Điều kiện về nhập máy móc cũ: Không nên cấm cả gói!
Năng lượng Mới số 408
Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) ban hành, có hiệu lực thi hành ngày 1/9/2014. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc nên Thủ tướng Chính phủ đã cho tạm dừng thực hiện Thông tư này. Hiện nay, Bộ KHCN đang tiếp tục lấy ý kiến doanh nghiệp với mục tiêu hoàn thiện thông tư phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Với những quy định trong dự thảo thông tư mới được đưa ra, các doanh nghiệp cho là quá cứng nhắc, không phù hợp với tình hình thực tiễn, không những không giảm tình trạng nhập máy móc kém chất lượng mà còn phát sinh thêm thủ tục và chi phí hành chính, chi phí “bôi trơn” cho doanh nghiệp.
Hải quan kiểm tra máy móc nhập khẩu
Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng lý giải, với ngành in, những loại máy in truyền thống như in offset, in ống đồng, in Flexo… thì 20 năm hoặc hơn vẫn rất tốt nếu là máy của CHLB Đức, Nhật Bản, Mỹ, Italia… nên nếu cứ quy định nhập máy móc trong niên hạn 10 năm thì rất khó tìm mua trên thế giới, trừ các công ty bị phá sản muốn thanh lý.
Là một doanh nghiệp có nhiều năm trong lĩnh vực in ấn, Công ty Bao bì Đoàn Kết bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến của Hiệp hội In đưa ra. Giám đốc công ty, bà Hoàng Thu Hương chia sẻ: Máy in cơ bản chỉ là sản phẩm cơ khí, nhiều tính năng tự động cũng như không có yếu tố gây tổn hại đến môi trường khi sử dụng công nghệ cũ. Trên thế giới có Đức và Nhật Bản sở hữu công nghệ in và chế tạo máy in hàng đầu hiện nay. Máy móc của 2 nước này sản xuất có thể sử dụng được trên dưới 30 năm và được cả thế giới sử dụng. Ngay tại Mỹ, có rất nhiều máy in của Nhật Bản được sản xuất từ những năm 80 của thế kỷ trước nay vẫn chạy tốt, chỉ cần trung tu, đại tu là chạy như mới. Rất nhiều loại như thế đã và đang được sử dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực in ấn.
Cũng theo bà Hương, doanh nghiệp thà mua máy cũ từ Đức, Nhật còn hơn mua máy mới từ Trung Quốc - giá đắt gấp đôi mà chất lượng thì thua xa. Quy định tại Điều 8, bắt buộc máy móc phải đi qua cơ quan giám định độc lập thực chất cũng chỉ là hình thức và mệnh lệnh, gây phiền hà thêm cho doanh nghiệp: “Người giám định tốt nhất là người bỏ tiền ra mua máy đó. Chẳng ai dại gì bỏ một đống tiền để mua một sản phẩm không sử dụng tốt và không xứng đáng với tiền mình bỏ ra”.
Với việc thẩm định tại cảng như trong thông tư nêu lên, các doanh nghiệp bày tỏ, liệu cơ quan, chuyên gia đăng kiểm nào của Việt Nam có thể có đủ năng lực, móc móc, thiết bị để có thể khẳng định rằng số máy móc thiết bị cần kiểm tra có đạt chất lượng tối thiểu 80%; hay đó chỉ là cái cớ, là điều kiện để phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp nhập khẩu về thời gian, tiền bạc. Bên cạnh đó, tại cảng, máy được đóng trong container nên các doanh nghiệp không thể có điều kiện để đóng điện vận hành kiểm tra. Do đó việc giám định chất lượng tại cảng chắc chắn chỉ mang tính chất đối phó.
Ở một góc nhìn khác, doanh nghiệp có lý do để sử dụng máy cũ để tiết kiệm chi phí, đặc biệt là các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Thành Nghĩa là công ty có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực dệt len, chủ yếu gia công cho các đối tác đến từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trao đổi với phóng viên, chủ doanh nghiệp cho biết: Với mảng dệt len nói riêng và ngành dệt may nói chung, việc nhập máy móc, thiết bị cũ là điều “cực chẳng đã”, ai có điều kiện vốn tốt sẽ chẳng dại gì đi nhập hàng đã sử dụng”. Lấy ví dụ, một chiếc máy dệt cũ của Đức hoặc Nhật sau khoảng 5 năm sử dụng có giá khoảng 35-50 ngàn USD và với hàng Trung Quốc thì con số này chỉ chưa đến một nửa. Tuy nhiên, những chiếc máy xuất xứ từ Đức và Nhật có thể sử dụng thêm cả chục năm nữa mới hết công nghệ và trong suốt những năm đó thì việc sản phẩm lỗi do máy móc là con số vô cùng nhỏ. Ngược lại, một chiếc máy cũ của Trung Quốc chỉ có thể sử dụng vài ba năm là tối đa, sản phẩm lỗi lớn, sau đó thì còn nước bán... sắt vụn!
Cũng theo chủ doanh nghiệp Thành Nghĩa, đối với các công ty quy mô nhỏ, hoặc mới gia nhập thị trường, việc đầu tư cả chục tỉ bạc cho máy Đức, Nhật là điều vô cùng khó khăn. Họ đành chọn cách nhập hàng cũ của Trung Quốc, chỉ sau đôi ba “vụ” là có thể thu hồi vốn, gắng thêm dăm năm nữa là sắm được máy “xịn”. Dệt kim nói chung là công nghệ không có gì thay đổi sau nhiều năm, có chăng chỉ là tiết kiệm điện hơn, máy móc nhỏ gọn hơn. Còn bảo máy cũ thì không ra được sản phẩm tốt, sản phẩm công nghệ mới thì không phải. Máy móc cũ theo một ý nghĩa nào đó, chính là nền móng, hay bậc thang để các doanh nghiệp mới vươn lên trong thị trường nhiều cạnh tranh.
Có thể thấy hai vướng mắc chính của Thông tư 20 là thiếu những cơ sở thực thi, kiểm định chất lượng máy móc. Cho tới thời điểm này Bộ KHCN vẫn chưa nêu rõ cơ quan nào được phép giám định dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Bởi vì trên thực tế việc thẩm định một dây chuyền công nghệ được cho là “cũ người mới ta” tại Việt Nam cũng là điều không đơn giản. Mặt khác, với những dây chuyền công nghệ khép kín đã qua sử dụng của những tập đoàn viễn thông, chế tạo ôtô, xe máy lớn trên thế giới như: Samsung, Microsoft, Toyata… thì chắc chắn không có cơ quan nào đủ năng lực để giám định.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cũng từng thừa nhận, mạng lưới cơ quan thẩm định của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được cả về lượng và về chất. Mà theo Bộ KHCN là khi ký ban hành Thông tư 20 trước đây chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành nên khi Thông tư có hiệu lực mà chưa có bộ ngành nào chỉ định được tổ chức giám định.
Với lập luận này của Bộ KHCN, các doanh nghiệp cho rằng, nếu đề ra tiêu chí chất lượng thì nên soạn thảo Bộ tiêu chuẩn chất lượng Quốc gia để căn cứ vào đó mà kiểm định chứ không thể phó mặc tất cả cho các cơ quan giám định.
Đáp lại những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Bộ KHCN - ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, nêu quan điểm của Bộ khi soạn thảo Thông tư 20 này là tránh tình trạng doanh nghiệp nhập những máy móc thiết bị quá cũ, lạc hậu đang diễn ra trong nhiều năm qua.
Đồng ý là không được phép biến Việt Nam thành “bãi rác công nghệ” bằng việc hạn chế nhập khẩu công nghệ, máy móc quá cũ. Tuy nhiên là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu nhập máy móc đã qua sử dụng nhưng chất lượng phù hợp là một nhu cầu thực tế, cấp bách của doanh nghiệp. Mong rằng Bộ KHCN sẽ xem xét và có phương hướng điều chỉnh hợp lý trước khi ban hành Thông tư để vừa đảm bảo về mặt quản lý Nhà nước vừa đảm bảo cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Mai Phương - Bảo Sơn
-
Khởi công phân khu 35ha The Grand Ho Tram: Cú hích mới cho bất động sản du lịch Việt Nam
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay quay đầu giảm
-
Vì sao sản lượng của OPEC+ giảm mặc dù đã cam kết tăng sản lượng?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/5: Sản lượng dầu thô của OPEC+ giảm
-
Kế hoạch bí mật của EU về khí đốt Nga và ảnh hưởng đối với xuất khẩu LNG của Mỹ