Đề xuất 7 nhóm giải pháp phục hồi thị trường lao động

11:01 | 18/11/2021

247 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với 7 nhóm giải pháp kèm theo những cơ chế, tập trung vào các vấn đề lớn như đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn, kịp thời, hiệu quả, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, bắt nhịp xu hướng mới
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam (ảnh minh họa).

Tại tọa đàm trực tuyến "Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch" ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Văn Thanh nhận định, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam.

Thị trường lao động đã bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh. Mỗi nơi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên việc đi lại giao lưu giữa các vùng cũng khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

Trong bối cảnh đó, các giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động đang trở nên ngày càng cấp bách và cần có lộ trình triển khai cụ thể.

Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết cơ quan này đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với 7 nhóm giải pháp kèm theo những cơ chế, tập trung vào các vấn đề lớn.

Các nhóm giải pháp gồm: Hỗ trợ trực tiếp người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động; hoàn thiện bền vững thị trường lao động; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho hay, nguồn kinh phí thực hiện chương trình khá lớn, hiện nay Bộ đang trình Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu để bố trí kinh phí để thực hiện đồng bộ cả 7 giải pháp này.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, cần có những chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn đầu quay lại làm việc như hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát Covid-19…, song song với đó là đẩy mạnh liên kết vùng trong điều tiết cung cầu lao động phục vụ hồi phục phát triển kinh tế - xã hội.

Theo số liệu thống kê, trong quý III/2021, hơn 4,7 triệu lao động đã mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch; 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm dừng sản xuất, kinh doanh và trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm.

Nguồn cung lao động cũng bị suy giảm trầm trọng. Trong quý III, lực lượng lao động chỉ còn 49,1 triệu lượt người, giảm 22 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2020. Riêng lao động việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.

Cơ cấu việc làm và chuyển dịch bị đảo chiều. Từ đầu năm, lĩnh vực nông lâm thủy sản tăng, lĩnh vực dịch vụ công nghiệp giảm, ngược lại với chuyển dịch cơ cấu việc làm thông thường.

Cụ thể, số lao động trong ngành nông lâm thủy sản thời gian qua là 14,5 triệu người, tăng lên 479.000 người so với cùng kỳ năm 2020. Lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng giảm 960.000 người, trong khi ngành dịch vụ giảm 2-3 triệu lao động so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, sau khi dịch được kiểm soát, nhiều cơ hội được mở ra. Các doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0; ngành lao động có cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lực lượng giữa các vùng và ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh...

Về các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, ông Lê Quốc Minh Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội như Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

Trước đó, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra, ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Triển khai Nghị quyết 84/NQ-CP, một loạt các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất cũng như hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19 đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Thị trường lao động Hà Nội dần khởi sắcThị trường lao động Hà Nội dần khởi sắc
Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Khắc phục đứt gãy thị trường lao động, cần các giải pháp căn cơ để phát triển nhà ở cho công nhânKhắc phục đứt gãy thị trường lao động, cần các giải pháp căn cơ để phát triển nhà ở cho công nhân

T.H