Dịch Covid-19 khiến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó khả thi
Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018.
Năm 2019, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục trên 138.139 doanh nghiệp, tăng 5,2% so với năm 2018. Khu vực dịch vụ có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất với 99.548 doanh nghiệp, tăng 5,1%. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 36.562 doanh nghiệp, tăng 5,3%; khu vực nông, lâm và thủy sản có 2.029 doanh nghiệp, tăng 9,9%. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018.
![]() |
Dịch Covid-19 khiến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó khả thi |
Tuy nhiên, cũng trong năm 2019, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 28.731 doanh nghiệp, tăng 5,9%. Các ngành có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất có thể kể đến các lĩnh vực như: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 15.996 doanh nghiệp (chiếm 36,6%); xây dựng có 6.058 doanh nghiệp (chiếm 13,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.376 doanh nghiệp (chiếm 12,3%).
Đồng bằng sông Hồng là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất với 14.390 doanh nghiệp (chiếm 33%); khu vực Đông Nam Bộ có 14.035 doanh nghiệp (chiếm 32,1%).
Năm 2019, cả nước có 16.840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thế, tăng 3% so với năm 2018. Cụ thể, có 28/63 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể cao hơn bình quân chung cả nước, trong đó có 3 địa phương có số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể trên 1.000 doanh nghiệp: Cà Mau có 1.439 doanh nghiệp (tăng 38,29%), Hà Nội có 2.110 doanh nghiệp (tăng 24,3%), TPHCM có 5.146 doanh nghiệp (tăng 23,5%).
Được biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng lên của các doanh nghiệp chờ giải thể là do bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm.
Bước sang năm 2020, khi nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam lâm vào khủng hoảng khi dịch bệnh kéo dài, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải phá sản hoặc đứng trước bờ vực phá sản.
Theo Tổng Cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm so với cùng kỳ năm trước, chỉ bằng 86,8% so với 1 tháng của năm 2019. Vốn đăng ký chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ; đăng ký về lao động cũng chỉ đạt 70,3%; vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp cũng giảm.
Tính riêng tháng 4, cả nước có hơn 4.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 68% so với tháng trước, số doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể chiếm hơn 3.000. Tính chung 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian, giải thể hoặc chờ giải thể tăng lên 42.000.
Trước đó, ngày 16/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu của Nghị quyết nêu rõ, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Như vậy, với những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 rõ ràng là khó thành hiện thực. Nếu thời gian tới dịch bệnh được kiểm soát thì số doanh nghiệp có đủ sức khỏe để tiếp tục hoạt động cũng không phải là nhiều, đó là chưa kể đến số doanh nghiệp thành lập mới cũng khó có những đột biến.
Phân tích về mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã từng nhấn mạnh rằng, không nên quá đặt nặng thành tích phát triển số lượng mà đến lúc cần phải thay đổi định hướng phát triển doanh nghiệp. Chúng ta cần một chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp mạnh về “chất” đủ sức chống chịu với những cú sốc về kinh tế chứ không phải đơn thuần chỉ phát triển về số lượng. Để làm được điều này cần xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp, lớn có, nhỏ có để hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia.
M.T
-
Phân tích diễn biến thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua
-
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
-
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Tin tức kinh tế ngày 10/5: Ngân hàng tích cực “bơm” vốn
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5