Nhật Bản loay hoay với điện hạt nhân

08:00 | 22/07/2018

532 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cách đây 6 năm, Nhật Bản muốn từ bỏ điện hạt nhân trước năm 2040. Nhưng mới đây, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu điện hạt nhân có thể đóng góp 20-30% sản lượng điện của nước này vào năm 2030.   

Đổi hướng mục tiêu

Vào giữa tháng 5/2018, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đề xuất Chiến lược năng lượng quốc gia. Sau hơn 1 tháng tranh luận công khai, ngày 3/7/2018, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch “Basic Energy plan”. Năng lượng hạt nhân được đề cập trong nhiều điều khoản khác nhau với mục đích vào năm 2030, điện hạt nhân sẽ chiếm 20-30% sản lượng điện của Nhật. Vào năm 2017, điện hạt nhân chỉ chiếm 3,6%.

Trước đây, do thiếu nguồn năng lượng hóa thạch, Nhật Bản đã phát triển năng lượng hạt nhân. Trước khi xảy ra thảm họa Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản có số nhà máy điện hạt nhân đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Pháp. Vào tháng 6/2010, trong kế hoạch chiến lược năng lượng, Nhật Bản đã tăng tỷ lệ sử dụng điện hạt nhân trong hỗn hợp năng lượng trong nước từ 29% lên 50% từ năm 2010 đến năm 2013.

Vào năm 2012, sau thảm họa Fukushima Daiichi, mục tiêu đã đổi hướng, Nhật Bản chuyển sang ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân trước năm 2040. Vào cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên nắm quyền, ông mong muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch trong sản xuất điện (nhiên liệu hóa thạch chiếm 88% sản lượng điện). Giải pháp của ông Shinzo Abe là khai thác lại các nhà máy điện hạt nhân.

nhat ban loay hoay voi dien hat nhan
Trước khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản là cường quốc thứ 3 thế giới về điện hạt nhân

Vào tháng 5/2015, Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ tham vọng năng lượng hạt nhân sẽ chiếm khoảng 1/5 hỗn hợp năng lượng vào năm 2030. Evelyne Dourille-Feer, chuyên gia kinh tế tại CEPII (Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng kinh tế và thông tin quốc tế) tại Nhật Bản giải thích: “Mong muốn của Chính phủ là tăng năng lượng hạt nhân càng nhiều càng tốt. Điều này không chỉ đáp ứng được sự độc lập năng lượng, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn tăng tính cạnh tranh vì giá điện sẽ giảm”.

Nhật Bản đã mất đi một phần doanh thu do phải dừng các lò phản ứng hạt nhân vào các năm 2011-2013. Hơn nữa, Nhật Bản còn phải tăng nhập khẩu nguyên liệu hóa thạch. Chính vì thế, Sunil Félix, cố vấn hạt nhân tại Đại sứ Pháp ở Tokyo, xác nhận “hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình đã tăng 25% và hóa đơn tiền điện của các xí nghiệp tăng 35% từ năm 2011-2014”.

Tái khởi động 9 lò phản ứng hạt nhân

Ở phía Nam Nhật Bản, từ giữa tháng 6/2018, gần 1 năm sau khi được sự cho phép của thành phố Genkai và tỉnh Saga, lò phản ứng hạt nhân Genkai 4 của Tập đoàn Kyushu Electric Power đã bắt đầu sản xuất điện trở lại. Đây là lò phản ứng thứ 9 được hoạt động trở lại kể từ khi các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản ngừng hoạt động. 8 lò phản ứng trước đó đã được kích hoạt lần lượt là Genkai 3, Sendai 1 và 2 (Kyushu Electric), Ikata 3 (Shikoku Electric), Takahama 3 và 4 (Kansai Electric), Ohi 3 và 4 (Kansai Electric).

Nhật Bản hiện vẫn còn 30 lò phản ứng hạt nhân có khả năng tái hoạt động. Để tái vận hành các lò này, những nhà cung cấp điện phải được sự cho phép của chính quyền địa phương và Cơ quan Quản lý hạt nhân (NRA) quốc gia. Ông Sunil Félix nói: “Ngày 22/6/2018, NRA nhận được 26 đơn yêu cầu mở lại các lò phản ứng hạt nhân”. Nếu 6 lò phản ứng hạt nhân khác cũng vượt qua kỳ kiểm tra (xác nhận độ an toàn trước khi khởi động lại) cũng khó có thể biết được ngày chính xác mà những lò phản ứng hạt nhân này hoạt động trở lại.

Theo đại diện Tổ chức Hòa bình Xanh (Grenpeace) tại Nhật Bản, các nhà sản xuất điện Nhật Bản sẽ phải khai thác 30 lò phản ứng hạt nhân (sản lượng tích lũy 30GW) thì mới đạt được mục tiêu 22% trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2030. Theo Grenpeace, từ nay cho đến năm 2030, rất khó để khoảng 10 lò phản ứng hạt nhân hoạt động lại.

Theo ước tính của Greenpeace, về lý thuyết, chỉ 9 trong 23 lò phản ứng có thể hoạt động trở lại vào năm 2030 và chỉ có thể đóng góp 7,3-17,5% sản lượng điện của Nhật. Phần lớn người dân Nhật Bản đều phản đối việc phục hồi lò phản ứng hạt nhân mới (55% người dân phản đối theo một cuộc thăm dò vào tháng 6/2017 trên tờ Mainichi). Hiện nay, người dân đang kiện Nhà máy Takahama vì để lò phản ứng 3 và 4 hoạt động trở lại. Vào tháng 3/2016, 2 lò phản ứng này đã phải dừng hoạt động, rồi được cho phép hoạt động lại vào tháng 3/2017.

Do sự phản đối của công chúng và các tiêu chuẩn an toàn mới, ông Sunil Félix xác nhận: “Khả năng tái khôi phục điện hạt nhân trong nước, ngay cả khi có hiệu quả, vẫn rất mong manh”. Trong khi thị trường điện hạt nhân trong nước gần đây có những dấu hiệu hồi phục chậm chạp, thì việc xuất khẩu những công nghệ hạt nhân lại đang được coi như một phương tiện duy trì nguồn lợi to lớn cho Nhật Bản và nước này đang chờ đợi một tương lai tươi sáng hơn.

Rời xa nền kinh tế carbon thấp

Trước thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, Nhật Bản đã cam kết giảm 26% khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho đến năm 2030 so với năm 2013 (giảm 80% tới năm 2050). Vào thời điểm đó, do việc sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, Nhật Bản đứng thứ 5 trong số các quốc gia thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới dù Nhật Bản có mức tiêu thụ năng lượng tính trên bình quân đầu người thấp nhất thế giới.

Ngoài các mục tiêu về hạt nhân, trong kế hoạch năng lượng mới, Nhật Bản được dự đoán sẽ sử dụng nhiều năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng nội địa, chiếm khoảng 22-24% vào năm 2030 (đặc biệt, thủy điện chiếm 8,8-9,2% và năng lượng mặt trời chiếm 7%). Theo dự kiến, năng lượng hóa thạch sẽ chiếm 56% hỗn hợp điện (27% khí gas tự nhiên hóa lỏng và 26% than đá), trong khi đó điện chỉ chiếm 28% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Nhật Bản.

Mặt khác, những nhà cung cấp điện của Nhật Bản hiện nay sẽ phải chuyển sang khai thác các nhà máy nhiệt điện than nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt điện năng do các nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa và do không sản xuất đủ điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Ông Sunil Félix cho rằng: “Làm như vậy, Nhật Bản sẽ tạm thời rời xa mục tiêu về một nền kinh tế carbon thấp”.

Nhật Bản hiện vẫn còn 30 lò phản ứng hạt nhân có khả năng tái hoạt động. Để tái vận hành các lò này, những nhà cung cấp điện phải được sự cho phép của chính quyền địa phương và Cơ quan Quản lý hạt nhân (NRA) quốc gia.

D.Hưng