây dựng các quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy DN phát triển trong nền kinh tế số.

Ông Trần Thành Nam - Giám đốc Công ty CP Công nghệ và dịch vụ Moca: Nhìn ra cơ hội dưới góc độ người tiêu dùng

doanh nghiep lam gi trong nen kinh te so

Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Câu chuyện về Grab là một ví dụ, có hàng triệu người dùng hằng ngày. Vấn đề ở chỗ, DN cần có năng lực tiếp cận để nhận thấy những thách thức đến từ nội tại, nhận rõ thị trường, xây dựng lòng tin và năng lực kinh doanh.

DN cần hiểu thấu đáo nền kinh tế số, phải nhìn thấy cơ hội dưới góc độ là người tiêu dùng. Người tiêu dùng trong nền kinh tế số cần những dịch vụ số mà DN chưa hình dung ra hoặc DN đã làm rồi nhưng với phiên bản khác. Thích ứng với nền kinh tế số không có nghĩa DN chỉ cần số hóa một dịch vụ cũ mà họ đang làm theo cách 2.0 hoặc 3.0.

Ví dụ, nhận một hồ sơ xin mở thẻ tín dụng, trước kia, ngân hàng yêu cầu khách hàng trực tiếp đến quầy thì bây giờ có thể số hóa bằng cách cho người tiêu dùng điền hồ sơ qua mạng. Đấy là một hoạt động số hóa dịch vụ mà chúng ta đang có. Thế nhưng, người tiêu dùng hiện nay có thể không cần thẻ tín dụng nữa, trong cuộc sống số, họ có thể mua hàng trên mạng thông qua ứng dụng của một DN trung gian nào đó, ngay khi họ đang lướt web.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngân hàng số

doanh nghiep lam gi trong nen kinh te so

Các ngân hàng cũng là các DN, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Từ góc độ Hiệp hội Ngân hàng, thành viên là các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính và một số định chế liên quan, tôi xin nêu vài suy nghĩ cá nhân về ngân hàng trong nền kinh tế số.

Thứ nhất: Trong nền kinh tế đang trong quá trình số hóa với tốc độ ngày càng cao hiện nay, hệ thống ngân hàng đang bước vào quá trình chuyển đổi từ hoạt động ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số.

Thứ hai: Có một số vấn đề đang đặt ra cần giải quyết nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang ngân hàng số, chẳng hạn như khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của ngân hàng số nhìn chung còn rất thiếu, chưa đồng bộ, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Đây là vấn đề rất vướng cho các ngân hàng khi công nghệ và hạ tầng của một số sản phẩm, dịch vụ đã sẵn sàng nhưng pháp luật chưa cho phép, khiến các ngân hàng không dám triển khai.

doanh nghiep lam gi trong nen kinh te so
Toàn cảnh diễn đàn doanh nghiệp với nền kinh tế số

Để giải quyết vấn đề này, một mặt các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng tốc tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết cho công nghệ số phát triển, đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng dụng của các DN nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng. Mặt khác, Chính phủ cần có quy định cho phép thử nghiệm những sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới trong khi khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa có để tạo điều kiện cho khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới.

TS Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh: Số hóa thông tin DN

doanh nghiep lam gi trong nen kinh te so

Theo thời gian, khuôn khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh đã và đang được hoàn thiện để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống thông tin quốc gia về DN với vai trò là một hệ thống lưu giữ và phổ biến các thông tin thông qua việc số hóa các dữ liệu đăng ký DN đã trở thành một kênh thông tin hữu hiệu giúp DN mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN đã được chính thức đi vào vận hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2010, bảo đảm cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin có giá trị pháp lý về đăng ký DN cho các cơ quan có liên quan, cộng đồng DN và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh. Hệ thống bao gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN và Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.

Có một số vấn đề đang đặt ra cần giải quyết nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang ngân hàng số, chẳng hạn như khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của ngân hàng số nhìn chung còn rất thiếu, chưa đồng bộ, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.

Hiện nay, các thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN bao gồm thông tin gốc của hơn 1.000.000 doanh nghiệp trong nước và DN FDI và 300.000 đơn vị phụ thuộc trên phạm vi toàn quốc. Hàng ngày, theo thời gian thực, tất cả thông tin đăng ký DN từ 63 phòng đăng ký kinh doanh ở 63 tỉnh, thành phố được tích hợp vào trong cơ sở dữ liệu này. Đây chính là kho thông tin trực tuyến đóng vai trò là công cụ hỗ trợ đắc lực cho DN trong quá trình hoạt động, tìm hiểu đối tác, bạn hàng, cũng như là một kênh quảng bá cho chính DN, trên cơ sở đó, giúp DN mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính từ vai trò và ý nghĩa đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 714 công nhận 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, làm nền tảng xây dựng chính phủ điện tử.

DN có thể khai thác các thông tin đã được số hóa trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN (dangkykinhdoanh.gov.vn). Cổng thông tin này cung cấp các công cụ tìm kiếm, cho phép DN tra cứu các thông tin cơ bản, miễn phí, có giá trị pháp lý của DN, bao gồm: tên DN, mã số DN, loại hình DN, tình trạng DN, người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở chính, danh sách ngành nghề kinh doanh, các bố cáo đã công bố của DN...

Ngoài ra, các nhu cầu tìm kiếm sâu hơn của DN cũng sẽ được đáp ứng thông qua dịch vụ cung cấp thông tin từ hệ thống. Các sản phẩm dịch vụ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác, kinh doanh của DN, giúp các cá nhân, DN tiếp cận và quản lý khách hàng tốt hơn, mở rộng thị trường, tìm hiểu định hướng, xu hướng kinh tế thị trường, hạn chế các rủi ro trong giao dịch thương mại, dân sự, tổng hợp báo cáo... đồng thời nâng cao sự giám sát của toàn xã hội đối với cộng đồng DN và hướng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, Cổng thông tin đã đạt tới số lượt truy cập là hơn 235 triệu (so với khoảng hơn 20 triệu năm 2015).

Có thể thấy rằng, các thông tin DN được số hóa, lưu trữ và phổ biến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN giúp DN giảm thiểu các chi phí cũng như rủi ro, đồng thời hỗ trợ DN trong việc tìm hiểu đối tác, tự quảng bá để mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển kinh tế số

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khẳng định, các nền kinh tế trên thế giới hiện nay đang được dẫn dắt bởi công nghệ số, nên đây là ưu tiên phát triển hàng đầu của các quốc gia, không riêng gì Việt Nam.

Công nghệ số được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, để giúp ASEAN trở thành 1 trong 5 nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Theo báo cáo của Google và Temasek, nền kinh tế số của khu vực ASEAN đã có những đột phá trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số khu vực ASEAN năm 2017 đã vượt kỳ vọng, đạt 27%/năm và đạt mốc 50 tỉ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực (dự kiến sẽ chiếm 6% GDP vào năm 2025). Đóng góp vào sự tăng trưởng này là các ngành du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, phương tiện truyền thông và giải trí trực tuyến, đặt xe trực tuyến...”.

Chủ tịch VCCI nhận định rằng, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế... Nhiều DN Việt đã tích cực nhập cuộc thương mại điện tử, tạo các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, ví điện tử (123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo...), mạng xã hội (Zalo), thiết bị IoT (máy bán nước, máy bán bánh pizza tự động tích hợp giải pháp thanh toán điện tử cho máy bán hàng VPOS)...

Tuy nhiên, tỷ trọng của thương mại điện tử chỉ chiếm 3,6% trong tổng số doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam. Đây là con số khiêm tốn so với mức trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (14,5%).

Theo Chủ tịch VCCI, bên cạnh những cơ hội, nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới cũng đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho DN Việt Nam. Nếu không thể nắm bắt cơ hội và hòa mình vào xu thế thời đại này, DN Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà hoặc lùi dần xuống những bậc thấp hơn, ít lợi nhuận hơn trong các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.

Nguyễn Hoan - Thành Công