"Đo đếm" suy thoái kinh tế toàn cầu 2023

10:23 | 21/01/2023

639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tăng lãi suất, bất ổn thị trường năng lượng, những vấn đề của kinh tế Trung Quốc... là những nguyên nhân chủ yếu có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế năm 2023.
Theo IMF, khoảng 1/3 nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái

Sau nhiều dự báo định tính, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) định lượng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, tương đương với khối lượng khoảng 35.000 tỷ USD, gần bằng tổng GDP hai nền kinh tế lớn nhất hiện nay cộng lại. Đáng chú ý, Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva cho rằng “Mỹ có thể tránh được suy thoái”.

Với một đường lối hành động khác biệt, Trung Quốc luôn là ẩn số khiến phần còn lại thấp thỏm. Hiện tại, dịch bệnh COVID-19 đang bủa vây Trung Quốc; khả năng khôi phục sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu còn bỏ ngỏ. Đây là nguyên nhân dẫn đến đánh giá tình hình tăng trưởng của nước này không khả quan.

Ngoài ra, Trung Quốc đang khởi đầu chặng đường dài 100 năm lần thứ 2, chuyển đổi động lực kinh tế từ bất động sản, xây dựng cơ bản, internet, gia công lắp ráp sang chế tạo, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi.

Quá trình chuyển đổi gây ra nhiều “vết thương” trầm trọng, khủng hoảng có chủ đích thị trường bất động sản, tước đoạt quyền lực kinh tế từ các "ông lớn" công nghệ. Mặt khác, Trung Quốc còn bị rơi vào vòng xoáy đối đầu thương mại, công nghệ với Mỹ khiến nền kinh tế Trung Quốc phát lộ điểm yếu, cần thời gian để định hình lộ trình mới.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu đã chững lại nhiều năm nay, do tới hạn mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, chiến sự Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 khiến khu vực này gánh thêm khủng hoảng dầu mỏ, khí đốt, lương thực, gây lạm phát diện rộng.

Hàng loạt doanh nghiệp ở châu Âu đã đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất do lạm phát chi phí đẩy. Nhưng điểm “đáy” vẫn chưa dò xong, ít nhất sau mùa đông này khủng hoảng năng lượng sẽ rõ ràng hơn khi các kho chứa vốn không được lấp đầy bị sử dụng hết.

Bấp bênh nguồn cung năng lượng khiến dự báo về lạm phát rất tiêu cực. Cụ thể, ở khu vực đồng euro, lạm phát dự kiến sẽ cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Lạm phát của Eurozone tăng hơn 6% trong năm 2023 và khoảng 2,7% trong năm 2024.

Sự cộng hưởng giữa suy thoái kinh tế và mức lãi suất cao kỷ lục trên khắp châu Âu cũng được cho là sẽ gây ra “đóng băng” mọi ngõ ngách trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế xuất khẩu ở Đông Nam Á, Trung Á, Nam Mỹ và Bắc Phi.

Tăng lãi suất cơ bản, đặc biệt từ FED; bấp bênh thị trường năng lượng là hai nguyên nhân chủ đạo dẫn đến khủng hoảng kinh tế 2023

Với nền kinh tế Mỹ hiện tại, mọi an nguy đều được nhìn thấy ở hành động của Cục dự trữ liên bang (FED). Tổ chức tài chính quyền lực này chưa thể đảo chiều lãi suất trong nửa đầu năm nay.

Lãi suất FED dự báo vượt 5% trong năm nay vì chưa sẵn sàng cho việc “xoay trục” chính sách tiền tệ một cách đáng kể cho tới khi họ thấy có bằng chứng bền vững và chắc chắn về diễn biến tích cực của các áp lực lạm phát.

Ưu tiên hàng đầu hiện nay của FED là đưa lạm phát về mức 2% và chấp nhận suy thoái kinh tế - như tuyên bố của Chủ tịch FED, Jerome Powell tại hội nghị chuyên đề thường niên các ngân hàng trung ương ở Jackson Hole, bang Wyoming hồi cuối tháng 8/2022.

Nhưng mục tiêu này phụ thuộc phần lớn vào thị trường dầu mỏ toàn cầu. Nếu “vàng đen” tiếp tục khan hiếm, OPEC+ chưa thay đổi chính sách khai thác; Nga bị cấm vận ngặt nghèo, Trung Quốc không xả kho chiến lược thì lạm phát vẫn là biến số khó lường!

Theo DDDN

Colombia chỉ trích Mỹ “hủy hoại nền kinh tế toàn cầu”Colombia chỉ trích Mỹ “hủy hoại nền kinh tế toàn cầu”
Khảo sát: Kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái trong năm 2023Khảo sát: Kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái trong năm 2023
OPEC lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầuOPEC lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu