Điều thiêng liêng còn mãi

07:08 | 22/07/2016

858 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một tổn thất lớn đối với  đất nước ta, quân đội ta. Những ngày tháng 6 vừa qua, trái tim mỗi người dân đất Việt như ngừng đập khi hay tin máy bay SU-30 của Không quân Việt Nam gặp nạn.

Rồi sau đó, máy bay CASA 212 chở theo chín quân nhân đi tìm đồng đội cũng bị rơi. Mười phi công và cán bộ, chiến sĩ trên hai chiếc máy bay đã hy sinh! Lễ tang Đại tá Trần Quang Khải, người con quê hương Bắc Giang đã được tổ chức trọng thể, trong niềm xúc động khôn nguôi. Và ngày 30-6 lễ viếng các đồng chí trên phi hành đoàn CASA 212 diễn ra trong một ngày mưa Hà Nội. Mưa kéo dài suốt buổi sáng. Người dân Hà Nội dậy từ rất sớm xếp hàng dài hai bên đường đưa tiễn các anh. Những trái tim đau buốt!

dieu thieng lieng con mai
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương viếng các liệt sĩ đoàn bay CASA 212

Câu hỏi này cha mẹ, cô bác, anh chị em ta đã từng hỏi trong suốt đằng đẵng mấy cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Và giờ đây lại nhói lên, day dứt, xót xa. Chúng ta vẫn đi tìm câu trả lời trong suốt chiều dài lịch sử, trong chiều sâu văn hóa dân tộc, trong các Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Đường Chín... Những con số như găm vào tim vào óc: Mười nghìn ngôi mộ ở mỗi Nghĩa trang này, “mười nghìn bát hương/ mười nghìn ngôi sao cháy/ mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn” (“Khát vọng Trường Sơn” - “Nguyễn Hữu Quý”). Những mất mát không gì so sánh nổi. Ta đau xót nhớ tới những con số trĩu nặng hai thế kỷ: Cả nước có hơn 1 triệu 146 nghìn liệt sĩ, gần 782 nghìn thương binh, hơn 50 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đứng lặng trong chiều Nghĩa trang Trường Sơn, tôi từng nghe một nhà báo nước ngoài bình luận: “Mỗi tấm bia trong nghìn tấm bia như những cuốn sách lưu giữ hài cốt của trí tuệ. Thật tiếc cho những tài năng đã hy sinh”. Ngay tức khắc một nhà báo, nhà thơ của binh đoàn Trường Sơn lên tiếng: Tôi lại nghĩ, mỗi tấm bia trong nghĩa trang Liệt sĩ giống như cuốn sách mở. Cuốn sách ấy mở về quá khứ, mở về tương lai.

Sau chiến tranh. Còn biết bao đồng đội nằm lại trên các nẻo đường đánh giặc. Và biết bao người trở về với cơ thể không lành lặn. Tôi thường nghĩ có hai thứ vô danh, đó là, những người hy sinh chưa rõ tên. Trên tấm bia trong nghĩa trang ghi rõ “Liệt sĩ chưa rõ tên”. Một thứ vô danh khác, đó là những người đang âm thầm lao động, công tác, quên đi những hy sinh, mất mát đời thường, quên đi những tấm huân chương, quên đi những ưu tiên này nọ, bởi họ biết đất nước còn nghèo. Dù nhân dân ta với đạo lý “uống nhớ nguồn”, không bao giờ quên những người đã cống hiến, hy sinh vì đất nước, nhưng người lính trở về thì lại nghĩ khác. Họ bước vào cuộc chiến đấu mới, bằng trí tuệ và sức lực của mình. Ở xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có bà Đặng Thị Bảy (Bảy Nhỏ) là thương binh hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 89%, trong đầu còn ba mảnh đạn. Hết chiến tranh cô Bảy trở về quê hương. Suốt 20 năm bán vé số, dành dụm được 70 triệu đồng, cô đã mang toàn bộ số tiền lên UBND xã xin được ủng hộ vào việc tu bổ nghĩa trang Liệt sĩ của xã. Thấy hoàn cảnh cô còn nhiều khó khăn, cô lại đau yếu luôn, mấy anh cán bộ xã không dám nhận. Cô bùi ngùi: Đây là việc làm thực hiện lời hứa của tôi với người đã mất. Tấm lòng này bị từ chối thì tôi không muốn sống nữa!

Trên khắp các miền quê đất Việt, không hiếm những thương binh giàu nghị lực và lòng nhân ái như bà Bảy Nhỏ. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng trong những giấc mơ người lính vẫn dội lên tiếng bom, tiếng súng và lời dặn đứt quãng của đồng đội thân yêu ngã xuống chiến hào. Mọi chính sách, chế độ đãi ngộ dù quan tâm bao nhiêu cũng không bao giờ là đầy đủ. Dẫu rằng chúng ta đã liên tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình mới. Cần làm tốt hơn nữa việc xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình chính sách và người có công. Các chương trình tình nghĩa phải được mở rộng, phong phú, đa dạng và thiết thực hơn. Các chương trình tình nghĩa, như xây dựng “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng… cần được thực hiện thường xuyên, chủ động và sáng tạo. Bởi đó đây vẫn còn nhiều chuyện chưa vui. Đau lòng nhất là chuyện lợi dụng niềm tin của gia đình liệt sĩ để trục lợi. Rồi chuyện tham ô, bớt xét tiêu chuẩn, kéo dài thời gian, chậm trễ trong việc xét công nhận đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng và các đối tượng chính sách khác.

Gần đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang hy sinh trong huấn luyện, bảo vệ biên giới, hải đảo, phòng chống tội phạm, cứu nạn, cứu hộ… đã được các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương quan tâm chu đáo. Sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ trong thời bình gây xúc động lớn trong lòng dân. Đảng, Nhà nước, quân đội, công an đã kịp thời có những chủ trương, chính sách kịp thời, như truy phong quân hàm trước niên hạn đối với cán bộ, chiến sĩ hy sinh; tuyển dụng vợ con họ vào làm việc trong đơn vị, trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở, v.v... Điều đáng ghi nhận là cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, doanh nghiệp đã cùng vào cuộc, chia sẻ những mất mát lớn lao, giúp người thân của các liệt sĩ bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Chiêm ngưỡng “những cuốn sách mở về tương lai”, mỗi người yêu nước hãy xích lại gần nhau, để gìn giữ non sông này, không để kẻ thù cướp đi một tấc đất, một sải biển. Những người anh dũng hy sinh là để Tổ quốc sống mãi. Điều thiêng liêng còn mãi là tình yêu đất nước, là tình nghĩa con người, là đạo lý nhớ về nguồn cội. Ngoài Biển Đông kia, trên bầu trời cao xanh kia vốn chưa khi nào yên tĩnh. Kẻ thù còn đang rập rình sau từng mô đá, từng gợn sóng. Những người ngã xuống hôm qua đang nhắc chúng ta hãy cầm súng lên. Cảnh giác!

Hải Đường

Năng lượng Mới 542