Điện lực miền Bắc với bài toán “tối ưu hóa chi phí”

07:00 | 20/03/2014

956 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; đảm bảo khối lượng và tiến độ đầu tư các dự án điện theo Quy hoạch điện VII và theo kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015, đặc biệt là các công trình cấp bách cấp điện cho miền Nam; đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu Tập đoàn và đổi mới quản trị doanh nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là tối ưu hóa chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Năng lượng Mới số 305

Theo EVN, “tối ưu hóa chi phí” là nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đầu tư để phát triển bền vững thông qua việc sử dụng tối ưu mọi nguồn lực, các nguồn vốn là yêu cầu cấp bách và là mục tiêu của Chính phủ đề ra đối với EVN. Chọn chủ đề “tối ưu hóa chi phí”, Tập đoàn thể hiện quyết tâm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp để giảm giá thành sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Sửa chữa trạm biến áp ở Điện lực Đà Nẵng

Quán triệt tinh thần trên, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện một cách hiệu quả nhất mục tiêu “tối ưu hóa chi phí” mà EVN đã đề ra. Ông Thiều Kim Quỳnh - Phó tổng giám đốc EVN NPC cho biết: EVN NPC sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư ngay từ khâu chuẩn bị lập dự án đầu tư, thẩm định phê duyệt; triển khai đồng bộ và gắn liền với tối ưu hóa trong các lĩnh vực quản lý kỹ thuật vận hành, kinh doanh điện năng, quản lý vật tư thiết bị, định mức lao động hợp lý - tối ưu, đổi mới cơ chế tiền lương, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của toàn tổng công ty; hoàn chỉnh quy chế phân cấp quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư, quy định về quản lý chất lượng các công trình xây dựng phù hợp với nghị định thông tư trong tình hình hiện nay; xây dựng nội dung tối ưu hóa chi phí trong lựa chọn danh mục đầu tư xây dựng, bố trí các nguồn vốn thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát đầu tư, ưu tiên các mục đầu tư; đưa ra các tiêu chí cụ thể để xem xét như tiêu chí quy hoạch, tổn thất điện năng, vận hành tối ưu, giảm chi phí trong quản lý... và xây dựng cụ thể các thông số đầu vào cho từng khu vực, từng công ty điện lực để đảm bảo các chỉ tiêu này sát với thực tế; đặc biệt sẽ hạn chế chỉ định thầu và bố trí gói thầu hợp lý hơn để lựa chọn nhà thầu được tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng cho biết: Trong năm 2014, NPC sẽ triển khai một số dự án lưới điện phân phối quan trọng khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, như: dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La; Cấp điện cho các thôn bản chưa có điện của tỉnh Lai Châu, Bắc Kạn; Cải tạo và mở rộng lưới điện vùng sâu vùng xa của tỉnh Điện Biên, Lai Châu... nên địa bàn quản lý và sản xuất kinh doanh của EVN NPC rộng lớn, gồm nhiều tỉnh miền núi có địa hình rất phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, phụ tải không tập trung nên suất đầu tư rất cao. Đặc biệt, trong những năm qua, EVN NPC là đơn vị tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn rất lớn nên nhu cầu đầu tư để thực hiện việc cải tạo tối thiểu và cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện là rất lớn. Bên cạnh việc tận dụng tối đa nguồn vốn vay ODA với lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài để đầu tư cải tạo lưới điện nhằm tăng doanh thu, giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí lãi vay cho tổng công ty.

Và để thực hiện tốt những mục tiêu trên, EVN NPC cũng đề nghị EVN tiếp tục ưu tiên cho tổng công ty nguồn vốn ngân sách Nhà nước hằng năm để đầu tư cải tạo lưới điện các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bổ sung chi phí khấu hao tăng thêm ngoài kế hoạch do đánh giá lại tài sản và tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn RE2 tại các tỉnh EVN NPC quản lý. Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho tổng công ty tiếp cận các nguồn vốn vay ODA với lãi suất ưu đãi để đầu tư cải tạo lưới điện hiện có. Nhưng quan trọng, để đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư, EVN NPC đề nghị các địa phương thực hiện quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất quán, cần thực hiện sớm công tác dự báo phụ tải để EVN NPC chủ động trong việc lập kế hoạch và bố trí vốn, đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc đền bù giải phóng mặt bằng để thi công dự án.

Trước đó, tại hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh doanh năm 2014, nói về vấn đề “tối ưu hóa chi phí”, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh nhấn mạnh: Kinh doanh chính là khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất - truyền tải - phân phối của ngành điện. Vì vậy, nếu muốn thực hiện tốt công tác đầu tư, xây dựng, sản xuất nói chung, cũng như thực hiện thành công chủ đề năm 2014 là “tối ưu hóa chi phí và điện cho miền Nam” nói riêng, thì công tác kinh doanh phải “tạo được những đột phá căn bản” làm động lực cho các hoạt động khác.

“Bên cạnh một số thành công, công tác kinh doanh của các đơn vị thuộc EVN nói chung vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế. Đó là chất lượng điện một số nơi - nhất là các vùng mới tiếp nhận xong lưới điện hạ áp nông thôn, vẫn chưa được nâng cao, công tác dịch vụ khách hàng vẫn chưa thực sự được đồng bộ, tỷ lệ tổn thất điện năng nhiều nơi vẫn còn cao. Đặc biệt, đối với các đơn vị vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo... do nhiều nơi phải thực hiện nhiệm vụ cấp điện theo các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội... nên nhiệm vụ đảm bảo lợi nhuận kinh doanh là rất khó” - ông Thanh nói.

Thanh Ngọc