Di dời trụ sở bộ, ngành, trường đại học: Cần phải có giải pháp đồng bộ các vấn đề

10:45 | 25/09/2023

1,149 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chủ trương di dời các trụ sở bộ, ngành, trường đại học ra khỏi nội đô có từ lâu. Chính phủ cũng đã có biện pháp, kế hoạch lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời… thế nhưng đến nay, kế hoạch này vẫn chưa thể thực hiện. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Di dời trụ sở bộ, ngành, trường đại học: Cần phải có giải pháp đồng bộ các vấn đề
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội.

PV: Theo ông, kế hoạch di dời trụ sở các cơ quan, bộ, ngành, trường đại học ra khỏi nội đô có những lợi ích gì?

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Theo tôi, việc di dời này nhằm nâng cao chất lượng của Thủ đô Hà Nội, tạo ra một cơ cấu mới để giải quyết những áp lực cho Thủ đô. Ví dụ: giảm áp lực về giao thông; tạo khoảng không gian xanh, công trình dịch vụ công cộng như công viên, bãi đỗ xe, xây mới trường học cho học sinh vì hiện nay trường học ở Hà Nội rất thiếu… để nâng cao chất lượng sống của người dân. Ngoài ra, trụ sở các bộ, ngành phần lớn xây dựng trong suốt thời gian sau hòa bình lập lại, cơ sở vật chất, tiêu chuẩn diện tích, hạ tầng, kĩ thuật… đều không đáp ứng được yêu cầu làm việc của các bộ, ngành. Việc di dời cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn trong quá trình làm việc.

Thời gian qua, trong các lần quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch được phê duyệt năm 1992, sau đó là quy hoạch phê duyệt năm 1998, quy hoạch phê duyệt năm 2011 đều khẳng định, phải di dời trụ sở một số bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường học… ra khỏi nội đô Hà Nội. Đây là những định hướng nhằm cơ cấu lại đô thị trung tâm của thành phố Hà Nội, phù hợp với yêu cầu mới, phát triển cho Thủ đô. Đặc biệt trong Luật Thủ đô cũng đã đặt ra một yêu cầu phải di dời đi để tạo ra thuận lợi cho Hà Nội trong việc phát triển kinh tế xanh, văn hiến, văn minh.

PV: Đã có thông tin, nhiều đơn vị đổ lỗi do không có nguồn vốn để di dời nên kế hoạch chưa thực hiện được. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

TS. KTS​​​​​​​ Đào Ngọc Nghiêm: Tôi cho rằng, thực tế ngược lại, một số cơ sở dù đã di dời ra nội đô, nhưng vẫn muốn "ôm" đất trong nội thành để làm cơ sở 2.

Đơn cử như Bộ Tài nguyên và Môi trường dù trụ sở mới khánh thành năm 2011, song trụ sở cũ tại Nguyễn Chí Thanh vẫn đang được cơ quan của Bộ sử dụng. Tương tự, trụ sở mới của Bộ Khoa học và Công nghệ được xây dựng cao 13 tầng tại Trần Duy Hưng (Cầu Giấy). Cuối năm 2011 công trình này đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng trụ sở cũ tại số 39 phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn đang được sử dụng.

Có thể nói, việc di dời trụ sở Bộ, ngành chậm trễ không chỉ do thiếu nguồn lực, mà còn liên quan đến lợi ích sinh ra trên đất vàng.

Di dời trụ sở bộ, ngành, trường đại học: Cần phải có giải pháp đồng bộ các vấn đề
Trụ sở mới của Bộ Khoa học và Công nghệ

PV: Theo ông, tại sao kế hoạch di dời trụ sở bộ, ngành, trường đại học ra khỏi nội đô đến nay vẫn chưa thể thực hiện được?

TS. KTS​​​​​​​ Đào Ngọc Nghiêm: Theo tôi có một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, lựa chọn địa điểm khu vực các trường đại học di chuyển tới còn nhiều bất cập. Địa điểm các trường đại học còn vướng mắc quy hoạch vùng. Rất nhiều trường đại học phải lên đô thị vệ tinh, ví dụ Sóc Sơn, Xuân Mai, Hòa Lạc. Tuy nhiên những đô thị vệ tinh này, Hà Nội triển khai còn chậm do chưa có quỹ đất để các Trường di dời tới.

Bên cạnh đó, một số vị trí khu vực vệ tinh chưa có sự liên kết, nhất là các mối quan hệ vùng như, Hải Dương sẽ có khu đại học lớn, phố Hiến có khu đô thị Đại học, vùng lân cận Bắc Ninh cũng phải có, thế nhưng đến nay, mối quan hệ vùng chưa có sự thống nhất với nhau, điều hành không đồng bộ cho nên dẫn đến chuyện chậm.

Thứ hai, cơ chế chính sách còn bất cập với nhau, bởi vì trong luật đất đai, đối với vị trí trụ sở các bộ ngành, trường được giao còn trong thời hạn hiệu lực, thì không thể thu hồi được phải phụ thuộc vào họ… chưa có nơi đến thích hợp thì họ chưa đi được chứ không phải họ vi phạm.

Thứ ba, tồn tại nữa là nguồn lực để thực hiện thực thi như thế nào, bởi vì bây giờ một trụ sở di dời, xây dựng mới thì nguồn lực ở đâu? bố trí từ nguồn lực ngân sách hay là bố trí nguồn lực từ đấu giá khu đất cũ, đấu giá khu đất cũ thì không đúng chính sách, bởi theo quy hoạch, khu đất chuyển đi để xây dựng công trình công cộng, công viên, trường học… Nên nguồn lực ngân sách rất khó khăn, phải có bố trí lấy từ đâu cho việc xây trụ sở mới.

Thứ tư, là bất cập khung pháp lý, chẳng hạn đất trụ sở cũ sau di dời giao cho ai quản lý. Thời gian qua, việc di dời 6 cơ quan, đơn vị ra khỏi nội đô chưa có tác động đến Hà Nội, bởi một số cơ quan không giao cho Hà Nội được, và cũng không muốn giao. Luật Đất đai sắp tới có thể giải phóng được một phần, nhưng phải chờ phê duyệt Luật Thủ đô có chính sách đặc thù thì mới có thể giải quyết được, đó là những khó khăn đồng bộ.

Cũng từ lý do đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội được tiếp nhận đất trụ sở cũ sau di dời.

PV: Vậy theo ông cần phải có những cơ chế chính sách như thế nào?

TS. KTS​​​​​​​ Đào Ngọc Nghiêm: Nếu đã có kế hoạch di dời thì phải bố trí ngân sách ngay, phải xây dựng thành một cơ chế đặc thù, tức là không phù hợp với quy hoạch di dời ra khỏi nội đô thì cần phải giao đất cho Hà Nội, Hà Nội sẽ có trách nhiệm bố trí ở vị trí thích hợp và đồng thời, trong quan hệ vùng phải thúc đẩy các tỉnh lân cận thì mới được.

Ngoài ra, phải có quỹ đất sạch và xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng nơi di dời tới. Kinh nghiệm các nước phải xây dựng khu ở lân cận đề phục vụ cho các bộ, ngành. Ví dụ như, Thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia, khi di dời các trụ sở đi thì họ làm các khu đô thị theo cấp. Và họ bố trí phân công cho ở theo kiểu nhà công vụ hoặc bán giá rẻ, họ làm đầy đủ các dịch vụ công cộng, thậm chí làm cả nhà thờ…

Hiện nay, ở Việt Nam Khu đô thị mới phục vụ cho các bộ, ngành thì chưa có một cơ chế nào cho phù hợp cả. Để tránh giao thông con lắc thì phải bố trí phù hợp. Họ ở xa hơn nhưng họ vẫn ở trong nội đô thì giao thông càng ách tắc hơn.

Do vậy, cần phải có cơ chế kèm, đến nay cũng đã tìm được vị trí xây dựng trụ sở 8 bộ, ngành, nhưng bây giờ phải xây dựng như thế nào để tránh giao thông con lắc và tiện ích gia đình cho họ như thế nào. Như vậy phải có cái nhìn tổng thể thì mới có thể hình thành được. Cần phải có tầm nhìn tổng thể và giải pháp đồng bộ các vấn đề thì mới giải quyết nhanh được.

PV: Vừa qua Chính phủ đã phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030. Theo đó, khu vực di dời được quy hoạch là khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì, ông đánh giá việc này thế nào?

TS. KTS​​​​​​​ Đào Ngọc Nghiêm: Theo tôi, lần quy hoạch này là một dấu ấn mới, một sự kiện của cả quá trình hơn 20 năm thực hiện việc di dời sở, bộ, ngành nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Hi vọng rằng với sự kiện lần này, với dấu ấn lần này, chúng ta sẽ thực hiện được việc di dời.

Khu vực Tây Hồ Tây nằm trong tổng thể khu đô thị mới tây Hồ Tây đã và được quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, bao gồm các tuyến đường đối ngoại, tuyến đường chính đô thị, đường sắt đô thị, giao thông công cộng. Các dự án hiện có tại khu vực có mật độ dân số trung bình.

Trong khi đó với khu vực Mễ Trì nằm trong vùng phát triển đô thị mở rộng phía tây của Hà Nội, kế cận với tuyến đường vành đai 3, trục hướng tâm đại lộ Thăng Long, đường Tố Hữu… các tuyến đường này hiện đang bị áp lực tắc nghẽn giao thông khá trầm trọng, hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, hình thành theo các dự án riêng lẻ, thiếu kết nối, các dự án đầu tư gần đây có quy mô rất lớn, nhiều công trình cao tầng, nên khu vực Mễ Trì chịu ảnh hưởng quá tại hạ tầng của các khu vực lân cận.

Do đó, nếu xác định di dời trụ sở các Bộ, ngành về 2 khu vực này, cần tính toán thêm bài toán về nguồn lực phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030. Theo đồ án, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể. Đồ án quy hoạch này gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Trong đó khu Tây Hồ Tây có diện tích 35 ha, gồm 20,7 ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14,3 ha tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm. Khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) có quy mô 55 ha, với 43,6 ha thuộc phường Mễ Trì và 11,4 ha thuộc phường Trung Văn. Dự kiến khu vực này sẽ là trụ sở làm việc của 23 cơ quan.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mạnh Tưởng