Đi tìm những người “giữ hồn” Trung thu truyền thống

06:30 | 20/08/2022

638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, trống bỏi… là những món đồ chơi dân gian được biết bao thế hệ người Việt Nam sử dụng trong dịp Tết Trung thu. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của những món đồ chơi màu sắc và hiện đại, đồ chơi truyền thống đang dần chìm vào quên lãng...

Từ những kí ức tuổi thơ

Trong kí ức tuổi thơ của nhiều người, chắc hẳn sẽ nhớ tới Trung thu có mâm ngũ quả cùng đèn ông sao lấp lánh, với những chiếc mặt nạ giấy bồi bắt mắt hay những tiếng kêu “tạch tạch” bắt tai của trống bỏi. Những món đồ chơi dân gian đó đã trở thành một kho báu tuổi thơ của trẻ em mỗi dịp Tết Trung thu tới.

Tìm về thôn Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), nơi có làng nghề lâu đời làm đồ chơi trung thu truyền thống, có thể mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh một người già, một người trẻ đang tỉ mẩn vẽ từng chi tiết cho chiếc mặt nạ để bán vào mỗi dịp Trung thu. Đó là ông Vũ Huy Đông cùng cháu đang khéo léo vẽ từng chiếc mặt nạ.

Đi tìm những người “giữ hồn” Trung thu truyền thống
Ông Vũ Huy Đông cùng cháu đang hoàn thiện mặt nạ (ảnh: Thanh Tuyền)

Hỏi về cái duyên đưa ông đến với nghề làm mặt nạ giấy bồi, người nghệ nhân bộc bạch: “Gia đình tôi vốn đã làm nghề này khoảng 40 năm, từ thời bố của tôi rồi truyền sang cho tôi. Bây giờ thì có thêm vợ, con trai và cháu của tôi làm cùng”.

Cũng gắn với nghề làm đồ chơi truyền thống như ông Đông, gia đình ông Nguyễn Đức Hưởng (làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã làm trống bỏi hơn 50 năm. Ông kể: “Gia đình tôi đã làm nghề này hơn 50 năm. Ngay từ nhỏ, tôi đã được cha dạy nghề và tôi bén duyên với nghề làm trống bỏi tới bây giờ”.

Đi tìm những người “giữ hồn” Trung thu truyền thống
Đi tìm những người “giữ hồn” Trung thu truyền thống

Đến trăn trở với hiện tại

Trước đây, mỗi dịp Trung thu về, trẻ con thích và dùng nhiều đồ chơi truyền thống, thị trường vì thế rộng, nhu cầu cao, người làm đồ chơi truyền thống làm không hết việc. Ngày nay thị trường bị bó hẹp bởi các đồ chơi hiện đại, các bậc cha mẹ cũng dành sự quan tâm nhiều hơn đến các đồ mới, hiện đại.

Là kho báu của tuổi thơ, nhưng hiện nay, những món đồ chơi dân gian này đang ngày một lép vế trước những món đồ chơi ngoại nhập hiện đại, bắt mắt.

Đi tìm những người “giữ hồn” Trung thu truyền thống
Những món đồ chơi hiện đại được ưu ái hơn khi bày bán (ảnh: Thanh Tuyền)

Là một trong gần 10 hộ dân ở làng còn giữ nghề làm đồ chơi, ông Đông tâm sự: “Thôn Ông Hảo vốn có lịch sử lâu đời về làm nghề đồ chơi Trung thu truyền thống. Tuy nhiên, sự hiện đại của đồ chơi hiện nay cùng với sự khó khăn sau 2 năm dịch Covid-19 nên nhiều hộ dân trong làng đã chuyển sang nghề khác để mưu sinh”.

Tại làng Báo Đáp cũng vậy, rất nhiều hộ gia đình trong làng đã chuyển sang làm nghề khác, chỉ một vài hộ vẫn làm đèn ông sao, còn làm trống bỏi chỉ có duy nhất gia đình ông Hưởng.

“Trong làng trước đây cũng có rất nhiều gia đình làm trống bỏi nhưng hiện tại cả làng chỉ còn mỗi gia đình tôi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn hai ông bà già chúng tôi làm, các con cũng chuyển sang làm nghề khác. Tôi rất băn khoăn liệu sau mình không đủ sức khoẻ để làm nữa thì nghề làm trống bỏi tại làng Báo Đáp sẽ đi về đâu?” - ông Hưởng tâm sự.

Xã hội vẫn không ngừng đổi thay, phát triển, nhưng bên cạnh nhiều hộ dân vì mưu sinh mà phải đi làm nghề khác kiếm sống, vẫn có những nghệ nhân gắn bó nghề. Họ coi đây là những gì tinh tuý nhất mà cha ông để lại, họ sống với niềm vui được làm nghề được nhìn thấy nụ cười của trẻ thơ trong đêm phá cỗ. Họ muốn được cống hiến bằng đôi tay của mình để vừa mưu sinh nhưng cũng để tiếp nối cái nghề truyền thống đã một thời “vàng son”.

Nếu vậy, khi những nghệ nhân với đôi tay khéo léo đó mất đi thì liệu những món đồ chơi truyền thống sẽ như thế nào?

Khám phá làng nghề cung cấp đồ chơi Trung thu truyền thống khắp cả nướcKhám phá làng nghề cung cấp đồ chơi Trung thu truyền thống khắp cả nước
Múa rối nước - Loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt NamMúa rối nước - Loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam
Khám phá ngôi chợ truyền thống hơn 120 năm tuổi ở HuếKhám phá ngôi chợ truyền thống hơn 120 năm tuổi ở Huế

Nguyễn Tuyền