Điện hạt nhân trong mùa bão

08:00 | 29/09/2018

415 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 15/9/2018, cơn bão Florence đã đổ bộ vào bờ biển phía Đông nước Mỹ, nơi có 16 lò phản ứng hạt nhân nằm ở tiểu bang Carolina và Virginia. Phải đến cuối tháng 11 tới, mùa bão ở Mỹ mới kết thúc, nên việc bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Giải pháp ưu tiên bảo vệ

Biện pháp an toàn quan trọng nhất cho một nhà máy điện hạt nhân là bảo vệ các lõi của lò phản ứng hạt nhân. Các lò phản ứng hoạt động ở nhiệt độ trên 3500C và phải dựa vào các hệ thống làm mát. Khi các hệ thống này hư hỏng, một số phần của lõi lò phản ứng có nguy cơ tan chảy, có thể dẫn đến các vụ nổ, phân tán chất phóng xạ ra môi trường.

dien hat nhan trong mua bao
Một nhà máy điện hạt nhân ở Đông Hoa Kỳ sau cơn bão Florence

Để ngăn ngừa tai nạn, các bức tường bên ngoài của lò phản ứng hạt nhân được làm bằng bê tông cốt thép, chịu được tác động ngay cả khi bị máy bay dân dụng đâm vào, chịu được các mảnh vụn thiên thạch và sức gió 200 km/h.

Trong trường hợp có lốc xoáy, để chuẩn bị cho cơ sở hạ tầng đón thảm họa, các nhà quản lý sẽ phải kiểm tra, thử nghiệm máy bơm nước và máy phát điện dự phòng, xem xét việc lưu trữ các nguyên liệu cần thiết nếu các nhân viên của nhà máy vẫn còn trong chế độc trực.

Tại sao phải dừng lò phản ứng?

Lần đầu tiên một nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một cơn bão, đó là vào năm 1992, khi tâm bão Andrew đi qua nhà máy điện hạt nhân Turkey Point ở bang Florida, gió sức giật trên 100 km/h. Thiệt hại tại nhà máy điện hạt nhân này ước tính lên đến 90 triệu USD. Nguồn điện cung cấp cho nhà máy bị cúp trong 5 ngày, buộc các nhà quản lý phải dựa vào máy phát điện để vận hành các thiết bị cơ bản và giữ cho lõi lò phản ứng không quá nóng.

Một báo cáo từ Ủy ban Điều tiết hạt nhân Hoa Kỳ lưu ý rằng, Nhà máy Điện hạt nhân Turkey Point đã ngừng hoạt động 12 giờ trước khi cơn bão ấp đến, có nghĩa là sớm hơn cả so với khuyến cáo của các cơ quan chức năng vào thời điểm đó. Nếu các quản lý nhà máy tuân thủ đúng các khuyến nghị chính thức, có lẽ các bộ phận đã không thể sẵn sàng ứng phó với cơn bão. Và khi ấy, hậu quả thiệt hại sẽ không chỉ là 90 triệu USD.

Ngày nay, các thủ tục ngừng hoạt động một nhà máy điện hạt nhân và báo cáo đánh giá phải được tiến hành ít nhất 12 giờ trước khi bão tới, theo khuyến cáo của Hội đồng quốc gia điện hạt nhân Hoa Kỳ.

dien hat nhan trong mua bao
Những nhà máy điện hạt nhân chịu tác động của siêu bão Florence

Tại bất kỳ thời điểm nào, lượng điện có sẵn trên lưới điện phải đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cộng với những tổn thất trong quá trình truyền tải. Khi điện không được tiêu thụ hoặc không được truyền tải, cần phải ngưng việc sản xuất điện.

Ngay cả khi cần thiết để bảo vệ lưới điện, chẳng hạn như chôn đường dây điện cao thế xuống đất để ngăn chặn thiệt hại từ cây đổ hoặc mảnh vụn bay, thì các đường dây này vẫn dễ bị tổn hại do bão và lũ lụt. Trong thực tế, khi một số lượng lớn các đường dây và trạm biến áp bị hư hỏng, các lò phản ứng cũng sẽ không thể hoạt động trở lại nếu không có các cơ sở hạ tầng này.

Hiện nay, Hoa Kỳ có 99 lò phản ứng hạt nhân vẫn còn hoạt động với tổng công suất là 98,7GW. Năm 2014, tổng sản lượng điện hạt nhân của Hoa Kỳ là 797TWh, chiếm khoảng 19,5% tổng sản lượng điện quốc gia. Hạt nhân là nguồn cung cấp điện lớn thứ 3 tại Hoa Kỳ. 99 lò phản ứng hạt nhân được phân bố ở 62 nhà máy điện tại Hoa Kỳ, hầu như nằm tại miền Đông.

Trước khi cơn bão Irma tấn công Nam Florida vào tháng 5/2017, những người phụ trách Nhà máy Điện hạt nhân Turkey Point đã quyết định ngừng hoạt động các lò phản ứng trước 24 giờ, nhưng sau đó khởi động lại sau khi cơn bão thay đổi quỹ đạo.

Kinh nghiệm từ Fukushima

Ký ức về thảm họa của Nhà máy Fukushima Daiichi ở Nhật Bản vào năm 2011 vẫn còn hiện hữu trong ký ức nhiều người. Trong số 100.000 người phải sơ tán, rất ít người đã trở về khu vực bị tàn phá bởi thảm họa, mặc dù các nhà chức trách Nhật Bản cho biết, tình hình đang được kiểm soát, ít nhất là ở một số khu vực.

Thảm họa này do một cơn sóng thần gây ra. Cơn sóng dữ bắt nguồn từ trận động đất Tohoku, đã làm hư hại cả các máy phát điện dự phòng dùng để làm mát các lò phản ứng hạt nhân, dẫn đến một loạt các vụ nổ và rò rỉ phóng xạ.

Fukushima đã thay đổi cách thức nhìn nhận các cơn bão dữ, kể cả ở Hoa Kỳ, nơi Ủy ban Điều tiết hạt nhân đã thắt chặt các tiêu chuẩn an toàn ở mọi cấp độ và đưa ra các yêu cầu cụ thể cho một số nhà máy nhất định.

Tình hình trên bờ biển phía Đông Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, điện hạt nhân chiếm 1/5 tổng sản lượng điện quốc gia, nhưng bờ biển phía đông, nơi mà cơn bão Florence vừa đi qua, phụ thuộc vào điện hạt nhân nhiều hơn cả. Gần 57% lưới điện của Nam Carolina là phụ thuộc vào điện hạt nhân, trong khi Bắc Carolina và Virginia, con số này là 33%.

Tập đoàn Duke Energy, doanh nghiệp khai thác gần như tất cả các nhà máy hạt nhân ở Carolina, đã lên kế hoạch ngừng hoạt động một số lò phản ứng hạt nhân 12 giờ trước khi cơn bão Florence đến. Tập đoàn này cũng cho biết, 3/4 trong số 4 triệu khách hàng đã phải chịu tình trạng cúp điện trong vài tuần.

Bão Florence là một cơn bão nhiệt đới hình thành ngày 31/8 và tan vào ngày 18/9/2018. Sức gió mạnh nhất nơi tâm bão đi qua lên đến 220 km/h. Cơn bão đã làm 36 người chết, ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới như Tây Phi, Bermuda, Đông Hoa Kỳ (đặc biệt tại vùng Carolina) và vùng Canada Đại Tây Dương.

Những cơn bão tấn công Hoa Kỳ đa phần bắt nguồn từ các xoáy thuận nhiệt đới/cận nhiệt đới hình thành ở Đại Tây Dương, phía Bắc Xích đạo. Hằng năm, mùa bão chủ yếu diễn ra từ khoảng tháng 6 đến tháng 11, trong đó, các xoáy thuận nhiệt đới tập trung nhiều nhất vào tháng 9 do môi trường rất thuận lợi như nhiệt độ nước biển nóng nhất trong năm, gió cắt yếu...

Mùa bão 2018 chính thức bắt đầu vào ngày 25/5 với một cơn bão cận nhiệt đới hình thành vào ngày 25/5/2018 tên là Alberto, sớm hơn so với trung bình hằng năm một chút. Hiệp hội Rủi ro bão nhiệt đới (TSR), Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương (NOAA) và Đại học Tiểu bang Colorado (CSU) cho rằng, mùa bão Bắc Đại Tây Dương năm nay có khoảng 15 cơn bão, 7 bão cuồng phong và 3 bão cuồng phong lớn.

Nga giúp Uzbekistan xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Nam Phi đình chỉ dự án phát triển hạt nhân dân sự
Nhật Bản loay hoay với điện hạt nhân
Thụy Sĩ tái khởi động nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất thế giới

S.Phương